Sinh đẻ tại nhà dễ gặp tai biến sản khoa
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi ở Việt Nam trong những năm qua đã giảm nhiều, tuy nhiên tử vong sơ sinh giảm còn chậm và còn có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, miền. Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác gồm ngạt, đẻ non và nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật, nhiễm khuẩn.
Phụ nữ cần được khám thai ≥ 4 lần trong ba thai kỳ, tuy nhiên tỷ lệ này đạt được còn thấp. Tỷ lệ chung của cả nước chỉ đạt 70%, thấp nhất là khu vực trung du và miền núi phía Bắc (40%) và Tây Nguyên (64%).
Phụ nữ sinh đẻ tại nhà không có cán bộ chuyên môn y tế giúp đỡ là tình trạng còn phổ biến ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẻ tại nhà không được cán bộ y tế được đào tạo về đỡ đẻ đỡ sẽ không được xử trí đúng cách nếu có tai biến sản khoa, dẫn đến tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
Tử vong mẹ có sự khác biệt rõ rệt giữa vùng núi khó khăn và đồng bằng (3,6 – 4 lần); giữa sinh con tại nhà và tại cơ sở y tế (3,6 – 6 lần); giữa phụ nữ dân tộc thiểu số và Kinh (3,4 – 7,5 lần) và có sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số.
Thực tế chứng minh tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi thường liên quan nhiều đến các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ khi mang thai và sinh nở. Đồng thời, các tập quán chăm sóc lạc hậu của người dân tộc thiểu số với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai khiến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Ví dụ như tập quán phổ biến của người dân tộc thiểu số là tự sinh con, không cần trợ giúp của chuyên viên y tế; cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, mất vệ sinh, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh…
Mặt khác, phụ nữ dân tộc thiểu số thường kết hôn, sinh con sớm khi chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu… Hiện ngành y tế đang nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phần lớn các trường hợp tử vong mẹ và con có thể phòng tránh được nếu phụ nữ tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao trong thời gian họ mang thai và sinh con. Việt Nam là quê hương của 53 nhóm dân tộc thiểu số và hầu hết các dân tộc này đều sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa với sự phát triển kinh tế xã hội hạn chế và điều kiện giao thông khó khăn. Do đó, việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai và sinh con là một thách thức rất lớn.
Cơ sở y tế là nơi đẻ an toàn nhất
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, nơi đẻ an toàn là cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế, thai phụ được những người có chuyên môn đỡ đẻ và chăm sóc; Có phòng đẻ sạch với dụng cụ đỡ đẻ tiệt trùng, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con; Phát hiện sớm các tai biến và cấp cứu kịp thời; Có sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu khi cần thiết; Được tư vấn về cách chăm sóc mẹ và con, về kế hoạch hóa gia đình sau sinh.
Đối với những bà mẹ mang thai “có yếu tố nguy cơ” (phát hiện qua các đợt khám thai) thì nhất thiết phải đến đẻ tại cơ sở y tế. Nếu thấy “có nguy cơ” nên chủ động sắp xếp chọn cơ sở y tế thích hợp, thí dụ: Nếu đã có vết mổ đẻ cũ thì phải đến thẳng cơ sở y tế có đủ điều kiện phẫu thuật mà không cần qua các đơn vị chuyển tuyến trung gian như: trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực…
Ngoài ra những trường hợp chưa phát hiện “có nguy cơ” cũng vẫn nên đến đẻ tại các cơ sở y tế vì ngay trong lúc chuyển dạ đẻ và sau đẻ cũng vẫn có thể xuất hiện “nguy cơ” mà ta không thể biết trước được.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi đi đẻ, thai phụ và người nhà cần chuẩn bị tiền, đồ dùng cho cả mẹ và con, thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, căn cước công dân…), Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ – trẻ em hoặc Sổ khám thai, quần áo, khăn, tã lót, mũ, tất (vớ), giấy vệ sinh, cốc (ly), thìa (muỗng)… Đến gần ngày sinh nên ở nhà, không đi đâu xa.
Đồ dùng cho mẹ gồm 1 bộ quần áo cho mẹ mặc khi xuất viện. Trong thời gian lưu lại ở bệnh viện, mẹ sẽ được nhân viên y tế phát quần áo để thay hằng ngày. Bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng. Khăn lau mặt, khăn tắm. Lược, kẹp/buộc tóc. Quần lót, nên sử dụng quần lót giấy hoặc các loại quần lót sử dụng 1 lần. Mẹ cần chọn size quần vừa với bản thân. Băng vệ sinh loại lớn dùng cho mẹ đi sinh con và băng vệ sinh loại thông thường dùng vào những ngày chưa chuyển dạ hoặc sau sinh khi tình trạng ra huyết đã giảm. Áo lót loại co giãn, thoáng, loại cho con bú
Túi đồ dùng cho trẻ: Quần áo cho trẻ sơ sinh khoảng 5 – 7 bộ. Khi em bé vừa chào đời, bệnh viện sẽ phát và mặc cho bé 1 bộ đồ đã tiệt khuẩn gồm: mũ, áo, tã, bao chân, khăn quấn. Tã sơ sinh loại miếng lót sơ sinh + tã vải hoặc tã dán sơ sinh. Khăn sữa nhỏ để lau mặt, lau mắt, lau đờm dãi cho bé. Khăn tắm to, khăn quấn bé, nên chọn loại khăn mềm khổ lớn để giúp giữ ấm cho con. Giấy ướt, nước muối sinh lý và các vật dụng khác.
Chuẩn bị phương tiện vận chuyển để đưa đến cơ sở y tế khi người phụ nữ mang thai có dấu hiệu chuyển dạ hoặc có dấu hiệu nguy hiểm; Chuẩn bị thức ăn cho bà mẹ; Chuẩn bị chỗ nằm cho bà mẹ và trẻ sơ sinh: Nơi có ánh sáng, ấm áp, thoáng khí nhưng không có gió lùa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ung Thư Nội Mạc Tử Cung Xét Nghiệm Chẩn Đoán Khó Phát Hiện | SKĐS