Phòng và điều trị nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ

8 mins read
Phòng và điều trị nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như cúm, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi… gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính 5 – 8 lần trong một năm, điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Nếu được chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, khoảng 20 – 25% trẻ bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng và tử vong.

Hiện nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới và 90% là ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính

Đa số các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em là do virus (60 – 70%), các virus thường gặp là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, virus á cúm, virus sởi… Vi khuẩn còn là tác nhân quan trọng gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em ở các nước đang phát triển.

Các vi khuẩn hay gặp là: Haemophilus influenza, phế cầu (Streptococcus pneumonia), Moracella catarrhalis… Vị trí nhiễm khuẩn hô hấp có thể là: Viêm họng cấp tính; Viêm phế quản; Viêm phổi; Viêm tiểu phế quản…

Các tác nhân gây viêm đường hô hấp do virus thường gặp

Thời tiết có độ ẩm và nhiệt độ thay đổi đột ngột; Môi trường sống bị ô nhiễm khói bụi; Dinh dưỡng cung cấp cho trẻ không đầy đủ; Trẻ không được tiêm chủng; Trẻ sinh non, trẻ bị mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, nội tiết, còi xương suy dinh dưỡng…); Những đối tượng có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng hô hấp cấp tính là trẻ em, người cao tuổi, người bị bạch cầu, bị suy giảm miễn dịch

Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, thay đổi độ ẩm và chuyển mùa (tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10).

Phòng và điều trị nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ - Ảnh 2.

Đa số các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em là do virus. Ảnh minh hoạ.

Phân loại nhiễm trùng hô hấp cấp tính

Hệ hô hấp được xác định bắt đầu từ cửa mũi trước tới các phế nang trong phổi. Chức năng của hệ hô hấp trên là lấy không khí bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Trong khi đó, chức năng của hệ hô hấp dưới là thực hiện các chức năng lọc và trao đổi khí. Người ta đã thống nhất lấy nắp thanh quản làm ranh giới. Nếu tổn thương trên nắp thanh quản là nhiễm khuẩn hô hấp trên, tổn thương các bộ phận dưới nắp thanh quản là nhiễm khuẩn hô hấp dưới.

– Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm: Ho, cảm lạnh, viêm tai giữa, viêm mũi họng (trong đó có viêm VA, amidan…), viêm xoang.

– Nhiễm khuẩn hô hấp dưới ít gặp hơn và thường nặng, bao gồm các trường hợp viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi – màng phổi.

Biểu hiện các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ rất phong phú và đa dạng, cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu chính sau:

– Trẻ xuất hiện mệt mỏi, da xanh, quấy khóc.

– Trẻ ăn hoặc bú kém.

– Ho là dấu hiệu thường gặp nhất, sau đó kèm theo sốt, chảy nước mũi, thở khò khè.

– Trẻ có thể có các dấu hiệu nặng: Nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, tím tái quanh môi, sốt cao gây co giật, bỏ bú hoặc bỏ ăn.

Cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

  1. Trẻ có sốt và ho hay không.
  2. Trẻ ăn hoặc bú kém, bỏ ăn bỏ bú.
  3. Trẻ có nôn, bụng chướng, đi ngoài phân lỏng…
  4. Trẻ thở nhanh là biểu hiện có viêm phổi, trẻ thở nhanh khi đếm nhịp thở.
  5. Trẻ có bị kích thích quấy khóc hay ngủ li bì khó đánh thức.

Khi có bất kỳ những triệu chứng trên, cha mẹ không thể chăm sóc trẻ ở nhà, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi.

Phòng và điều trị nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ - Ảnh 4.

Khi trẻ có biểu hiện bị nhiễm trùng hô hấp, cần đưa trẻ đến khám cơ sở y tế gần nhất. Ảnh minh hoạ.

Chăm sóc trẻ nhiễm trùng hô hấp như thế nào?

Khi triệu chứng của trẻ nhẹ và trẻ vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ ở nhà, nhưng cần lưu ý:

Chăm sóc đường thở

Vệ sinh mũi cho trẻ bằng tăm bông hoặc hút mũi – miệng, nhỏ nước muối sinh lý 0,9%.

Không cần can thiệp nếu trẻ ho ít, vì ho là phản xạ giúp tống chất tiết ra ngoài. Trường hợp trẻ ho quá nhiều gây nôn trớ và mất ngủ, có thể cho trẻ uống nước ấm để làm loãng đờm, dịu bớt cơn ho.

Nếu trẻ sốt 37,5 độ C đến dưới 38,5 độ C thì cần nới rộng và bỏ bớt quần áo, chăn đắp; lấy khăn thấm nước ấm chườm trán, nách, bẹn. Cho trẻ bú tăng cường hoặc uống nhiều nước.

Chăm sóc dinh dưỡng

Trẻ nhỏ cần cho bú mẹ theo nhu cầu. Trẻ lớn cho ăn đủ chất, thức ăn lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa, nhằm duy trì sức đề kháng. Cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do sốt

Chăm sóc vệ sinh

Để hạn chế nguồn lây bệnh, cần thường xuyên vệ sinh phòng ở, làm sạch các dụng cụ chăm sóc và giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ.

Để phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp, cần đảm bảo cho trẻ bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt. Thực hiện tiêm phòng theo lịch tiêm chủng. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, sẽ giúp tăng sức đề kháng. Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt khi trời lạnh và khi thay đổi thời tiết. Vệ sinh cá nhân và môi trường, tránh khói bụi, khói thuốc.

Cách ly trẻ với người bị mắc bệnh hô hấp. Khi trẻ có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp với dấu hiệu sốt cao ≥ 38,5 độ C kéo dài hơn 3 ngày, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

6 Đồ Vật Trong Nhà Có Thể Gây Bệnh Hô Hấp | SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog