Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu bánh mì tại quán bánh mì Phượng.
Tối 21/9, Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Viện Pasteur Nha Trang vừa thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại TP Hội An.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lấy 12 mẫu thực phẩm gồm: Pa tê, rau xà lách, dưa leo, rau húng, hành; chả heo, thịt heo xíu, Xíu mại gửi và đề nghị Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trên.
Kết quả cho thấy, mẫu chả heo cho kết quả dương tính với chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu) và HBL (độc tố ly giải hồng cầu); mẫu thịt xíu dương tính/25g Salmonella spp; mẫu rau, xà lách, rau răm, hành, dưa leo cho kết quả dương tính với chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và dương tính/25g với Salmonella spp; mẫu thịt heo xíu dương tính/25g với Salmonella spp; mẫu xíu mại dương tính với Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Còn hai mẫu thịt heo xíu và xíu mại (lấy mẫu lúc 10h ngày 13/9, chế biến xong 19h ngày 12/9) kết quả dương tính/25g với Salmonella spp.
Ngoài ra, còn có mẫu phân của một phụ nữ 71 tuổi (người nước ngoài), kết quả xét nghiệm dương tính với Salmonella group D.
Theo các nhà nghiên cứu, Bacillus cereus là trực khuẩn kỵ khí, bắt màu gram dương, có nha bào, dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm.
Được biết, Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các virus. Bacillus cereus gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: Hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy.
Còn vi khuẩn Salmonella là một loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật gọi là bệnh nhiễm Salmonella. Nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Vi khuẩn Salmonella hay còn được gọi là vi khuẩn thương hàn gồm S. typhi và S. paratyphi A, B, C. Tất cả các chủng đều có khả năng gây bệnh thương hàn.
Du khách xếp hàng dài để được thưởng thức món bánh mỳ Phượng trước khi xảy ra vụ ngộ độc.
Như đã đưa tin, trước đó, từ khoảng 8 giờ sáng 11/9, một số người dân, du khách có ăn bánh mì mua tại tiệm bánh mì Phượng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài.
Theo cơ quan chức năng, có ít nhất 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị, trong đó có hàng chục du khách nước ngoài.
Ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đến nay tất cả ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện.
Liên quan đến vụ ngộ độc này, ngày 21/9, chủ quán bánh mì Phượng cũng đã đăng tải thư xin lỗi gửi đến khách hàng trên trang cá nhân. Chủ quán bánh mì Phượng thừa nhận đây là sơ sót của quán trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, cũng như chưa đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng. Rất mong khách hàng thông cảm và tiếp tục ủng hộ.