Đừng phạm phải 3 sai lầm này trên hồ sơ LinkedIn: Chúng có thể khiến bạn mất việc mà không biết vì sao
Hồ sơ LinkedIn có sức mạnh rất lớn trong sự nghiệp của bạn, nên hãy chỉn chu với nó.
- Cập nhật LinkedIn hàng tỷ lần, nộp CV cho cả tá công ty vẫn vô vọng: Làm gì để vượt qua cơn hoảng loạn khi vòng lặp tìm việc trở nên bế tắc?
- Huyền Chip, cô gái từng bị “ném đá” năm nào giờ đã lọt Top 5 người có tiếng nói nhất trên LinkedIn mảng AI, chuẩn bị làm giảng viên Stanford!
- Với 20 năm kinh nghiệm “săn nhân tài”, CEO tiết lộ 6 sai lầm kinh điển ứng viên hay mắc khi tạo CV trên LinkedIn, khiến bản thân kém hấp dẫn trong mắt nhà tuyển dụng
Ngày nay, việc có một hồ sơ LinkedIn cá nhân đã là chuyện quen thuộc dù bạn làm việc trong ngành nghề nào. Theo thống kê sơ bộ, có 8 người được tuyển dụng trên LinkedIn mỗi phút, tức là 480 người được thuê mỗi giờ và 11.520 người được thuê mỗi ngày.
Nếu bạn chưa tạo hồ sơ LinkedIn cho riêng mình thì đừng chờ đợi nữa. Các nhà tuyển dụng toàn cầu đang sử dụng trang này để tìm kiếm và làm quen với các ứng viên trước khi tuyển dụng. Angelina Darrisaw, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty hướng nghiệp C-Suite Coach cho biết: “Ngày nay, việc ứng viên không có bất kỳ sự hiện diện trực tuyến nào có thể khiến nhà tuyển dụng lo ngại”.
Ngoài việc có một hồ sơ, bạn cần đảm bảo rằng nó được điền đầy đủ thông tin và thể hiện phiên bản chuyên nghiệp nhất của bạn. Dưới đây là 3 dấu hiệu cần tránh trên hồ sơ của bạn để không mất điểm với nhà tuyển dụng:
Nhiều chức danh chồng chéo
Ảnh minh họa
Ghi quá nhiều kinh nghiệm làm việc đôi khi lại không phải điều tốt. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy sự không nhất quán trong kinh nghiệm làm việc của bạn.
Rất nhiều chức danh công việc chồng chéo, đặc biệt là lĩnh vực khác nhau hoặc vị trí công việc khác nhau có thể khiến bạn trở thành người không rõ trọng tâm thực sự của mình là gì và không thực tế. Một danh sách dài các gạch đầu dòng về trách nhiệm, thành tích của bạn trong khi thời gian làm việc ở vị trí đó ngắn cũng là một dấu hiệu đỏ khác.
Nếu bạn thực sự có nhiều công việc từng làm, ví dụ như bạn là người làm việc tự do hoặc nhận nhiều việc part time thì hãy tìm cách giải thích điều đó. Bạn có thể viết ngay trong phần giới thiệu của mình thông tin như “một người làm nghề tự do đa năng, hiện đang thực hiện 4 dự án thú vị”.
Các bài viết đầy tính “xúc động, khó chịu hoặc tức giận”
Ngoài các thông tin và kinh nghiệm làm việc, trong hồ sơ LinkedIn của bạn là phần hoạt động, nơi mọi người có thể xem bất kỳ bài đăng nào gần đây bạn đã đăng và cả nhận xét của bạn đã về bài viết của người khác.
Đừng nghĩ đây chỉ là một phần nhỏ không HR nào để ý. Chuyên gia tuyển dụng Phoebe Gavin cho biết: “Những câu chuyện như về bữa tiệc sinh nhật vui vẻ của bạn chỉ nên xuất hiện trên Instagram. Bất kỳ trao đổi nào với người khác cũng thể hiện quan điểm của bạn và điều đó không nên được phản ánh trong hồ sơ nghề nghiệp của bạn, nơi mà nhà tuyển dụng tiềm năng có thể nhìn thấy nó” . Chúng ta cũng nên tránh những bài viết tiêu cực, cảm tính. Nhà tuyển dụng có thể muốn tránh một ứng viên sẽ bức xúc đập bàn đập ghế nếu cuộc phỏng vấn không thành công.
Ảnh minh họa
Kinh nghiệm làm việc không được cập nhật
Cuối cùng, một hồ sơ không được cập nhật trong vài năm cũng là một dấu hiệu đáng báo động. Nếu người quản lý tuyển dụng nhìn thấy một hồ sơ LinkedIn 3 năm rồi chưa được cập nhật, họ sẽ tự hỏi: “Không có sự phát triển nào xảy ra trong sự nghiệp của bạn sao?”.
Nhà tuyển dụng muốn thấy rằng bạn không ngừng nâng cao kỹ năng và có nhiều kiến thức chuyên môn hơn mỗi ngày. Khi bạn giành được giải thưởng, nhận được chứng chỉ mới hoặc đảm nhận trách nhiệm mới trong công việc, hãy thêm vào LinkedIn của mình, ngay cả khi bạn không đang kiếm việc làm mới.
Không cập nhật hồ sơ của bạn một cách thường xuyên không chỉ là một dấu hiệu trừ điểm mà còn khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội. LinkedIn cung cấp rất nhiều cơ hội để các nhà tuyển dụng tiếp cận mà không cần yêu cầu. Càng liệt kê nhiều ví dụ về kinh nghiệm làm việc thực tế của bạn, bạn càng có nhiều bằng chứng cho thấy bạn có thể là ứng viên sáng giá cho một công việc – ngay cả khi bạn không tìm kiếm công việc đó.
Khi các nhà tuyển dụng sử dụng LinkedIn để cố gắng tìm kiếm những ứng viên có thể phù hợp với nhu cầu của họ, họ cần nhiều thông tin để có thể đưa ra đánh giá. Nếu thông tin đó không được ghi trên hồ sơ của bạn, ngay cả khi trên thực tế, bạn có trải nghiệm phù hợp thì họ sẽ chuyển sang hồ sơ khác.
Nguồn: CNBC