Bà Nguyễn Thị Tiến (70 tuổi, Hà Nội) hiện đang sinh sống cùng chồng, con trai và con dâu “hờ”. Gọi như vậy bởi anh Cường (40 tuổi- con trai bà Tiến) vừa mới ly dị người vợ thứ hai để đưa tình nhân về nhà cùng chung sống.
Tuy chuẩn bị bước sang tuổi trung niên nhưng anh Cường vẫn chọn cách sống “ký sinh” vào bố mẹ. Hàng ngày, anh giúp mẹ bưng bê đồ đạc, sắp xếp tiệm tạp hoá – kế sinh nhai duy nhất đang nuôi sống 4 người- và làm công việc nội trợ. Gần đây, không rõ anh được bạn bè rủ rê hay học theo trên mạng mà bắt đầu khởi nghiệp làm giàu bằng cách đào tiền ảo.
Đáng nói, để phát triển mạnh hơn tài khoản của mình, anh Cường về nhà thúc giục mẹ bán hết mấy thửa ruộng để lấy tiền thật chuyển đổi sang tiền ảo. Anh hứa hẹn rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, số tiền ảo này sẽ có giá trị gấp nhiều lần tiền thật, khi đó anh rút tiền ra cũng đủ trở thành tỷ phú.
Ma xui quỷ khiến, bà Tiến đồng ý bán gấp tất cả đất đai mà mình có để đưa cho con trai đầu tư.
Thấy sự việc ngày càng nghiêm trọng, rất nhiều anh em họ hàng đã đến khuyên bà Tiến nên cân nhắc. Bởi căn nhà cả gia đình bà đang ở thuộc diện đất dịch vụ, một khi nhà nước thu hồi thì bà và các con buộc phải dọn đi. Vậy mà, thay vì mua lại căn nhà thì bà lại mạo hiểm dồn hết tài sản vào một sản phẩm không hề có thực. Hơn nữa, vợ chồng bà đều đã già, liệu còn có thể nuôi con trai và con dâu đến khi nào.
Những tưởng bà Tiến sẽ suy nghĩ thấu đáo, nhưng thực tế bà vẫn bênh con chằm chặp và mắng ngược lại tất cả mọi người khiến cho ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Câu chuyện về những người trưởng thành, hoàn toàn bình thường về thể chất và trí tuệ nhưng vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ khá thường gặp. Trong khi ở nhiều nước phương Tây, con cái 18 tuổi là đã ra ở riêng, hoàn toàn tự lo cho cuộc sống cá nhân thì tại Việt Nam, nhiều người dù đã lập gia đình vẫn “sống bám” vào phụ huynh.
Theo các chuyên gia tâm lý, lý do chủ yếu khiến con cái sống dựa dẫm là do cách giáo dục của chính bố mẹ. Việc nuông chiều thái quá, làm thay con mọi việc từ nhỏ tới lớn dẫn tới triệt tiêu khả năng tự lập, ý thức vươn lên của con.
Hầu hết, những người này khi gặp một chút khó khăn là rút lui, không cố gắng vượt qua. Ngoài ra, một phần khác, có thể do sự áp đặt của bố mẹ từ nhỏ, khiến họ luôn làm mọi thứ theo ý người lớn, trưởng thành mất phương hướng, không tự chủ về việc mình làm, sinh ra chán nản, buông xuôi.
Để khắc phục tình trạng này, tiến sĩ tâm lý học Joshua Coleman (Mỹ) cho rằng, cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý với những yêu cầu được giúp đỡ của con. Bạn chỉ cần xem xét các yếu tố sau: Sự giúp đỡ của tôi sẽ giúp con trưởng thành hơn hay trở nên phụ thuộc hơn? Sự giúp đỡ nên là vô điều kiện, hay có điều kiện? Cách nhìn nhận của tôi về con có đúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?
Hãy bình tĩnh nói với con những gì bạn sẵn sàng hoặc không sẵn sàng hỗ trợ. Ví dụ, cha mẹ nên nói: “Bố/mẹ sẵn sàng giúp đỡ con trong những điều kiện sau đây”. Trong trường hợp bạn sẵn sàng để giúp đỡ con cái, hãy làm điều đó bằng tình yêu thay vì đồng ý với lời phàn nàn hay buộc tội. Tuy nhiên, nên cứng rắn và chỉ ra cho con thấy khả năng của mình.
Trường hợp bạn không đủ khả năng để giúp đỡ con, hãy sẵn sàng để nói “Không”. Tuyệt đối đừng dốc trọn tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp đỡ con cái. Bạn cũng có thể nói “Không” ngay cả khi đủ khả năng hỗ trợ, nếu thái độ của con thiếu tôn trọng.