Hôm qua, chồng tôi đưa cho tôi xem một video đang nổi tiếng trên mạng, nhận được rất nhiều bình luận và chia sẻ từ mọi người. Nội dung có vẻ không mới mẻ, đều nói về cách giáo dục con cái và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tôi tặc lưỡi, ai chẳng phải mệt mỏi vì dạy con, chúng đều bướng mà.
Thế nhưng, khi tôi đọc dòng chữ Vietsub dịch nghĩa từng câu nói của các bạn nhỏ bên dưới, tôi đã quặn thắt lòng đến rơi nước mắt.
Một cô bé vừa khóc vừa nói với bố mình rằng: “Con làm xong bài tập rồi, con hoàn thành xong việc của chính mình rồi, không lẽ con chơi cũng có vấn đề sao? Con cũng áp lực lắm chứ.
9h tối con đã đi ngủ rồi, không lẽ con chơi tới nửa đêm chắc. Mỗi ngày bố đều tạo cho con áp lực lớn như thế, con phải học tập chăm chỉ, lớn lên phải làm cái này cái nọ, sao bố không làm được đi. Con đã cố gắng hết mức rồi, chỉ có thể được thế này thôi”…
Tôi bất giác nhìn về phía con trai của mình đang say giấc nồng, thằng bé cũng vừa khai giảng lớp 1 hồi tháng 9, giai đoạn cực kỳ bỡ ngỡ với con.
Con trai tôi không được nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa, cháu bị giới hạn về khả năng biểu đạt ngôn ngữ, hơi nghịch ngợm và khó bảo. Hồi còn ở lớp mẫu giáo, việc học của con chỉ đơn thuần là tập vẽ, học số, đến khi chuẩn bị lên lớp 1 thì rèn luyện tập viết sao cho đúng nét, đúng li.
Nhưng khi đã chính thức bước vào năm học mới, con phải đối diện với vô vàn bài tập mà thời của tôi ngày trước chưa bao giờ học đến. Các con phải làm toán tư duy, phải học tiếng Anh, phải quay video phát âm,…rồi một tuần 3 buổi tối đi học thêm với hi vọng con theo kịp các bạn. Mà tất cả những công việc này đối với con trai tôi như một sự tra tấn về tinh thần.
Thậm chí, bản thân người làm cha mẹ như tôi và chồng cũng mệt mỏi không ít. Ban ngày thì đi làm, tối về lại học cùng con, mà chẳng hôm nào là không học trong tiếng quát tháo, khóc lóc. Chỉ mới vừa rồi thôi, tôi và con trai làm bài tập đến 23h mới tạm ổn để nộp cho giáo viên, trong khi 6h sáng hôm sau đã phải thức dậy.
Tôi đã từng đọc được câu chuyện về William James Sidis, người có chỉ số IQ đạt gần 300 điểm, được ghi nhận là người có chỉ số thông minh cao nhất thế giới. Sidis sinh ngày 1.4.1898 trong một gia đình gốc Do Thái di cư từ Ukraine tới Mỹ.
Gia đình Sidis đều là những người sở hữu học vấn rất cao trong xã hội. Vì vậy, Sidis được dạy dỗ từ rất sớm. Bố mẹ ông có niềm tin vào chế độ nuôi dưỡng thiên tài theo kiểu gượng ép. Và thế là Sidis được nhồi nhét rất nhiều kiến thức từ thuở lọt lòng.
Mới 4 tháng tuổi, ông đã được dạy đánh vần. Lên 8 tuổi, ông tự học được 8 thứ ngôn ngữ bao gồm tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia. Ông đã có thể dễ dàng hoàn thành bài thi đầu vào của trường đại học danh tiếng nước Mỹ, Havard. Năm 11 tuổi, ông chính thức theo học ở trường đại học này và trở thành người trẻ tuổi nhất từng theo học tại Havard.
Do bị ép học quá nhiều nên ông rất “dị biệt” và chính sự dị biệt về lối sống và cách suy nghĩ đã khiến ông không thể hòa nhập được với cuộc sống. Không bạn bè, người yêu, cuộc sống luôn bị gia đình áp đặt, William trở nên cô độc.
Tháng 7/1944, William bị đột quỵ tại ngôi nhà nhỏ thuê ở Boston. Ông vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại. Thần đồng ngày nào, người sở hữu IQ cao nhất thế giới tạ thế ở tuổi 46. Cuộc đời buồn thảm của ông là bài học đau xót về việc ép con học quá nhiều và cách nuôi dạy thiếu tình cảm của bố mẹ ông.
Tôi nhớ lại khi con trai mới được vài tháng tuổi, tôi và chồng từng nói sẽ không bao giờ ép con học. Chúng tôi sẽ tạo nên tuổi thơ thật hoàn hảo cho thằng bé, bởi con chỉ cần khỏe mạnh và vui vẻ, đó mới là điều quý giá nhất đối với bố mẹ.
Ngày xưa tôi đâu có học nhiều đến thế, 4 tuổi mới đi mẫu giáo. Học cấp 1 rồi mà buổi tối vẫn trốn đến nhà hàng xóm xem nhờ tivi, hay túm năm tụm ba với bọn trẻ con gần nhà chơi bán hàng, đóng giả làm công chúa. Mỗi buổi trưa hè tôi cũng không bao giờ ngủ, chỉ trực chờ người lớn không để ý là trốn đi chơi.
Ôi ngày đó sao vui đến vậy, còn bây giờ con trai tôi chưa bao giờ được tận hưởng không khí đó. Chúng giải lao bằng cách xem tivi, điện thoại, thỉnh thoảng cuối tuần bố mẹ rảnh thì cho về quê thăm ông bà hoặc ra công viên chơi một vòng…Bất cứ lúc nào con đi đâu hay làm gì đều có bố mẹ kèm cặp bởi với tôi an toàn là trên hết, nhưng cũng vô tình khiến con trai tôi co rúm lại, không dám một mình đối diện với thế giới.
Có lẽ tôi đã sai, cách giáo dục của tôi đã sai thật rồi. Tôi nghĩ mình là bà mẹ hiện đại và tâm lý, nhưng sau cùng tôi cũng đang bị “tẩy não” bởi chuyện thành tích và xu hướng học “chạy”, học nhanh, học gấp gáp của xã hội.
Giáo dục làm cho người học thấy được cái hay cái đẹp của tri thức. Tôi tin không có đứa trẻ dốt mọi thứ, chỉ có phương pháp chưa phù hợp mà thôi. Tôi sẽ phải thay đổi, để con trai không trở thành những đứa trẻ mà tôi đang nhìn qua màn hình điện thoại.