Dựa vào cao độ và cường độ của tiếng khóc, các chuyên gia đã xác định được nguy cơ tự kỷ ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nếu chú ý, gia đình hoàn toàn có thể nhận biết trẻ tự kỷ thông qua tiếng khóc để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc – Chính xác không?
Trước tỷ lệ tự kỷ ngày càng gia tăng, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng liệu con trẻ có mắc phải chứng bệnh này hay không. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe (đặc biệt là khía cạnh ngôn ngữ, hành vi/ thói quen và tương tác xã hội). Các triệu chứng thường khởi phát trước năm 3 tuổi, thậm chí trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện bất thường trong 6 tháng đầu tiên.
Trong giai đoạn này, trẻ chưa phát triển khả năng ngôn ngữ nên những khiếm khuyết về giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, có thể nhận biết được trẻ bị tự kỷ hay không thông qua tiếng khóc.
Nhận định này nghe có vẻ giống kinh nghiệm trong dân gian nhưng thực chất đã được chứng minh qua nghiên cứu khoa học. Do đó, việc nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc là hoàn toàn có cơ sở.
Nghiên cứu được thực hiện trên 39 trẻ trong vòng 6 tháng tuổi trở lại, trong đó có 21 bé có nguy cơ tự kỷ cao do anh chị em ruột mắc chứng bệnh này. 18 trẻ còn lại hoàn toàn khỏe mạnh và tiền sử gia đình không bị tự kỷ hay các rối loạn phát triển thần kinh khác.
Các chuyên gia sử dụng thiết bị theo dõi âm thanh để đo cao độ tiếng khóc của trẻ và nhận thấy những trẻ có tiếng khóc với cao độ cao hơn bình thường sẽ có nguy cơ cao bị tự kỷ. Các chuyên gia tiếp tục theo dõi những trẻ này cho đến khi đủ 36 tháng tuổi và nhận ra có 3 trẻ xuất hiện biểu hiện tự kỷ. Điều đặc biệt là 3 trẻ này có cao độ và cường độ âm thanh khi khóc cao hơn so với 36 trẻ còn lại.
Mặc dù phạm vi nghiên cứu tương đối nhỏ nhưng phần nào cho thấy việc nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc là có cơ sở. Tuy nhiên, gia đình cũng không nên lo lắng thái quá khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ. Bởi việc trẻ hay khóc trong giai đoạn đầu đời là hết sức bình thường.
Tiếng khóc không chỉ giúp phát hiện sớm trẻ tự kỷ mà còn có tiềm ẩn nhiều vấn đề khác như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên như đã đề cập, các nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện ở phạm vi nhỏ nên chưa thể đưa ra bất cứ khẳng định chắc chắn nào.
Cách nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc
Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc là nhận định hoàn toàn có cơ sở. Vậy làm sao để nhận biết nguy cơ tự kỷ của trẻ thông qua tiếng khóc. Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, tiếng khóc của trẻ tự kỷ thường sẽ có những đặc điểm sau:
1. Tiếng khóc có cao độ cao hơn bình thường
Trong nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia nhận thấy tiếng khóc của trẻ tự kỷ có cao độ hơn bình thường. Tiếng khóc của trẻ nghe có vẻ rất chát chúa và khó chịu. Tuy nhiên, việc xác định cường độ và cao độ của tiếng khóc chỉ có thể đo được thông qua thiết bị theo dõi âm thanh.
Nếu chỉ nghe bằng tai, rất khó có thể xác định được cao độ của tiếng khóc. Vì vậy, gia đình cũng không nên quá lo lắng và suốt ngày chăm chú theo dõi sự khác thường trong tiếng khóc của con trẻ. Trong trường hợp tiền sử gia đình có người mắc bệnh, gia đình có thể cân nhắc cho trẻ thăm khám nếu tiếng khóc của trẻ có cao độ cao hơn bình thường.
2. Trẻ căng thẳng, khó chịu khi khóc
Thiết bị phân tích cho thấy tiếng khóc của 3 trẻ bị tự kỷ có phần chát chúa, căng thẳng và bản thân trẻ vô cùng khó chịu khi khóc. Thông thường, trẻ có thể khóc để thu hút sự chú ý của ba mẹ và mong muốn được đáp ứng những nhu cầu cần thiết.
Tuy nhiên, bản thân trẻ tự kỷ có thể khóc lóc nhiều hơn bình thường và đôi khi trẻ khóc không vì bất cứ lý do gì. Khi nghe tiếng khóc của trẻ, ba mẹ có thể cảm nhận được sự căng thẳng và khó chịu cùng cực.
3. Khóc nhiều, khó dỗ dành
Trước 12 tháng tuổi, một số trẻ tự kỷ đã xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu. Trong đó, tăng động là nhóm triệu chứng tương đối phổ biến. Ở độ tuổi này, khả năng vận động và ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển nên biểu hiện tăng động thường là khóc nhiều, kích động, khó ngủ, khóc không lý do và rất khó dỗ dành.
Nhìn chung, những đặc điểm tiếng khóc ở trẻ tự kỷ rất khó có thể nhận biết thông qua việc lắng nghe thông thường mà cần đến sự hỗ trợ của thiết bị cảm âm. Vì vậy, gia đình không nên quá lo lắng và chăm chăm vào sự bất thường trong tiếng khóc của trẻ.
Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ?
Tỷ lệ tự kỷ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và bất an. Nếu tiền sử gia đình bị tự kỷ và bản thân trẻ có những biểu hiện bất thường, gia đình nên:
- Trong vòng 6 tháng đầu, trẻ gần như không có bất cứ biểu hiện nào bất thường. Trong giai đoạn này, gia đình nên tập trung chăm sóc trẻ thật tốt, tránh tình trạng lo lắng quá mức về việc trẻ bị tự kỷ.
- Trước 12 tháng tuổi, trẻ tự kỷ sẽ xuất hiện một số triệu chứng không đặc hiệu. Ngoài việc khóc nhiều và khó dỗ dành, gia đình có thể chú ý một số dấu hiệu khác như kích động, khó chịu không lý do, yên lặng, thích ở một mình và rất ít khi đòi hỏi được bố mẹ bồng bế, chăm sóc.
- Khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, gia đình nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi đủ 12 tháng tuổi. Trên thực tế, việc đánh giá trẻ tự kỷ chỉ được áp dụng cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên nếu trẻ có những dấu hiệu rõ rệt, gia đình cũng có thể cho trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm.
- Các bác sĩ thường không đưa ra chẩn đoán chính thức cho đến khi trẻ đủ 18 tháng tuổi nhưng sẽ có những can thiệp về tâm sinh lý để giúp giảm ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Tự kỷ đang trở thành vấn đề lớn đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trước tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, các bậc phụ huynh nên trang bị biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc cần sự hỗ trợ của thiết bị theo dõi âm thanh. Vì vậy, gia đình không nên quá lo lắng trước những bất thường trong tiếng khóc của con trẻ. Thay vào đó, hãy cố gắng chăm sóc, giáo dục trẻ thật tốt để giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh nhất.
Tham khảo thêm:
- Trẻ tự kỷ có hay cười không? Giải đáp thắc mắc
- Tại sao trẻ tự kỷ khó ngủ? Tìm hiểu cách khắc phục
- 10 dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tự kỷ cần phát hiện & can thiệp sớm
- Trẻ bị tự kỷ bẩm sinh: Nguyên nhân và phương pháp điều trị