Cha mẹ nào cũng mong con cái hiếu thảo, khi về già sẽ có thể nương tựa. Thực tế, không cần đợi con cái lớn lên thì cha mẹ cũng có thể biết con có hiếu thảo hay không, thông qua những hành động hàng ngày của con. Tuy nhiên cũng có những trường hợp con cái thực sự hiếu thảo nhưng lại bị cha mẹ hiểu nhầm là không đối xử tốt với mình.
Theo đó, 3 kiểu con cái sau thường bị cha mẹ hiểu nhầm:
1. Con cái hay cằn nhằn, chỉ trích thói quen ăn uống của cha mẹ
Nhiều người lớn tuổi đã quen sống tiết kiệm cả đời, ngay cả khi về già, có điều kiện vật chất tốt hơn, được con cái biếu tiền hàng tháng thì họ vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ. Chẳng hạn, nhiều người già khi ăn cơm xong, thấy đĩa rau, hay bát canh còn thừa cũng không nỡ đổ đi mà để lại đến chiều tối ăn tiếp.
Lúc này, nhiều người con liền cằn nhằn, chỉ trích cha mẹ không nên tiết kiệm thái quá. Cha mẹ thấy con cằn nhằn thì đâm ra khó chịu, cho rằng con coi thường mình. Thực chất, con cái chỉ đang quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, không muốn cha mẹ ăn đồ lưu trữ lâu. Họ muốn cha mẹ bỏ những thói quen ăn uống xấu, không tốt cho sức khỏe.
2. Những đứa con ở gần cha mẹ, qua thăm hỏi thường xuyên lại hay bị cằn nhằn, cãi vã với cha mẹ
Dân gian có câu “Xa thơm gần thối”, hay “Xa thơm gần thường”, miêu tả về tính chất các mối quan hệ trong xã hội. Ông bà ta cho rằng, khi ở xa thì người ta có tình cảm tốt đẹp hơn là ở gần. Nó phản ánh một quy luật khá chính xác trong cuộc sống. Khi ở xa ít gặp nên quý hóa, thương nhớ. Còn khi ở gần va chạm nhiều nên dễ gây mâu thuẫn, ghét bỏ.
Trong mối quan hệ cha mẹ – con cái cũng vậy, nhiều khi cha mẹ thường cãi vã, mắng mỏ những đứa con ở gần hơn là những đứa con ở xa. Bởi càng ở gần, càng làm nhiều việc thì càng thấy lỗi sai của đối phương và càng nói, còn ở xa thì khuất mắt trông coi.
Thực chất, những đứa con ở gần, dành tình yêu thương và quan tâm cho cha mẹ nhưng nhiều khi vẫn bị mắng mỏ, nhưng vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, đó chính là lòng hiếu thảo chân thành.
3. Con cái “kêu gào” vì thói quen sinh hoạt của cha mẹ
Bên cạnh thói quen ăn uống thì nhiều người lớn tuổi cũng có những thói quen sinh hoạt, lối sống không tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn, có những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu. Hay có những người cao tuổi uống thuốc rất vô tội vạ, nghe có ai mách thuốc gì hay thì tự mua về uống mà không đi khám để bác sĩ kê đơn cẩn thận. Một số người cao tuổi lại lười vận động, thường nằm ì ở nhà.
Trông thấy cảnh đấy, con cái vì lo cho cha mẹ nên cằn nhằn, kêu gào. Tuy nhiên nhiều cha mẹ lại không hiểu lòng hiếu thảo của con mà lại cho rằng con láo, đòi “dạy khôn” mình.
Thực tế, con cái càng hiếu thảo sẽ càng chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống của cha mẹ và lên tiếng ngay khi thấy có điều không ổn. Vậy nên cha mẹ đừng vội hiểu nhầm mà hãy cố gắng thay đổi những thói quen xấu, để tuổi già khỏe mạnh, sống an vui bên con cháu.