Một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện anh chứng kiến trong một cửa hàng bán gà rán. Anh miêu tả đây là “một cảnh tượng điên cuồng”, cho thấy cách nuôi dạy con kiểm soát đến mức nghẹt thở của nhiều phụ huynh.
Hôm đó, blogger này đang ăn tối. Trước mặt anh có bốn người: Hai phụ nữ trung niên, hai đứa trẻ rất nhỏ, một cô gái khoảng hai mươi tuổi và một cậu bé khoảng bảy tám tuổi. Cô gái xinh đẹp, dáng người rất chuẩn, mặc quần jean và áo khoác rộng, tô son đậm, ngầu.
Tuy nhiên, khi bắt đầu ăn, blogger này liên tục nghe thấy một người phụ nữ, có lẽ là mẹ của cô gái trẻ càu nhàu: “Son môi đậm quá! Mặc thế này mà đẹp à?”; “Son môi không đẹp, bông tai của con quá to!”; “Son môi đậm quá! Con hỏi mọi người xem thế này có đẹp không?”; “Con lau son đi được không? Con ăn mặc y như đứa biến thái, tâm thần”…
Bà mẹ cứ lặp đi lặp lại mãi, cô gái trẻ bực mình đến mức phải nói: “Được rồi, đừng nói nữa, mẹ có thể ngừng nói được không…”. Cô thậm chí còn bắt đầu xin lỗi: “Con xin lỗi, được chứ? Lần sau con sẽ không mặc như vậy nữa…”.
Nhưng mẹ cô gái dường như không nghe, một lúc sau, bà lại nói: “Màu son của con không đẹp, đậm quá!”.
Lúc này, cô gái hoàn toàn mất bình tĩnh, đánh rơi lon Coca trong tay, lấy thỏi son ra điên cuồng bôi lên miệng, vết bẩn càng lúc càng lớn, son khắp mặt. Những người cùng bàn sửng sốt một chút, nhanh chóng đứng dậy ngăn cản, cô đẩy tất cả ra, đứng dậy tiếp tục bôi son nhoe nhoét. Các khách hàng ngồi ở các bàn khác cũng bị sốc trước cảnh tượng trước mắt.
Cô gái đánh son xong vứt đi, ngồi xuống tiếp tục ăn bánh mì kẹp thịt, trông rất bình tĩnh. Mẹ cô có lẽ cũng sợ hãi nên im lặng một lúc. Nhưng chỉ được mấy phút, bà lại bắt đầu thì thầm: “Con điên thật rồi. Mẹ nói con tâm thần không ổn định…”.
Blogger này cho biết khi viết bài này trên weibo, tay anh run lên. Anh chợt hiểu ra tại sao có những đứa trẻ đột ngột nhảy khỏi tòa nhà… Bản chất kiểm soát của nhiều cha mẹ thực sự khủng khiếp.
Bề ngoài, người mẹ đang phân tích và bày tỏ quan điểm của mình một cách bình tĩnh, mong con gái ăn mặc phù hợp và không bị thế giới bên ngoài coi là “người ngoài hành tinh”. Nhưng mục đích cuối cùng là muốn đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe theo sự điều khiển của mình mà không nghĩ gì tới cảm nhận của con cái.
Có cha mẹ kiểm soát, con cái một đời khổ sở
Cách đây vài năm có một tin tức: Trung tâm chỉ huy 110 ở Tiêu Sơn, Hàng Châu (Trung Quốc) nhận được điện thoại báo động. Một người đàn ông nói rằng lý do gọi cảnh sát là bởi anh ta muốn tự sát vì mâu thuẫn với mẹ.
Người này sinh năm 1995, đã là bố của 2 đứa con. 9 giờ tối hôm đó, người mẹ giục con trai đưa cháu đi ngủ. Không ngờ hành vi hoàn toàn bình thường này lại khiến người đàn ông “bùng nổ”. Anh cho biết dù đã làm bố nhưng mẹ anh vẫn kiểm soát công việc và cuộc sống của anh về mọi mặt. Đêm hôm đó, người đàn ông suy sụp, phải nhờ công an tạm giữ và không muốn về nhà.
Kiểm soát dường như đã trở thành phong cách nuôi dạy con của nhiều bậc cha mẹ.
Khi còn nhỏ, họ kiểm soát việc học, khi trưởng thành, họ bắt đầu kiểm soát cuộc sống của con mình. Chỉ cần hành vi của trẻ không phù hợp với mong muốn, họ sẽ bật chế độ “quyền lực cha mẹ” để răn đe.
Trong mắt những bậc phụ huynh như vậy, con cái là con diều trên trời, cha mẹ là sợi dây, chỉ có sự hướng dẫn của cha mẹ thì con diều mới có thể bay cao hơn, nếu dây bị đứt thì con diều sẽ rơi. Đứa trẻ theo đó sẽ thực sự trở thành một con rối không có khả năng tư duy, tự lập.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học College London nhận thấy rằng: Cha mẹ kiểm soát quá nhiều có thể dễ dàng gây ra tổn thương tâm lý lâu dài cho con cái, khiến chúng có chỉ số hạnh phúc thấp hơn và phụ thuộc nhiều hơn. Khi trưởng thành, chúng không có khả năng sống như cha mẹ mong đợi, cũng không có đủ nghị lực để sống theo cách mình muốn.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp cha mẹ cảm thấy con mình có vấn đề về tâm thần nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ kết luận đứa trẻ không có vấn đề gì và cha mẹ mới là người cần điều trị.
Nhà tư vấn tâm lý Wu Zhihong từng nói: Một đứa trẻ cần được cha mẹ “cho phép” lớn lên và trưởng thành. Có nghĩa là: Cho phép con rời khỏi và thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ; Cho phép con trở nên khác biệt với cha mẹ; Cho phép con chạy vào thế giới rộng lớn và trở thành chính mình… Để đạt được những điểm này, cha mẹ phải học cách buông bỏ và coi con là chủ thể tự do.
Với cách nuôi dạy con cái có ranh giới rõ ràng, trẻ có khả năng tư duy độc lập mạnh mẽ, sống tự chủ hơn, có thể thương lượng với cha mẹ khi có vấn đề. Hãy thử trao quyền cho con bạn được là chính mình. Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể lớn lên khỏe mạnh và cha mẹ mới có hành trình nuôi dạy con đỡ vất vả.