Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh là một trong số mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các cô đỡ thôn bản rất quan trọng trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS.
Trước kia, phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương khi mang thai sinh đẻ chỉ biết đến ông lang, bà mế hoặc thầy cúng nhưng từ lâu, cô đỡ thôn bản đã trở thành người được đồng bào tin cậy.
Cô đỡ Hyen, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai đã hơn 10 năm gắn bó với nghề cô đỡ thôn bản và đã chăm sóc thai kỳ cho hàng trăm chị em, đỡ đẻ tại nhà an toàn cho cả trăm bà mẹ ở xã. Hyen chia sẻ thực tế tại xã Kon Chiêng, nhiều gia đình, nhiều phụ nữ mang thai vẫn có tư tưởng muốn sinh con tại nhà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường đến cơ sở y tế không thuận lợi và hơn hết là phong tục tập quán chưa thay đổi.
Với nhiệm vụ là cô đỡ thôn bản, Hyen đã luôn cố gắng tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế, nhất là những ca sinh khó, chị kiên trì thuyết phục, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyển thai phụ lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và thai nhi. Trong những trường hợp thai thuận, nếu họ vẫn muốn sinh tại nhà thì chị sẽ hỗ trợ khám thai, chăm sóc sức khỏe và đỡ đẻ.
Bà Siu Khang (làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) từng chứng kiến nhiều thai phụ sinh đẻ tại nhà gặp tai biến, có ca tử vong cả mẹ và con. Với mong muốn giúp đỡ phụ nữ mang thai mẹ tròn con vuông, năm 1993, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bà Siu Khang trở thành cô đỡ thôn bản và theo nghề cho đến nay. Cô đỡ có thâm niên 30 năm không nhớ mình đã đỡ cho bao nhiêu ca. Trước thì rất nhiều người sinh con tại nhà nhưng nay thì ít hơn, mỗi năm, cô đỡ Siu Khang đỡ đẻ an toàn cho khoảng 20 ca. Công việc không có thu nhập gì, nhiều thai phụ gia đình khó khăn, bà còn tự bỏ tiền túi ra mua dụng cụ để đỡ đẻ cho họ. Việc làm vất vả, không cố định thời gian nhưng bà cảm thấy hạnh phúc vì mình giúp được mọi người và tự nhủ lòng còn sức khỏe là còn gắn bó với nghề.
Hơn 10 năm qua, chị Vàng Thị Thiêm (dân tộc Nùng, thôn Nàn Lũng, Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang) gắn bó với công việc cô đỡ. Một mình nhận nhiệm vụ quản lý 3 thôn xa tít tắp tại huyện Xín Mần, không ít lần cô đỡ Vàng Thị Thiêm phải cuốc bộ cả chục cây số đến nhà thai phụ thăm khám, tư vấn. Công việc cô đỡ nhiều khi phải đi từ sớm tinh mơ và đêm khuya, cứ khi sản phụ cần đến là lên đường. Chị Thiêm cho biết mình làm vì yêu công việc chứ phụ cấp ít ỏi không đủ sống.
Yêu nghề là vì những niềm vui mà công việc mang lại cho chị, mỗi ca đỡ đẻ mẹ tròn con vuông là trong lòng lại tràn ngập niềm vui, nhất là những ca đỡ đẻ rơi hi hữu dọc đường. Mười năm trước, khi nhận được tin báo có ca vỡ ối chuẩn bị sinh dọc đường, chị lập tức mang dụng cụ đỡ đẻ tới ngay. Đứa bé sau khi sinh không khóc được, tím tái, nhưng chị vẫn cố gắng vận dụng hết những kiến thức và kinh nghiệm, hút mũi đờm, xoa bóp, ấn ngực. Nhờ nỗ lực của chị, 15 phút sau trẻ mới hồng hào dần và cất tiếng khóc.
Không chỉ là người gần gũi nhất với bà con trong cộng đồng dân tộc thiểu số, từ lâu cô đỡ thôn bản là chính thức là một chức danh nhân viên y tế trong hệ thống y tế nước ta.
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh) đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số. Đề án “Đào tạo Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” được hình thành năm 1992 với mong muốn các cô đỡ thôn bản bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân tộc mình, bằng hiểu biết sau khi được đào tạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các cô sẽ góp phần giảm được tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh tại các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.
Mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh, cô đỡ thôn bản được đào tạo và hoạt động tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, duy trì và phát triển mạng lưới này. Đặc biệt là trên thực tế dù tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em, trẻ sơ sinh đã giảm nhưng vẫn còn cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay Bộ Y tế đã có dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản. Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn của nhân viên y tế thôn, bản về trình độ chuyên môn, đào tạo, nhân viên y tế thôn, bản cần hoàn thành (có chứng chỉ hoặc chứng nhận) chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế quy định; tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản; có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Nhìn vào bức tranh chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn ở Việt Nam đã có rất nhiều mảng sáng. Trước đây, tỷ lệ tử vong của thai phụ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam rất cao, đặc biệt là ở miền núi, các vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tập quán không đi khám thai, tự sinh nở tại nhà mà không đến cơ sở y tế theo dõi, khám thai định kỳ.
Trong vòng hơn 20 năm (từ giai đoạn 2000-2001 đến 2021-2022), tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh từ 33,8% (năm 2000) nay còn 11,2% (thể nhẹ cân) và từ 29,3% (năm 2010) nay giảm còn 19,2% (thể thấp còi). Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục được duy trì ở mức cao >90%.
Đóng góp vào những thành công ấy, có một phần sức lực của các cô đỡ thôn bản, những người có thể đến với nghề vì nhiều lý do khác nhau nhưng đa số gắn bó với nghề vì trách nhiệm và lòng yêu nghề. Thời gian trước, toàn quốc có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo, nhưng đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.
Để trở thành cô đỡ thôn bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Vì thế, việc xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng khó khăn là một giải pháp rất hiệu quả nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.
Thực tế, nhiều cô đỡ thôn bản không trụ lại được với nghề vì nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó chế độ đãi ngộ chưa phù hợp cũng là một nguyên nhân. Nhiều người dù tiếc nuối chuyên môn được đào tạo nhưng đành lựa chọn công việc khác vì thu nhập thấp không đủ chi tiêu các nhu cầu cơ bản. Không phải cô đỡ thôn bản nào cũng vượt qua khó khăn riêng tư như cô đỡ Siu Khang của Gia Lai đã gắn bó với nghề suốt 30 năm qua.
Tại Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản, chị Lò Thị Luấn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, giao thông ở miền núi rất khó khăn, bản xa nhất cách trạm y tế xã 18km, phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ, nhưng từ năm 2020 đến nay, phụ cấp cho y tế thôn, bản bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, xăng xe không có, nên ảnh hưởng nhiều đến triển khai công việc hàng ngày. Trước đó, chính sách cô đỡ thôn, bản hoạt động từ 2013-2019 nhưng cô đỡ thôn bản cũng chỉ nhận được phụ cấp 550.000 đồng/tháng từ việc kiêm nhiệm này.
Mặc dù, mạng lưới cô đỡ thôn bản đã giúp nhiều thai phụ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em, nhưng việc phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản gặp phải không ít khó khăn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế – xã hội, một số phong tục tập quán của bà con dân tộc thiểu số, còn có nguyên nhân chủ quan khác là các địa phương chưa phát huy hết vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản trong công tác chăm sóc sức khỏe mẹ và bé.
Dù đã có nhiều quyết sách để phát triển đội ngũ này, song việc thực hiện giữa các địa phương có sự khác nhau, thậm chí có địa phương còn không bố trí kinh phí hỗ trợ. Điều này dẫn đến việc duy trì hoạt động mạng lưới cô đỡ thôn, bản gặp không ít vướng mắc.
Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có 5.111 thôn bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần bố trí 1 cô đỡ thôn bản. Kết quả khảo sát năm 2021 cũng cho thấy tại 18 tỉnh miền núi khó khăn cũng có tới 4.346 thôn bản cần có cô đỡ thôn bản.
Trong khi đó, hiện cả nước chỉ còn 1.549 cô đỡ thôn bản đang hoạt động, đạt tỷ lệ bao phủ 30,31%, đặc biệt tại các tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn bản có tỷ lệ đẻ tại nhà rất cao (trên 60%) nhưng chưa có sự phục vụ của cô đỡ thôn bản.
Mặc dù số lượng cán bộ thôn, bản còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các vùng sâu, vùng xa nhưng không ít cán bộ thôn, bản phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, một số cô đỡ thôn, bản còn phụ trách thêm công việc ở các địa phương lân cận.
Phát biểu tại Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn bản.
Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế… nhằm huy động nguồn lực, điều kiện vật chất và tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn bản.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản, thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cô đỡ thôn bản.
Thực hiện Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là một nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Dự án 7 – Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có hướng dẫn về hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản.
Theo đó, hằng năm, địa phương lập danh sách Cô đỡ thôn bản thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã được đào tạo và đang trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng; lập kế hoạch, dự trù kinh phí và chi trả phụ cấp cho các Cô đỡ thôn bản theo quy định tại Khoản 2, Điều 35 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.