Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vị thành niên là những người trong độ tuổi từ 10-19. Thanh thiếu niên là những người trong độ tuổi từ 10-24 (bao gồm cả vị thành niên).
Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên kéo theo hàng loạt hệ lụy. Các biến chứng khi mang thai và sinh con tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 – 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Mặt khác, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Bên cạnh đó, em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển.
Thiếu hiểu biết về cách quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai đã gây nhiều hệ lụy, nhiều trẻ em gái mang thai sớm, mắc bệnh phụ khoa, phát thai sớm… Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp tháng 8/ 2023 vừa qua, tại Việt Nam, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá thai khi đã to.
Nói về tình dục sẽ không khiến con cái trong lứa tuổi vị thành niên quan hệ tình dục, nhưng không nói về tình dục có thể khiến chúng quan hệ tình dục theo những cách không an toàn và không được bảo vệ. Nếu con cái không thoải mái nói chuyện với cha mẹ về tình dục, cha mẹ nên khuyến khích con cái nói chuyện với các bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý, sản phụ khoa.
1. Trò chuyện với con cái về tình dục an toàn
Theo các bác sĩ, hiện nay rất ít bậc phụ huynh quan tâm đến các vấn đề sức khỏe sinh sản khi con cái ở tuổi dậy thì. Trong khi đúng ra khi con còn ít kiến thức về lĩnh vực này, phụ huynh phải là người hướng dẫn cho con, bởi hiểu biết về các biện pháp tránh thai là kỹ năng sống cần thiết cho mọi người.
Theo bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, để giảm tỷ lệ thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên, không chỉ dừng ở giáo dục giới tính, nâng cao điều kiện sống mà còn cần đầu tư vào các chương trình tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của thanh, thiếu niên trong việc phát hiện mang thai. Quan trọng nữa là cha mẹ cần trò chuyện về tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai với con mình sớm và thường xuyên.
2. Một số cách ngừa thai tốt nhất
ThS. BS Lê Quang Dương – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững – VietHealth cho biết, cha mẹ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con mình có được thông tin về các biện pháp tránh thai khác nhau. Cha mẹ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản nên tư vấn cho trẻ vị thành niên hiểu về cách thức và hiệu quả của bốn hình thức kiểm soát sinh sản tốt nhất dưới đây:
2.1 Dùng bao cao su
Khi được sử dụng một cách hoàn hảo, bao cao su có hiệu quả ngừa thai khoảng 98%. Nhưng trên thực tế, chúng có thể có hiệu quả khoảng 85%. Hãy nhắc nhở con bạn rằng sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục còn ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngay cả khi con cái đã tiêm vaccine HPV, vẫn có nhiều bệnh nhiễm trùng khác có thể lây truyền khi quan hệ tình dục.
2.2 Vòng tránh thai
Vòng tránh thai có sẵn ở cả dạng nội tiết tố và không nội tiết tố. Thiết bị nhỏ hình chữ T được đặt vào tử cung, tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong nhiều năm, tùy thuộc vào loại. Vòng tránh thai có hiệu quả khoảng 99% trong việc ngừa thai. Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Vòng tránh thai nội tiết tố thường cải thiện các vấn đề kinh nguyệt bằng cách giảm tình trạng chảy máu nhiều và chuột rút. Chúng cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư nội mạc tử cung và có thể là ung thư buồng trứng. Chúng cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung… Tác dụng phụ của vòng tránh thai nội tiết tố có thể bao gồm kinh nguyệt không đều, trong khi vòng tránh thai không nội tiết tố có thể gây ra kinh nguyệt nhiều hơn. Cả hai đều gây ra hiện tượng chuột rút nhẹ trong và sau khi đặt vòng.
2.3 Que cấy tránh thai
Cấy que tránh thai là một lựa chọn khác cần cân nhắc nếu con bạn đang tránh các biện pháp tránh thai cần thực hiện hàng ngày. Cấy que tránh thai là một phương pháp ngừa thai hiện đại bằng cách sử dụng một que nhựa dẻo, nhỏ, mảnh và mềm mại, có kích thước bằng que diêm chứa hormone progestin cấy vào dưới da cánh tay (thường là tay không thuận).
Progestin có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng và làm mỏng nội mạc tử cung, đồng thời làm đặc dịch nhầy cổ tử cung nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng, khiến tinh trùng khó gặp trứng. Trường hợp tinh trùng gặp trứng, hormone này sẽ khiến trứng đã thụ tinh khó bám vào tử cung.
Thủ thuật này khá nhẹ nhàng và diễn ra nhanh chóng. Khi muốn tháo bỏ que tránh thai, bác sĩ cũng sẽ gây tê rồi dùng dụng cụ chuyên biệt gắp ra nhẹ nhàng. Que cấy có tỷ lệ thất bại là 0,01% và ngăn ngừa mang thai từ 3 đến 5 năm bằng cách giải phóng progestin vào cơ thể để ngăn chặn sự rụng trứng.
Cấy ghép có thể giúp giảm chảy máu nặng và chuột rút. Nó cũng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả buồng trứng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm mụn trứng cá, đau ngực hoặc kinh nguyệt không đều và có thể bị đau ở vị trí đặt que.
2.4 Thuốc tránh thai
Có hai loại thuốc tránh thai:
Loại kết hợp (estrogen và progestin):
Vỉ 21 viên: Uống 1 viên/ngày, liên tục trong vòng 21 ngày và ngưng trong 7 ngày. Ngay sau đó bắt đầu dùng một vỉ thuốc mới;
Vỉ 28 viên: Uống 1 viên/ngày theo thứ tự quy định trên vỉ thuốc. Bắt đầu một vỉ thuốc mới ngay sau khi kết thúc vỉ thuốc trước.
Loại minipill (chỉ có progestin):
Mỗi viên thuốc tránh thai chứa một lượng nhỏ progestin, dạng tổng hợp của hormone progesterone. Thuốc có dạng gói, bao gồm 28 viên.
Hai loại thuốc tránh thai phải được uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày để có tác dụng bình thường (hiệu quả khoảng 98%), và thuốc có tác dụng bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng, ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào tử cung bằng cách làm dày chất nhầy cổ tử cung. Nó cũng có thể rút ngắn, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Thuốc tránh thai đường uống có tỷ lệ hài lòng ở thanh thiếu niên cao hơn miếng dán hoặc vòng và chúng là lựa chọn tốt cho những ai không thích các phương pháp xâm lấn. Thuốc tránh thai cũng tránh được cảm giác đau đớn khi tiêm, điều này có thể dẫn đến tăng cân và trầm cảm. Tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm buồn nôn và đau ngực.
Những biện pháp tránh thai trên nhằm góp phần cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp cho vị thành niên tránh được có thai sớm, nạo phá thai không an toàn và phòng lây bệnh qua đường tình dục.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các biện pháp tránh thai.