Những kiến thức cơ bản về làm mẹ an toàn

7 mins read
Những kiến thức cơ bản về làm mẹ an toàn

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở nước ta thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, tức là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi thì có 12 trẻ tử vong; với trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ này ở mức 12,1 phần nghìn, tức là cứ 1.000 trẻ dưới 1 tuổi thì có khoảng 12 trẻ tử vong. Điều đáng nói, trong số trẻ dưới 1 tuổi tử vong, cứ 100 trẻ thì có tới 70 – 80 trẻ sơ sinh; với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ này là 50-60 trẻ sơ sinh. Những con số này còn ở mức cao so với một số nước trong khu vực, đây chính là thách thức trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam.

Khi nghi ngờ có thai người mẹ cần đến khám lần đầu tại các Trạm Y tế xã, thị trấn để được quản lý thai nghén và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần (lần 1 vào 3 tháng đầu, lần 2 vào 3 tháng giữa, lần 3 và lần 4 vào 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén) để được theo dõi sức khoẻ và tư vấn. 

Những kiến thức cơ bản về làm mẹ an toàn- Ảnh 2.

Thực hành đúng làm mẹ an toàn đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Ngoài khám thai định kỳ, bà mẹ cần đi khám ngay bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu bất thường. Việc khám thường xuyên sẽ giúp phát hiện những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai, góp phần hạn chế những tai biến sản khoa, đồng thời bác sĩ sẽ hướng dẫn cho sản phụ những vấn đề liên quan đến tình trạng thai sản của họ. Trong thời kỳ cuối của thai kỳ, tốt nhất cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường hoặc dấu hiệu chuyển dạ.

Trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần bổ sung viên sắt, axit folic, can xi hợp lý theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cũng rất quan trọng, khi mang thai, người phụ nữ cần ăn tất cả thức ăn đa dạng đầy đủ dinh dưỡng và vi chất, trừ một số chất kích thích. 

Khẩu phần ăn phải tăng cả về số lượng và chất lượng, ưu tiên chọn những thức ăn giàu dinh dưỡng như: thịt, cá, đậu phụ, tôm, cua, rau, quả tươi…; không ăn những thức ăn tái, sống, ôi thiu. Bảo đảm trong quá trình mang thai, sản phụ phải tăng từ 8 – 12 kg. Thai phụ không làm việc quá nặng, không làm việc ở nơi cao chênh vênh, dễ ngã, không ngâm mình dưới nước ngoài môi trường để tránh nhiễm khuẩn đường sinh dục, không làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại; ngủ đủ 8 giờ một ngày, tinh thần thoải mái.

Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi, vì vậy, việc chăm sóc sau sinh cũng rất quan trọng nhằm giúp cơ thể người phụ nữ nhanh chóng trở về bình thường. Từ 1 – 2 ngày sau sinh, sản phụ có thể tắm gội bình thường bằng nước ấm ở nơi kín gió, không nên ngâm mình, giữ vệ sinh tốt âm đạo, đi đứng nhẹ nhàng. 

Sản phụ nên ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu protein như: thịt, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng lượng sữa, cần hạn chế dùng các đồ kích thích, như: trà, cà phê, rượu bia… Đồng thời, cần theo dõi sản dịch ra quá nhiều hay quá ít, thường thì sau khi sổ nhau, sản dịch ra nhiều, giảm dần và sẽ hết sau 3 tuần. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, khi xảy ra một trong những hiện tượng như: ngất xỉu, ra nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị hợp lý.

Những kiến thức cơ bản về làm mẹ an toàn- Ảnh 3.

Làm mẹ an toàn là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng hơn cả là ngay sau sinh, mẹ cần cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh bởi phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp cho mẹ co hồi tử cung, nhanh chóng hồi phục mà còn giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em và giảm khoảng cách giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 -2025. 

Bộ Y tế và các địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn của Chương trình như: chăm sóc bà mẹ trước khi sinh (như theo dõi quản lý thai, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần…), cung cấp các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, giáo dục dinh dưỡng, tập huấn đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, tăng cường chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trong và sau khi sinh thường và sau mổ đẻ; cho trẻ bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh và kéo dài ít nhất 24 tháng…

Công tác truyền thông vận động chính sách, truyền thông thay đổi hành vi cũng được chú trọng nhằm huy động sự tham gia tích cực của ban, ngành, chính quyền các cấp, đoàn thể; đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em. Góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em, giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng trẻ em.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin 5 điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT  | SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog