Nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Li Zhenxi từng nói: “Giáo dục ở trường rất quan trọng, nhưng dù quan trọng đến đâu thì nó cũng chỉ là phần bổ sung cho giáo dục gia đình”.
Thầy cô là người dạy kiến thức nhưng cha mẹ phải là người giáo dục con cái về những phẩm chất đúng đắn. Thầy cô không thể thay thế cha mẹ, giáo dục nhà trường không thể thay thế giáo dục gia đình.
Cha mẹ lựa chọn những phương pháp giáo dục khác nhau sẽ mang lại những hoàn cảnh sống khác nhau cho con cái. 4 bài học đắt giá dưới đây cha mẹ nên tham khảo:
4 bài học cần thiết khi nuôi dạy con cái
1. Sự đồng hành của cha mẹ ở bậc tiểu học
Sự đồng hành của cha mẹ không phải là lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh con cái, mà phụ thuộc vào việc họ có biết cách giao tiếp phù hợp với từng độ tuổi của trẻ hay không.
Khi một đứa trẻ gặp khó khăn ở những thời điểm quan trọng, chỉ khi có cha mẹ bên cạnh, chúng mới có động lực tiến về phía trước.
Nếu cha mẹ không bầu bạn với con ở bậc tiểu học, khi trẻ lên trung học sẽ dần dần không muốn chia sẻ với cha mẹ. Kéo theo đó, trẻ có xu hướng không muốn nghe lời, cha mẹ cũng không thể kiểm soát được chúng nữa.
Những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa đều hiểu được sự thật này: Đồng hành ở trường tiểu học là để ngăn ngừa rắc rối xảy ra khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên.
2. Duy trì thói quen tốt ngay khi trẻ còn nhỏ
Sự khác biệt giữa những đứa trẻ xuất sắc và những đứa trẻ bình thường là ở tính kỷ luật và duy trì thói quen tốt.
Muốn một đứa trẻ trở nên xuất sắc trong học tập, thành đạt sau này, ngay từ nhỏ chúng cần được cha mẹ rèn luyện vào nề nếp tự giác. Theo thời gian, khi những hành động quen thuộc trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác học mà không cần cha mẹ nhắc nhở.
Đừng bao giờ đánh giá thấp ảnh hưởng của lời nói của cha mẹ đối với cuộc sống con cái.
Có một cô bé nói với cha mình rằng: “Lớn lên con muốn trở thành người quét rác“.
Bố: “Tại sao vậy con“.
Con: “Bởi vì người quét rác sẽ làm cho hành tinh của chúng ta sạch hơn“.
Cha : “Vậy để trở thành người quét rác, con phải làm gì bây giờ“.
Con: “Trước tiên con phải quét nhà hằng ngày, lau dọn nhà cửa sạch sẽ“.
Cha: “Làm người quét dọn đòi hỏi phải chăm chỉ và nhiều sức lực. Hằng ngày, con phải dậy rất sớm, quét dọn chăm chỉ. Hơn nữa, con còn phải chủ động trong công việc, thấy rác là dọn, ăn cơm xong là tự dọn dẹp bàn“.
Con: “Dạ con hiểu rồi ạ“.
Cuối cùng, người cha không quên nói với con gái: “Dù sau này con muốn trở thành người như thế nào, con biết cần phải có chuyên môn để trở thành người đó“.
3. Coi trọng sức khỏe tinh thần của con cái
Tuổi dậy thì là một thử thách lớn đối với con cái và cha mẹ. Trẻ vị thành niên đặc biệt nổi loạn và dễ gặp vấn đề về tình cảm nhất.
Báo chí Trung Quốc từng đưa tin về câu chuyện 20 thiếu niên bỏ học vì trầm cảm. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các em đều là học sinh đứng đầu các trường trung học cơ sở trọng điểm, tương lai xán lạn. Thế nhưng, vào một ngày nọ, các em bỗng trở nên lo lắng, mệt mỏi trong học tập, bi quan, tuyệt vọng và mệt mỏi với thế giới.
Một số trẻ ban đầu rất vui vẻ nhưng dần trở nên trầm tính, dễ kích động. Có những đứa trẻ vốn tràn đầy nghị lực nhưng vì sợ không đỗ được trường đại học tốt nên trở nên cáu kỉnh, lúc khóc lúc cười không thể kiểm soát.
Quản lý cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp tinh thần là cách tốt nhất để cha mẹ nuôi dưỡng con cái đang tuổi vị thành niên.
Đối với trẻ vị thành niên, cha mẹ nên chú trọng tới việc giao tiếp với con, hỗ trợ tâm lý. Đây là thời điểm trẻ rất nhạy cảm về tâm sinh lý, cần cha mẹ quan tâm đặc biệt.
4. Trở thành tấm gương cho con cái
Trước đây, từng có một câu chuyện gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Theo đó, có 2 mẹ con cùng thi thạc sĩ. Để đồng hành cùng cô con gái không có tâm trạng học, Bai Yongqi (50 tuổi) lúc đó đang là y tá trưởng quyết định thi tuyển sinh sau đại học cùng với con mình.
Sau những giờ bận rộn với công việc, bà thường tận dụng thời gian rảnh và cuối tuần để ôn thi. Cuối cùng, bà đã được nhận vào chương trình thạc sĩ hành chính công tại Đại học Y Tây Nam, cô con gái 25 tuổi của cô cũng được nhận vào chương trình thạc sĩ nhi khoa của trường.
Muốn thay đổi con cái, trước tiên cha mẹ phải xem xét lại chính mình. Cha mẹ làm gương không chỉ dễ dàng khiến con cái làm theo, bản thân họ cũng thay đổi được bản thân theo hướng tích cực.