Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ

7 mins read
Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ

Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Trẻ con và màn hình cảm ứng

Ngày xưa, cha mẹ của chúng ta dỗ con bằng những câu ca dao mộc mạc nhưng thắm tình thương yêu. Ngày nay, đối với các ông bố bà mẹ bận bịu của thời đại công nghệ thông tin, khi bé quấy khóc, cách dỗ bé đơn giản và nhanh gọn nhất là đưa cho bé cái điện thoại thông minh (ĐTTM) để xem ca nhạc, hoạt hình hay chơi game. Một cách dỗ con ngày càng phổ biến ở các nước Tây phương và ở Việt Nam, vì rất ư là tiện lợi.

Nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó. “Tiện” thì có tiện đấy, nhưng có “lợi” không thì còn phải xem lại đã.

Trẻ ít ngủ hơn

Trước đây, giới khoa học đã có cảnh báo về việc cho các bé xem tivi hay chơi game quá nhiều đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của chúng. Nay, trẻ từ rất nhỏ đã có cơ hội tiếp cận thường xuyên hơn với cái màn hình cảm ứng của ĐTTM hay tablet. Điều này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ đã và đang là đề tài của rất nhiều cuộc nghiên cứu công phu của các nhà khoa học và nhi đồng học.

Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Trẻ sẽ ít ngủ hơn khi dán mắt vào điện thoại

Tạp chí khoa học rất uy tín Scientific Reports (Anh) đăng tải kết quả của một cuộc khảo sát quy mô nhỏ trên 715 bậc cha mẹ về việc trẻ sử dụng thường xuyên các thiết bị có màn hình cảm ứng và giấc ngủ của chúng. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến hơn phân nửa số trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi có sử dụng thiết bị màn hình cảm ứng. Con số này ngày càng tăng theo độ tuổi với 75% trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi và 91% trẻ từ 2 đến 3 tuổi sử dụng thường xuyên thiết bị có màn hình cảm ứng. Điều đáng lo ngại là, cứ mỗi 1 giờ chúng chơi trên ĐTTM hay tablet, thì ban đêm chúng sẽ ngủ ít hơn bình thường là 15,6 phút, như thế mỗi năm chúng ngủ ít hơn đến 95 tiếng đồng hồ.

Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Và làm cho trẻ bị rối loạn giấc ngủ

Các nhà nghiên cứu cho rằng có một số lý do ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Việc chúng mê say xem ca nhạc, hoạt hình hay chơi game làm giờ đi ngủ của chúng sẽ trễ hơn bình thường, như vậy, thời gian ngủ của chúng sẽ ít hơn. Nội dung của nhạc, phim, game sẽ gây ra những kích động đến tâm sinh lý của trẻ, làm chúng ngủ không ngon giấc. Một yếu tố nữa là ánh sáng xanh có cường độ cao của màn hình cảm ứng làm ức chế sự sản xuất hóc-môn melatonin của cơ thể, từ đó làm rối loạn chu kỳ sinh học của trẻ.

Ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ

Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ - Ảnh 4.

Trẻ sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ

Trước mắt, việc thiếu ngủ của trẻ có vẻ như không có tác hại gì quá lớn lao. Nhưng về lâu dài, thiếu ngủ sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng sau này cho trẻ. Khoa học đã chứng minh rằng giấc ngủ có tác dụng thiết lập và củng cố các liên kết thần kinh giữa 2 bán cầu não trái và phải của con người. Đối với trẻ, não bộ của chúng đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, việc thiếu ngủ sẽ tác động xấu đến sự thiết lập các liên kết thần kinh. Hậu quả là não sẽ không phát triển toàn diện các chức năng hoạt động, và dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy việc sử dụng màn hình hình cảm ứng có mang lại chút ít lợi ích nhỏ như giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, nhưng rõ ràng “lợi bất cập hại” nếu so với việc phát triển toàn diện về trí tuệ.

Tác hại của việc thiếu ngủ đã được kiểm chứng qua một nghiên cứu trên 3.000 trẻ sơ sinh cho đến 7 tuổi ở Anh. 60% số trẻ này gặp phải những vấn đề về giấc ngủ như ngủ ít, giấc ngủ ngắn, hay giật mình thức giấc đột ngột. So với những trẻ cùng độ tuổi có giấc ngủ bình thường, số trẻ này có những biểu hiện suy yếu về thể chất, cũng như rất yếu kém các chức năng về tình cảm và thiết lập quan hệ xã hội. Kết quả nghiên cứu kết luận rằng, một giấc ngủ ngon và đủ giờ trong năm 2 đầu đời của trẻ là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trí tuệ toàn diện của trẻ.

Tác hại của màn hình cảm ứng đối với trẻ nhỏ - Ảnh 5.

Trẻ dễ bị suy yếu về thể chất khi thức khuya sử dụng điện thoại thông minh

Hiện, các nước phương Tây đang tiến hành một số cuộc nghiên cứu toàn diện và rất dài hơi về đề tài này. Nói là dài hơi vì người ta phải theo dõi xuyên suốt đối tượng nghiên cứu lúc mới 5, 6 tháng tuổi cho đến khi chúng 7, 8 tuổi.

Cha mẹ nào mà chẳng yêu thương, chiều chuộng con mình, nhưng xin nhớ là đừng chiều đến mức để chúng cứ khư khư ôm cái màn hình cảm ứng suốt ngày, e là sẽ không hay cho sự phát triển sau này của cục cưng yêu quý đấy, các bạn ạ!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog