Nguồn lây nhiễm của viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với những di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.
Bệnh viêm não Nhật Bản phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7, vì đây là mùa muỗi hoạt động nhiều, cũng là mùa chim đến ăn trái chín. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:
– Tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình là rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn đều có nuôi lợn).
– Sự xuất hiện virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày, rồi gây nhiễm cho muỗi, để từ đó truyền bệnh cho người.
Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản
Khi bị viêm não Nhật Bản trẻ sẽ có các biểu hiện như: Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kém đáp ứng hạ sốt. Đau đầu, buồn nôn, dần dần rối loạn tri giác (ngủ gà, li bì, đau đầu hoặc hôn mê).
Co giật, thường là co giật toàn thân. Gồng duỗi hoặc ưỡn, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ.
Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng dẫn đến hôn mê và tử vong. Nếu qua giai đoạn đó có thể diễn tiến di chứng tùy theo mức độ tổn thương não. Tỉ lệ tử vong khoảng 10 – 20%.
Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm máu và dịch não tủy. MRI não giai đoạn hồi phục sẽ giúp đánh giá mức độ tổn thương và di chứng của bệnh.
Viêm não Nhật Bản có lây không?
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan và nhanh chóng bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Viêm não Nhật Bản là bệnh lây truyền qua muỗi Culex đốt (muỗi ruộng). Nguồn gây bệnh chủ yếu từ các loài chim hoang dã và các loài gia súc – vì chim và lợn là những ổ chứa nhiều virus JEV trong tự nhiên. Muỗi sẽ đốt lợn và chim hoang, mang máu chứa virus gây bệnh rồi truyền sang người.
Do đó, viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Điều trị viêm não Nhật Bản
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị triệu chứng là chủ yếu, vì vậy bệnh cần được phát hiện và điều trị biến chứng kịp thời. Nguyên tắc điều trị viêm não Nhật Bản là hạ nhiệt tích cực; Chống co giật; Chống suy hô hấp – thở máy; Chống phù não; Cân bằng nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan; Dựa vào điện giải đồ và đường máu để điều chỉnh nếu có rối loạn; Nếu có điều kiện thì đo các thông số về khí máu để điều chỉnh thăng bằng toan – kiềm… Ngoài ra, bệnh nhi cần được chăm sóc dinh dưỡng và chống bội nhiễm.
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các mũi viêm não Nhật Bản, bởi vì vaccine chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia tại Việt Nam từ 1997 và áp dụng cho tất cả các trẻ trên 1 tuổi với lịch tiêm 3 mũi.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Mũi 1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi.
– Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
– Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm.
– Sau đó cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
– Mũi 1: Càng sớm càng tốt.
– Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
– Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm.
– Sau đó cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Phòng tránh muỗi đốt bằng cách loại bỏ những nơi ao tù đọng nước quanh khu vực nhà ở, nằm màn chống muỗi… Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa khu vực nhà ở.