Một số đứa trẻ có lòng tự trọng cao nhưng một số lại có lòng tự trọng thấp. Ở trường hợp thứ hai, trong lòng trẻ sẽ luôn có những cảm xúc không tốt. Khi gặp phải điều gì đó, dù tốt hay xấu, trẻ đều có những suy nghĩ tiêu cực. Trẻ em có lòng tự trọng thấp khi trưởng thành dễ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống. Trẻ không dám đối mặt với khó khăn, cũng không dám nắm bắt cơ hội vì nghĩ mình sẽ khó lòng thành công.
Vậy làm thế nào để phát hiện một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp? Theo các chuyên gia giáo dục, nếu có bạn thường xuyên nói 4 câu sau thì phải chú ý:
– Đầu tiên, con bạn thường xuyên nói: “Mọi người không thích con”
Đứa trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ không thể hòa nhập với mọi người xung quanh và gần như không có bạn. Trẻ luôn cảm thấy bị cô lập, lạc lõng vì hành động vô ý của người khác, hoặc dễ bị thất vọng vì điều gì đó. Một số lời nói vô ý của người khác có thể khiến trẻ suy nghĩ rất nhiều, cho rằng người khác không thích mình.
Những đứa trẻ này rất nhạy cảm và luôn muốn biết người khác nghĩ gì về mình. Nếu người khác có ý kiến không tốt, trẻ sẽ cảm thấy rất khó chịu, không thể vui lên được.
Các bậc cha mẹ phải làm gì? Đừng vội trách mắng con, trước tiên cha mẹ phải cho con cảm giác an toàn. Hãy cho con biết rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên con, chỉ khi trẻ cảm thấy an toàn thì trẻ mới có dũng khí đối mặt với mọi người, với thế giới xung quanh.
Dần dần, trẻ sẽ biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống, biết giá trị của bản thân là gì và không quá quan tâm đến đánh giá của người khác.
– Thứ hai, trẻ luôn nói những câu so sánh bản thân với mọi người, cho rằng mình kém cỏi hơn
Khi trẻ so sánh với người khác, điều trẻ nhận được nhiều nhất là mặc cảm tự ti. Những đứa trẻ như vậy luôn cảm thấy khả năng của mình đặc biệt thấp và sẽ đề cao ưu điểm của người khác.
Trẻ coi thường nỗ lực của bản thân, luôn cho rằng người khác giỏi hơn mình, cảm thấy mình không thể so sánh với người khác. Lúc này, cha mẹ nên làm như sau: Đừng lúc nào cũng so sánh con mình với “con người ta”. Cha mẹ cần phải cho con biết rằng: Người khác thành công là nhờ sự chăm chỉ, không phải bẩm sinh đã có những khả năng như vậy.
Điều này sẽ giúp con mạnh dạn khám phá điểm mạnh của bản thân, lấy lại sự tự tin.
– Thứ ba, trẻ luôn trì hoãn, nói mình sẽ làm việc gì đó sau
Một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ luôn muốn làm mọi việc một cách hoàn hảo, nhưng thực sự rất khó để làm điều đó. Vì sợ một kết quả không hoàn hảo sẽ bị mọi người chê cười nên thành ra, trẻ dần lười biếng, làm gì cũng trì hoãn, rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Lúc này, cha mẹ nên cùng con đặt ra một số mục tiêu có thể đạt được để trẻ có thể tiến bộ từ từ.
– Thứ tư, con bạn luôn chê bai người khác có nhiều vấn đề
Đừng để con có thói quen nói xấu người khác, vì nó sẽ khiến con trở nên rất tự phụ. Thực chất, việc chê bai người khác cũng là một cách để một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp tự bảo vệ mình. Trẻ mong muốn tìm ra ưu điểm của mình so với người khác bằng cách nói về những điều không tốt của họ.
Lúc này, cha mẹ đừng vội nói rằng việc con làm như vậy là không phù hợp mà hãy nói với con rằng: Quan sát của con là đúng, sau đó để con học hỏi, tìm ra những điều tốt đẹp ở người khác.