Nguyên nhân khiến trẻ bị ho khi ngủ
Trẻ em là đối tượng rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe, vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoạt động tốt. Nên khi thời tiết lạnh, thời tiết chuyển mùa trẻ rất dễ mắc các bệnh lý tai mũi họng, trong đó có ho.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó thường gặp hơn cả là do môi trường xung quanh. Tình trạng nơi ở, phòng ngủ của trẻ không vệ sinh, không được dọn dẹp, bụi bẩn có thể tích tụ. Đặc biệt bụi bẩn trong chăn, gối, thú bông của trẻ sẽ dính rất nhiều vi khuẩn… Điều này khiến trẻ có thể hít phải chúng khi đang ngủ, dẫn đến các cơn ho kèm theo ngứa mũi, hắt hơi và khó chịu.
Ho khi ngủ ở trẻ còn do nguyên nhân kích ứng khi hít thở phải dị nguyên như: Phấn hoa, lông chó, mèo, mạt bụi… Khi đó trẻ có biểu hiện ho nhiều, kèm thêm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, nóng rát cổ họng, ngứa mắt…
Tình trạng ho khi ngủ còn có thể do nguyên nhân trẻ bị viêm họng, viêm phế quản. Đây là hai bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa lạnh. Họng là nơi giao thoa giữa đường ăn và đường thở, vì vậy vị trí này dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác nhau. Nguyên nhân viêm họng, viêm phế quản ở trẻ chủ yếu là do nhiễm virus, vi khuẩn, môi trường sống bị ô nhiễm, hít phải khói thuốc lá, mắc các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp hoặc tiêu hóa… Triệu chứng viêm họng là ngứa họng, có đờm, ho khan… còn đối với viêm phế quản cấp tính các triệu chứng của bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày hoặc hơn. Nếu được chữa trị đúng cách, bệnh không tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, trẻ ho khi ngủ có thể do bị trào ngược dạ dày thực quản. Trên thực tế nhiều cha mẹ khi thấy trẻ ho sẽ nghĩ ngay đến các bệnh về đường hô hấp. Nhưng trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị ho. Khi acid dịch vị bị trào ngược lên thực quản, nó sẽ gây kích thích tới hệ thần kinh đường khí quản. Điều này sẽ khiến cho khí quản của trẻ bị căng cứng và ho khi ngủ.
Ho do trào ngược thường xuất hiện khi bạn cho trẻ ăn quá nhiều trước khi đi ngủ. Vì thức ăn nạp vào chưa kịp tiêu hóa hết sẽ tăng nguy cơ trào ngược và gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
Cần làm gì khi trẻ hay bị ho khi ngủ?
Trước hết để giảm tình trạng trẻ bị ho khi ngủ, cha mẹ cần làm sạch không gian phòng ngủ. Phòng ngủ của trẻ, nơi ở của trẻ cần phải sạch sẽ, thông thoáng, nên thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa. Điều này sẽ loại bỏ tất cả các tác nhân gây kích ứng như bụi bẩn, lông vật nuôi, phấn hoa, tàn thuốc lá…
Nếu thời tiết khô hanh, cha mẹ có thể tăng độ ẩm trong phòng ngủ cũng là cách giúp đường thở của trẻ không bị khô. Từ đó làm giảm dịch nhầy trong mũi, giảm cơn ho và nghẹt mũi.
Cha mẹ cần làm sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý bằng cách nhỏ 5 – 10 giọt nước muối sinh lý vào mũi trước khi cho trẻ ngủ. Với những bé dưới 3 tháng tuổi, cần mua loại nước muối sinh lý chuyên biệt và không chứa chất bảo quản.
Vào mùa lạnh như hiện nay, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, nhất là ở vùng đầu, cổ, bụng, tai và gan bàn chân. Khi giữ ấm cho trẻ vào ban đêm sẽ giúp hạn chế cơn ho khi ngủ hiệu quả.
Ngoài ra, cha mẹ có thể hấp mật ong với chanh, lá húng, nước gừng, quất, lá hẹ… cho trẻ ngậm sẽ giúp giảm ho hiệu quả. Các loại thảo dược này có công dụng giảm ho, long đờm, tiêu viêm, kháng khuẩn, thanh nhiệt và rất lành tính cho trẻ.
Để hạn chế tình trạng bị ho khi ngủ, cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn uống sát giờ đi ngủ. Bởi trường hợp nếu cho trẻ ăn trước khi đi ngủ, thức ăn sẽ ứ đọng trong dạ dày. Từ đó gây trào ngược thực quản và khiến cho trẻ bị ho. Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm cay nóng, đồ chiên xào có nhiều dầu mỡ, thức ăn quá mặn, đồ ăn cứng, nước ngọt có ga… Vì những loại đồ ăn này sẽ gây kích ứng niêm mạc đường thở và khiến trẻ bị ho nhiều hơn.
Muốn làm giảm cơn ho khi ngủ, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống đủ nước. Để đường thở luôn ẩm, hãy cho trẻ uống nhiều nước ấm, bổ sung thêm trái cây tươi để làm dịu phế quản, niêm mạc phổi… Đặc biệt trước khi ngủ và sau khi thức dậy, hãy cho trẻ uống chút nước ấm giúp thông thoáng đường thở sẽ tránh được tình trạng ho và khó thở kéo dài.
Điều chỉnh tư thế ngủ cho trẻ bằng cách để trẻ nằm ngửa, thẳng người và gối đầu cao từ 15 – 20cm. Điều này sẽ giúp cho đường thở của trẻ trở nên lưu thông dễ dàng hơn, hạn chế được dịch nhầy chảy xuống họng gây kích ứng.
Nếu khi áp dụng một số biện pháp như trên mà không thấy trẻ dứt ho hoặc trẻ bị ho kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo như sốt, nôn, khó thở… thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tìm hướng xử trí phù hợp.
BS. Dương Thanh Lan