SKĐS – Tỷ lệ trẻ mắc cận thị ngày càng tăng cao, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ánh sáng xanh không phải nguyên nhân trực tiếp gây cận thị.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, tới năm 2050, 90% trẻ em ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị cận thị.
Ông Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Truyền thông – GDSK Trung ương- Bộ Y tế – chia sẻ, thực tế, không cần tới các nghiên cứu khoa học thì chúng ta cũng có thể thấy số trẻ mắc cận thị đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học của các bệnh viện tại Việt Nam cũng cho thấy rằng hiện nay tỷ lệ trẻ em bị cận thị đang ở mức 30-60%.
“Tỷ lệ mắc cận thị giữa các khu vực là khác nhau. Các trẻ em ở khu vực thành thị có tỷ lệ cận thị cao hơn khu vực nông thôn. Đặc biệt, trẻ em ở khu vực nội thành có tỷ lệ cận thị cao hơn trẻ ở khu vực ngoại thành. Thậm chí, trong cùng một trường, tỷ lệ cận thị cũng không giống nhau. Những trẻ học tại trường chuyên, lớp chọn sẽ có tỷ lệ cận thị cao hơn so với những lớp khác”, ông Vũ Mạnh Cường cho biết.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương – cho biết: “Do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, phụ huynh quan tâm tới sức khỏe thị lực của trẻ sớm hơn, trẻ được kiểm tra thị lực sớm và thường xuyên hơn nên từ đó ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc cận thị ngày càng cao. Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào lý giải được nguyên nhân tại sao tỷ lệ cận thị lại tăng”.
Cô Phan Mỹ Hà – Hiệu trưởng trường Mầm non Cô Giang (Quận 1, TPHCM) – cho hay: “Nhiều năm công tác giáo dục, tôi thấy tỷ lệ học sinh mắc cận thị, phải đeo kính đang ngày càng tăng”.
Có rất nhiều yếu tố tác động dẫn tới việc trẻ bị cận thị như chế độ dinh dưỡng, lối sống, thói quen sinh hoạt…
Một khảo sát mới đây tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang có đến 78% các bé độ tuổi 1-5 tuổi đã tiếp xúc tivi, màn hình điện thoại, các thiết bị điện tử… từ 3-5h mỗi ngày.
Chị Trinh Phạm chia sẻ, hằng ngày con chị vẫn thường xuyên xin chị xem điện thoại, tivi… mặc dù đã hạn chế hết mức có thể nhưng trung bình mỗi ngày con chị vẫn dành hơn 3 tiếng để xem điện thoại.
“Nhìn thấy nhiều trẻ dù rất nhỏ nhưng vẫn phải đeo kính khiến tôi không khỏi lo lắng. Tôi đã cố cân bằng giữa sức khỏe thị lực của con và những kiến thức con nhận được khi giải trí, học tập qua màn hình. Dù lo lắng nhưng nhiều lúc bé quấy, tôi cũng phải cho bé xem những chương trình trên internet để làm những việc khác”, chị Trinh Phạm tâm sự.
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: “Nhiều người cho rằng ánh sáng xanh khi sử dụng các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây ra cận thị. Nhưng theo tôi thiếu cơ sở khoa học chứng minh ánh sáng xanh là nguyên nhân trực tiếp gây cận thị. Tuy nhiên, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh sẽ gây ảnh hưởng tới các tế bào thần kinh và gây giảm thị lực”.
Liên quan tới vấn đề gia tăng trẻ mắc cận thị, TS.BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn đối với sức khỏe thị lực của trẻ. Để trẻ có một đôi mắt khoẻ, phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vào thời điểm vàng. Theo đó, phụ huynh cần tăng cường bổ sung những thực phẩm có chứa Lutein và Zeaxanthin cho trẻ.
Hai loại dưỡng chất này được tìm thấy nhiều nhất ở các loại rau lá xanh đậm và hoa quả màu vàng, đỏ. Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm chứa “dưỡng chất vàng” vitamin A cũng rất cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng của mắt, giúp mắt sáng khỏe.
Nam Thương