Bổ sung sắt, acid folic dự phòng dị tật thai nhi

13 mins read
Bổ sung sắt, acid folic dự phòng dị tật thai nhi

Acid folic trong dự phòng dị tật thai nhi

Chăm sóc sức khỏe của người mẹ khi mang thai có liên quan mật thiết đến sức khỏe của thai nhi. Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy suy dinh dưỡng bào thai là yếu tố góp phần làm tăng các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận và bệnh tim mạch khi trẻ trưởng thành. Người mẹ bị thiếu ǎn hoặc ǎn uống không hợp lý là nguyên nhân của suy dinh dưỡng bào thai (trẻ đẻ ra có cân nặng < 2.500 g). Cơ thể chúng ta cần được cung cấp vi chất hàng ngày, tuy với lượng rất nhỏ (tính bằng mcg) nhưng phải đủ thì cơ thể mới có thể phát triển tốt được.

Ở nước ta, những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ nữ không được tiếp cận đầy đủ những thông tin về dinh dưỡng hợp lý để chuẩn bị cho việc đón đứa con chào đời thông minh và khỏe mạnh.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, acid folic (hay còn gọi là folat) hoặc vitamin B9) trong các thực phẩm tự nhiên có chức năng cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật, vi khuẩn và cần cho sự hình thành của tế bào máu.

Bổ sung sắt, acid folic dự phòng dị tật thai nhi - Ảnh 2.

Chăm sóc sức khỏe của người mẹ khi mang thai có liên quan mật thiết đến sức khỏe của thai nhi.

Hầu như các thực phẩm đều chứa folat nhưng có nhiều trong các loại rau màu xanh thẫm, gan động vật, trứng, các, măng tây, hoa lơ màu xanh, đậu quả, các hạt nảy mầm (mầm lúa mạch, mầm giá đỗ…). Folat rất nhạy cảm và dễ bị phân hủy dưới tác động của nhiệt độ, tia cực tím, hoặc oxy hóa. Trong quá trình nấu hoặc chế biến tỷ lệ mất có thể từ 50 – 90%, có khi là 100% khi nấu ở nhiệt độ cao và nhiều nước. Nếu thức ăn để lâu ngoài ánh sáng, lượng folat sẽ bị hao hụt đáng kể. Để đảm bảo có đủ folat trong khẩu phần ăn, thai phụ cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường ăn rau quả tươi, thực phẩm mua về cần chế biến ngay và ăn ngay sau khi nấu. Triệu chứng thiếu hụt axit folic: thiếu máu, ợ nóng, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.

Nhu cầu axit folic trung bình là 3mcg/kg trọng lượng sẽ đáp ứng được cho nhu cầu người trưởng thành (tương đương 180 – 200 mcg/ ngày). Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nhận 10 – 12mcg/kg trọng lượng/ ngày khi tình trạng folat của bà mẹ đầy đủ. Khẩu phần khuyến nghị cho trẻ em 1 – 10 tuổi là 3,7mcg/kg trọng lượng/ ngày. Nhu cầu tăng lên trong khi phụ nữ mang thai cần 400cg/ngày để đáp ứng.

Nếu thiếu axit folic trong giai đoạn sớm của thai kỳ gây ra sự phân chia tế bào không bình thường, gây sẩy thai hoặc dị tật: Hở hàm ếch/ vòm miệng, hội chứng Down, khiếm khuyết ống thần kinh.

Dị tật ống thần kinh là sự không hoàn thiện của ống thần kinh (ống thần kinh không đóng kín) vào ngày thứ 28 sau thụ thai gây hiện tượng nứt đốt sống, vô sọ (90% các trường hợp dị tật ống thần kinh), thoát vị não (10% các trường hợp dị tật ống thần kinh). Do vậy để dự phòng dị tật sơ sinh thể này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người phụ nữ phải được dự trữ đủ axit folic cho cơ thể ít nhất là 3 tháng trước khi thụ thai.

Mối liên quan giữa axit folic và dị tật ống thần kinh lần đầu tiên được đưa ra vào 30 năm trước đây, và từ năm 1964 trở lại đây có ít nhất 13 nghiên cứu lớn trên thế giới được tiến hành. Khoảng 50 – 70% các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể phòng tránh được nếu phụ nữ mang thai sử dụng axit folic trong khoảng thời gian từ trước khi thụ thai đến 4 tuần sau khi thụ thai.

Để phòng ngừa dị tật thai nhi, thai phụ cần chế độ ăn có các thực phẩm giàu folat: Gan động vật (bò, gà, lợn). Rau có lá màu xanh thẫm, hoa lơ xanh, đậu quả, giá đỗ… Bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg axit folic/ ngày.Nên lựa chọn các thực phẩm dùng cho phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú có bổ sung axit folic 400mcg/ ngày, kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác để sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh.

Bổ sung sắt và acid folic cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi

Theo kết quả của một số nghiên cứu, để hỗ trợ thai nhi phát triển tối ưu, các vi chất dinh dưỡng như sắt, axit folic, kẽm, canxi… và các vitamin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đây là vấn đề đang được quan tâm ở Việt Nam, vì tình trạng thiếu vi chất ở bà mẹ mang thai chưa được quan tâm đầy đủ. Bổ sung sắt, acid folic đầy đủ sẽ giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Sắt trong cơ thể có vai trò rất quan trọng vì đây là yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu. Sắt có nhiệm vụ vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ. Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi Betacaroten thành vitamin A, giúp tạo colagen (giúp gắn kết các mô cơ thể). Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Lượng sắt ở trẻ sơ sinh là 250 mg, ở trẻ 1 tuổi khoảng 420 mg và ở người trưởng thành khoảng 3.500 mg-4.000 mg.

Bổ sung sắt, acid folic dự phòng dị tật thai nhi - Ảnh 3.

Thực phẩm giàu acid folic.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng năm 2009-2010, có tới 36,5 % phụ nữ mang thai và 29,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Phụ nữ dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì dự trữ sắt của họ thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Khi có thai, dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ không đáp ứng đủ việc tạo hồng cầu, do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai nhi. Bệnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cả mẹ lẫn con.

Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn so với bà mẹ bình thường. Người ta đã coi thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa. Đối với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao.

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp. Khi mang thai tổng lượng sắt cần > 1.000 mg hay nhu cầu sắt hàng ngày là 59,2 mg sắt nguyên tố (so với 39,2 mg/ngày ở phụ nữ không có thai).

Acid Folic (hay còn gọi là Folat, Vitamin B9) rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào và cho sự hình thành tế bào máu. Nhu cầu acid folic trung bình ở người trưởng thành 400 mcg/ngày. Nhu cầu này tăng lên trong thời kỳ mang thai (600 mcg/ ngày) để đáp ứng cho sự phân chia tế bào cũng như sự tăng kích thước của tử cung.

Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới gần đây đã chỉ ra rằng, nồng độ acid folic đủ cao trong máu người mẹ rất cần thiết cho việc đóng ống thần kinh bình thường ở thai nhi. Có thể ngăn ngừa 70%-80% số trẻ bị dị dạng ống thần kinh nếu trước và trong thời gian mang thai người mẹ được bổ sung acid folic đầy đủ.

Ăn đa dạng để phòng chống thiếu sắt và acid folic

Ǎn uống hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm là biện pháp phòng chống thiếu vi chất tốt nhất. Trước và trong khi có thai, cần có khẩu phần ǎn đủ số lượng và cân đối về chất lượng để đảm bảo cung cấp đủ vitamin, các khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Để phòng thiếu acid folic và sắt, nên ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, gan, các loại rau có màu xanh thẫm như hoa lơ xanh, các loại đậu, ngũ cốc. Để tǎng quá trình chuyển hóa và hấp thu sắt, cần tǎng cường vitamin C, nên cần ǎn đủ rau xanh và hoa quả chín.

Phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú nên sử dụng thực phẩm có tăng cường sắt/acid folic để đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt và acid folic hàng ngày, kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác.

Bổ sung sắt, acid folic bằng đường uống: phụ nữ là đối tượng rất dễ bị thiếu sắt và acid folic và trong một số trường hợp, sự bổ sung hai chất dinh dưỡng này thông qua ăn uống là không đủ, do vậy, cần phải bổ sung bằng đường uống thuốc. Phụ nữ không mang thai bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên (60 mg sắt nguyên tố, 2800 mcg acid folic) trong thời gian 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic 1 viên/ngày (60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic) từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh một tháng.

Để tránh tác dụng phụ (như buồn nôn, táo bón..) của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1-2 giờ, sắt hấp thu tốt khi trong khẩu phần ăn sử dụng những thực phẩm có nhiều Vitamin C. Không uống sắt cùng với chè, cà phê vì chất tanin trong chè, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.

Các biện pháp y tế công cộng (vệ sinh môi trường, phòng chống giun sán…): khuyến khích thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, xử lý phân rác hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch, tẩy giun định kỳ cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi (theo hướng dẫn của cán bộ y tế).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phòng Bệnh Hô Hấp Khi Thời Tiết Chuyển Lạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog