1. Nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai
Mang thai là giai đoạn đặc biệt, đó là cơ thể người mẹ phải nuôi dưỡng cả hai. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này tăng lên.
Phụ nữ mang thai được đáp ứng dinh dưỡng đầy đủ sẽ đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và cung cấp các chất cần thiết để thai nhi phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng trong thai kỳ như thiếu máu, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non…
Nhu cầu năng lượng ở phụ nữ mang thai tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Các chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này bao gồm: Protein, sắt, canxi, acid folic, các vitamin A, C, D, E…
Theo Học viện Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), bắt đầu từ giai đoạn giữa thai kỳ, bà mẹ sẽ cần thêm 340 calo mỗi ngày và nhiều hơn một chút vào cuối thai kỳ. ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam cũng lưu ý, khi mang thai ngoài chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, mẹ bầu cần bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng là: acid folic, sắt, canxi, vitamin D. Ngoài 4 loại thiết yếu trên thì vitamin B1, B2, B5, C, E, A, iốt và kẽm cũng cần thiết.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bà bầu cần ăn đa dạng thực phẩm, uống đủ nước và bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có gas. Tránh ăn các thực phẩm sống, chưa nấu chín kỹ.
Nguồn thực phẩm tốt nhất cho phụ nữ mang thai bao gồm:
- Các loại thịt: Thịt bò, thịt gà, thịt lợn
- Cá
- Trứng: trứng gà, trứng vịt
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Các loại đậu
- Các loại hạt
- Rau xanh
- Trái cây tươi
2. Một số thực phẩm bổ dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai
Cá
Có nhiều bà bầu không thích ăn cá, đặc biệt là khi đang bị ốm nghén nhưng cá là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai, nhất là cá nhiều dầu có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và mắt của em bé.
Cá béo là nguồn thực phẩm tuyệt vời chứa acid béo omega-3 DHA. Chất béo lành mạnh này tốt cho cả em bé và bà mẹ trong thời kỳ mang thai vì DHA có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh non và phát triển chứng trầm cảm sau sinh.
Một số loại cá béo cũng cung cấp vitamin D như cá hồi, cá mòi và cá ngừ. Trong thời kỳ mang thai, vitamin D được sử dụng để giúp xây dựng xương, răng của em bé, giúp bảo vệ thị lực và làn da khỏe mạnh.
Nên tránh một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, một kim loại nặng độc hại có liên quan đến dị tật bẩm sinh. ACOG khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá mú cam, cá mập, cá kiếm hoặc cá ngói.
Trứng
Trứng là “ngôi sao dinh dưỡng” trong chế độ ăn của phụ mang thai do nó chứa nhiều một chất dinh dưỡng rất quan trọng, đó là choline.
Choline là một chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của tủy sống và có liên quan đến sức khỏe não bộ của em bé nhiều năm sau khi sinh.
Theo ACOG, phụ nữ mang thai cần ít nhất 450 miligam choline mỗi ngày. Một quả trứng cung cấp cung cấp 169 miligam choline. Các loại thực phẩm khác có chứa choline bao gồm: Thịt gà, thịt bò nạc, sữa, sản phẩm đậu nành, đậu phộng.
Sữa
Sữa bò cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết trong thời kỳ mang thai, đặc biệt canxi, vitamin B12, vitamin A , vitamin D…
Sữa cũng có iốt, mặc dù bạn có thể nhận đủ khoáng chất này từ muối iốt, nhưng cơ thể sẽ cần nhiều hơn khi mang thai. Iốt rất quan trọng đối với việc sản xuất hormone tuyến giáp và sự phát triển của thai nhi.
Khoai lang
Khoai lang là một trong những thực phẩm tốt nhất để ăn khi mang thai. Một củ khoai lang cỡ trung bình cung cấp hơn 100% lượng vitamin A được khuyến nghị cần trong thời kỳ mang thai dưới dạng beta-carotene. Vitamin A vô cùng cần thiết cho sự phát triển thị lực, xương và hệ thống miễn dịch của em bé.
Các loại đậu
Các loại đậu chứa rất nhiều chất xơ, tốt cho phụ nữ mang thai vì nó hỗ trợ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón, một vấn đề thường gặp trong thời kỳ mang thai do tất cả những thay đổi về hormone. Các loại đậu cũng cung cấp sắt, một chất thiết yếu do khi mang thai nhu cầu sắt cao hơn.
Thực phẩm chứa folate
Folate là một loại vitamin B có tác dụng hình thành các tế bào hồng cầu, nó đặc biệt quan trọng trước và trong khi mang thai.
Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9 có trong thực phẩm. Ăn đủ B9 sẽ giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não và cột sống của trẻ, cụ thể là dị tật ống thần kinh gọi là tật nứt đốt sống.
Loại vitamin này cũng hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của thai nhi và nhau thai, đó là lý do tại sao bạn cần nhiều vitamin này hơn trong giai đoạn đầu mang thai.
Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm: Rau chân vịt, rau diếp, súp lơ xanh, quả bơ, nước cam…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bất ngờ mang thai ở tuổi 50 dù tưởng đã mãn kinh.