Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 đã chính thức khép lại với chiến thắng chung cuộc thuộc về nam sinh xứ Huế – Võ Quang Phú Đức (trường THPT chuyên Quốc học – Huế). Thành công của nam sinh tại trận Chung kết năm nay đã giúp Thừa Thiên – Huế san bằng kỷ lục là địa phương có nhiều Quán quân Olympia nhất của Quảng Ninh với tổng cộng 3 Quán quân.
Bên cạnh khối kiến thức đồ sộ, thì một điều khiến dân tình ấn tượng không kém cạnh ở Phú Đức đó chính là những “chiến thuật” mà nam sinh sử dụng trong toàn bộ hành trình “leo núi” của mình. Những chiến thuật này đều rõ ràng, đôi lúc được xem là hơi liều lĩnh, song sau cùng, chúng đã được chứng minh là có hiệu quả. Bản thân Phú Đức khi trả lời sau trận đấu cũng thừa nhận, mọi đường đi nước bước của nam sinh, đặc biệt là khi đối thủ đang theo sát nút, đều nằm trong chiến thuật đã soạn sẵn.
“Mình thấy khoảnh khắc căng thẳng nhất là khi Nguyên Phú cách mình 20 điểm. Mình nhận thấy đó là thế trận mà mình đã từng gặp ở trận thi Quý 3 và trong đầu mình đã soạn sẵn chiến thuật để đối phó với nó”, Phú Đức cho biết.
Nhờ những chiến thuật thông minh, chiến thắng đã thuộc về Phú Đức một cách đầy xứng đáng!
Chiến thuật thứ 1: “Một ăn cả ngã về không”
“30 giây” – đây là thời gian để Phú Đức đưa ra câu trả lời cho phần Vượt chướng ngại vật trong trận Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024.
Không cần đến bất kỳ gợi ý nào được lật mở, không cần quá nhiều thời gian để suy ngẫm, chỉ 30 giây ngắn ngủi, Phú Đức đã nhấn chuông giành quyền trả lời cho phần thi khó nhằn này và dõng dạc đưa ra đáp án đúng là “Net Zero”. Nhờ “Net Zero”, nam sinh đã có thêm cho mình 60 điểm, nâng tổng số điểm từ 75 lên 135.
Khoảnh khắc Phú Đức nhấn chuông giành quyền trả lời phần thi Vượt chướng ngại vật khi chưa có bất kỳ gợi ý nào được mở ra khiến khán giả nín thở theo dõi. Bởi lẽ, Phú Đức không phải là một người chơi Vượt chướng ngại vật “cừ khôi”, theo tiết lộ của MC Khánh Vy. Trong các trận thi Tuần, Tháng, Quý trước đó, Phú Đức chỉ duy nhất một lần “cướp” quyền trả lời đúng vòng Vượt chướng ngại vật.
Thậm chí ở trận thi tháng, nam sinh xứ Huế đã mất ngôi vị dẫn đầu chỉ vì quá… nóng vội nhấn chuông trả lời vòng Vượt chướng ngại vật. Điều này khiến nam sinh nhận về cái kết “đắng” khi chỉ dừng lại ở vị trí thứ 2. Tuy nhiên, Phú Đức vẫn may mắn có cơ hội bước vào trận thi Quý III nhờ thành tích là thí sinh có điểm về Nhì cao nhất trong các trận thi Tháng, thuộc Quý III.
Vậy phải chăng, Phú Đức đang quá liều lĩnh?
Đúng nhưng chưa đủ, bởi có thể coi nó là một phần trong chiến thuật “một ăn cả ngã về không”, “đánh liều” thì “ăn nhiều” của chàng trai xứ Huế. Khi một thí sinh quyết định áp dụng chiến thuật này, họ thường chọn những câu hỏi có giá trị điểm số cao để trả lời, dù biết rằng mình có thể không hoàn toàn chắc chắn về câu trả lời. Mục tiêu chính là nhằm thu về một lượng điểm lớn trong thời gian ngắn, qua đó tạo ra sự cách biệt đáng kể so với các đối thủ.
Xét trường hợp của Phú Đức, ngay kể cả trong trường hợp xấu nhất là không đưa ra được đáp án đúng, điểm số có thể bị trừ đi thì nam sinh vẫn còn có 2 vòng ở đằng sau là Tăng tốc và Về đích để tạo nên những biến động về điểm số. So với việc bứt phá ở phần Về đích khi chọn 3 gói câu hỏi cao nhất kèm ngôi sao hy vọng, thì việc “liều lĩnh” ở phần Vượt chướng ngại vật có vẻ là lựa chọn khôn ngoan hơn, ít nhất là trong tình huống hôm nay.
Có thể nói, chiến thuật “liều ăn nhiều” của Phú Đức là một lựa chọn mạo hiểm nhưng quả thực nó đã phát huy tối đa tác dụng khi giúp nam sinh tạo thế cách biệt lớn tới 85 điểm với người về Nhì sau vòng Vượt chướng ngại vật là Trung Kiên. Không chỉ củng cố vị trí dẫn đầu từ nền tảng vòng Khởi động, màn vượt lên ngoạn mục về điểm số này của Phú Đức còn gây áp lực lớn về mặt tâm lý cho các đối thủ còn lại. Điều này có thể khiến họ rơi vào trạng thái lo lắng, mất tập trung và có thể mắc phải những sai lầm không đáng có.
Chiến thuật hai: Loại bỏ mọi khả năng “lật kèo” của đối thủ
Phần thi thể hiện rõ nhất cách “chơi chiêu” thông minh, khôn khéo và đầy bản lĩnh của Phú Đức nằm ở phần Về đích. Điểm qua một chút về bối cảnh trận thi đấu, vì ở những vòng trước đó, Gen Z đã “đánh cược” nhiều lần để tạo được cách biệt điểm số, nên đến vòng Về đích, Phú Đức lại chọn cách chơi điềm tĩnh hơn nhằm đảm bảo chắc chắn về điểm số.
Theo đó, Phú Đức chọn 3 câu hỏi 20 điểm và trả lời đúng ở câu hỏi đầu tiên. Nam sinh này lựa chọn ngôi sao hy vọng ở câu hỏi thứ 2 nhưng không trả lời đúng, các thí sinh khác cũng không có câu trả lời. Ở câu hỏi cuối cùng, Phú Đức không đưa ra được đáp án. Kết thúc phần thi của mình, Phú Đức đạt 235 điểm.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như ở phần Về đích, khán giả bất ngờ có dịp chứng kiến màn nâng điểm số ngoạn mục của nam sinh đến từ Hà Nội là Nguyên Phú – đối thủ trực tiếp của Phú Đức để giành vòng nguyệt quế. Nguyên Phú sau khi kết thúc phần thi về đích cá nhân đã đạt 185 điểm và “cướp” được 2 câu trả lời phần Về đích của thí sinh khác, nâng tổng điểm lên 215 điểm.
Cách biệt điểm số giữa của Phú Đức (235 điểm) và Nguyên Phú (215 điểm) khi ấy chỉ là 20 điểm. Cả hai cũng như khán giả đều hồi hộp chờ màn về đích cuối cùng của nam sinh đến từ Gia Lai – Nguyễn Quốc Nhật Minh.
Ở câu hỏi về đích cuối cùng, vì không trả lời được nên Nhật Minh đã nhường quyền cho các thí sinh khác.
Lúc này xảy ra 2 trường hợp:
Thứ nhất, nếu Nguyên Phú giành được quyền trả lời và trả lời đúng, nam sinh Hà Nội sẽ được cộng thêm 20 điểm, tức tổng điểm sẽ tăng lên thành 235, bằng với số điểm của Phú Đức. Như vậy, Nguyên Phú và Phú Đức sẽ phải bước vào vòng “knock out” để phân định rạch ròi chiến thắng.
Thứ hai, nếu Phú Đức giành được quyền trả lời. Trả lời đúng thì đương nhiên nam sinh này sẽ giành chiến thắng, còn nếu trả lời sai thì cậu bạn sẽ bị trừ đi 15 điểm, thành 220 điểm. Có thể thấy, ngay kể cả trong trường hợp xấu nhất, tức trả lời sai và bị trừ điểm, Phú Đức vẫn giành chiến thắng sát sườn với người đang “lăm le” ngôi quán quân ngay sau mình – Nguyên Phú.
Khán giả có thể dễ dàng nhận ra điều này và người thông minh như Phú Đức hẳn cũng không phải ngoại lệ. Rất rõ ràng, trong thời khắc quan trọng, lằn ranh giữa “thắng – thua” rất có thể chỉ nằm ở một cái nhấn chuông. Và nam sinh đã chọn “cướp” quyền trả lời thật nhanh chỉ trong vỏn vẹn chưa đến 1 giây. Cậu bạn chớp được cơ hội này, tuy trả lời sai, nhưng như đã nói ở trên, dù có trả lời sai, nam sinh vẫn giành chiến thắng chung cuộc.
Đây là một cách “chơi chiêu” hay – một điều chúng ta không thể chối cãi. Dẫu vậy, sau trận đấu, chiến thuật này của Phú Đức vấp phải nhiều ý kiến. Có người khen chiến thuật của nam sinh này hay, nhưng cũng không ít người cho rằng vì sự nhanh tay của Phú Đức mà Nguyên Phú không còn cơ hội cạnh tranh tới cùng, cũng như việc khán giả chưa có được 1 màn chung kết thật sự “đã”. Dân tình cũng cho rằng khá tiếc nuối cho Nguyên Phú bởi nếu anh chàng nhanh tay hơn, biết đâu sẽ tạo ra một thế trận khác, đem đến những cảm xúc kịch tính, bùng nổ hơn.
Tuy nhiên trong một cuộc thi về tri thức, chỉ có kiến thức không thôi là chưa đủ. Đặc biệt là trong trận đấu quan trọng như chung kết năm, các thí sinh cần có cả sự nhanh nhạy, thông minh, bản lĩnh để “chắc cốp” trong từng bước đi, và ở đâu đó còn có cả một chút may mắn nữa. Xuyên suốt hành trình leo núi vừa qua, Phú Đức đã cho thấy bản thân không chỉ thông minh mà còn có sự chuẩn bị rất tốt. Thông qua những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình va vấp từ các vòng thi trước cùng với đó là khả năng quan sát và tâm lý vững vàng, Phú Đức đã tự đúc kết ra bộ chiến thuật giúp mình đi đến thành công.
Và chiến thắng của nam sinh xứ Huế rõ ràng cũng không thể là một sự ăn may vì ở các vòng thi trước, đặc biệt là ở vòng Vượt chướng ngại vật, nam sinh đã thể hiện khả năng “out trình” đối thủ của mình thế nào.
Sau tất cả, dù là màn bấm chuông nhanh như chớp ở cuối hay cách nam sinh tạo khoảng cách điểm số ngay từ 3 phần thi đầu, tất cả đều chứng minh những chiến thuật Võ Quang Phú Đức đúc kết và áp dụng trong lúc thi đấu đều rất thông minh. Chính điều đó đã giúp nam sinh trở thành tân Quán quân của Đường Lên Đỉnh Olympia!