Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa

12 mins read
Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa

Theo thống kê, có khoảng 3% dân số toàn cầu mắc bệnh nhược thị, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phát triển thị giác.

1. Nguyên nhân gây nhược thị

Nguyên nhân chính gây nhược thị thường là do sự khác biệt về thị lực giữa hai mắt hoặc các vấn đề về sự phối hợp giữa hai mắt. Một số nguyên nhân gây nhược thị bao gồm:

Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

Nhược thị gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thị giác.

1.1. Nhược thị do lác

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến nhược thị và chỉ xảy ra ở mắt bị lệch trục thường xuyên từ nhỏ (mắt bị lác), sẽ dễ dàng phát hiện khi che mắt không bị lác.

Khi một mắt nhìn thẳng còn mắt kia lại hướng vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới, não sẽ sử dụng hình ảnh của mắt bình thường, và dần bỏ qua tín hiệu từ mắt lác, lâu dần dẫn đến giảm thị lực của bên mắt lác.

1.2. Nhược thị do tật khúc xạ

Khi một mắt bị cận thị, viễn thị hoặc loạn thị nặng hơn mắt kia, não sẽ ưu tiên sử dụng mắt có thị lực tốt hơn, làm cho thị lực mắt bị tật khúc xạ ngày càng yếu. Nhìn chung, mắt bị viễn thị hoặc loạn thị dễ bị nhược thị hơn mắt cận thị.

1.3. Nhược thị do thiếu hụt thị lực

Nhược thị do thiếu hụt thị lực xảy ra do bất kỳ bệnh lý nào cản trở đường dẫn thị giác (đục thủy tinh thể, đục giác mạc, viêm nội nhãn, xuất huyết dịch kính, tổn thương võng mạc, bệnh lý thần kinh thị giác hoặc sụp mi…), dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ, khiến hình ảnh bị mờ. 

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến nhược thị ở trẻ như:

Trẻ sinh non, nhẹ cân. Nguyên nhân là do lúc này, võng mạc của trẻ chưa đủ thời gian để phát triển hoàn thiện, chưa nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng nên có khả năng mắc các bệnh về mắt cao hơn so với trẻ chào đời đủ tháng.

Trẻ có các thành viên trong gia đình từng gặp các vấn đề về mắt hoặc thị lực có nguy cơ nhược thị cao hơn.

Trẻ gặp các vấn đề về phát triển về cả thể chất, tâm trí và tinh thần cũng có nguy cơ mắc nhược thị cao hơn.

Một số bệnh lý khác như viêm não, u não cũng có thể gây nhược thị.

Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Nguyên nhân chính gây nhược thị thường là do sự khác biệt về thị lực giữa hai mắt hoặc các vấn đề về sự phối hợp giữa hai mắt.

2. Các triệu chứng của nhược thị

Nhìn mờ một bên mắt là dấu hiệu thường thấy ở trẻ nhược thị. Trẻ thường phàn nàn không nhìn rõ chữ trên bảng, nhìn mờ khi xem tivi, đọc sách hoặc viết ở khoảng cách gần. Tiếp theo là mỏi mắt. Khi mắt hoạt động thường xuyên với cường độ cao, trẻ dễ bị mỏi mắt, chớp mắt và dụi mắt nhiều.

Trẻ có biểu hiện nhắm một bên mắt hay nheo mắt khi nhìn. Đôi khi trẻ bị nhức mắt, nhức đầu.

Trẻ thường nghiêng đầu, cổ khi nhìn theo vật.

Trẻ có thể khó tập trung vào một vật thể trong thời gian dài. Khả năng ước lượng khoảng cách giữa các vật thể suy giảm, hoặc không nhìn rõ chiều sâu.

Trẻ có thể tránh các hoạt động như chơi bóng, đọc sách hoặc chơi trò chơi đòi hỏi thị lực tốt.

3. Phòng ngừa nhược thị ở trẻ

Để phòng ngừa nhược thị ở trẻ, cần tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của trẻ ngay từ khi còn nhỏ, nhằm giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ. Cần thiết lập cho trẻ một chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa.

Khi trẻ đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi phải nhìn gần và tập trung cao, cần hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi sau mỗi 45 phút. Khi nghỉ, cần đứng lên đi lại và nhìn ra xa.

Đảm bảo trẻ có đủ ánh sáng tự nhiên khi học tập và vui chơi. Tránh để trẻ đọc sách trong điều kiện ánh sáng quá yếu hoặc quá mạnh. Không để trẻ đọc sách khi đi tàu xe, khi nằm. Khoảng cách đọc sách cần phù hợp (từ 25-30cm).

Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt vào bữa ăn hằng ngày của trẻ, như: Các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E (cà rốt, đu đủ, các loại rau màu xanh đậm; trái cây họ cam quýt…); Các khoáng chất như kẽm, lutein… có nhiều trong các loại đậu, lạc, hàu, thịt nạc đỏ, gia cầm, trứng, sữa…

Hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính bảng, tivi.

Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời giúp cho mắt nhìn xa và được thư giãn.

Bảo vệ mắt tránh chấn thương: Các chấn thương mắt có thể gây ra nhược thị nếu không được điều trị kịp thời. Cha mẹ nên đảm bảo trẻ đeo kính bảo hộ khi tham gia các hoạt động có nguy cơ gây chấn thương mắt (chơi thể thao, đi xe đạp, v.v.).

Nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần. Bác sĩ khuyên nên kiểm tra mắt cho trẻ lần đầu khi 6 tháng tuổi, sau đó là khi trẻ 3 tuổi và trước khi bắt đầu đi học. Đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm các vấn đề về mắt, bao gồm cả nhược thị. Việc phát hiện và can thiệp sớm là rất quan trọng trong ngăn ngừa hậu quả của chứng nhược thị.

Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Tiếp xúc nhiều với màn hình điện thoại, máy tính bảng, tivi… ảnh hưởng không tốt tới mắt.

4. Điều trị nhược thị

4.1. Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh

Phương pháp điều trị nhược thị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thời điểm can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi của mắt nhược thị càng cao.

Điều trị lác: Đối với nhược thị do lác, cần cân nhắc đến việc điều trị lác thông qua các biện pháp can thiệp để căn chỉnh lại mắt. Tuy nhiên, chỉ riêng việc điều trị lác khó có thể phục hồi hoàn toàn nhược thị.

Điều trị tật khúc xạ: Nhược thị khúc xạ thường đáp ứng tốt với điều trị. Sử dụng kính để điều chỉnh tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) nếu có, giúp hình ảnh rõ nét hơn và cải thiện thị lực.

Điều trị thiếu hụt thị lực: Bao gồm các can thiệp như phẫu thuật đục thủy tinh thể, sửa chữa bong võng mạc, phẫu thuật giác mạc hoặc điều trị các bệnh lý về mắt khác.

Nhược thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 4.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về thị giác, cần đưa trẻ đi khám sớm.

4.2. Thực hiện các phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị nhược thị

Các phương pháp tập luyện tập trung vào việc cho trẻ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn nhằm mục đích cải thiện và tăng cường kết nối giữa não và cả 2 mắt.

Che mắt: Che mắt là một phương pháp phổ biến trong điều trị nhược thị, nhằm kích thích hoạt động của mắt yếu. Việc đeo miếng che mắt ở bên mắt khỏe sẽ buộc não sử dụng mắt yếu hơn để nhìn vật, đồng thời tăng cường sức mạnh cho mắt yếu hơn.

Khuyến khích các hoạt động thị giác như đọc sách, xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử trong khi che có thể có lợi, vì nó buộc bệnh nhân phải sử dụng mắt bị nhược thị.

Sử dụng kính: Việc đeo kính hoặc kính sẽ giúp điều chỉnh thị lực, tạo điều kiện cho mắt yếu hoạt động tốt hơn. Thị lực được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho não điều tiết đều cả hai mắt. Trẻ có thể cần đeo kính và phối hợp các phương pháp điều trị khác.

Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt (thường là atropine) sẽ được các bác sĩ nhỏ vào mắt khỏe hơn để tạm thời làm cho mắt đó bị mờ, khiến trẻ sử dụng mắt yếu hơn để nhìn.

Phương pháp điều trị này được dùng dưới dạng nhỏ một giọt mỗi ngày, có thể thuận tiện hơn so với việc sử dụng miếng che mắt kéo dài. 

Phẫu thuật: Trong trường hợp nhược thị do các vấn đề về cấu trúc mắt gây ra (ví dụ: lác mắt, sụp mí), phẫu thuật có thể được chỉ định.

Hầu hết trẻ bị nhược thị cần điều trị ít nhất vài tháng. Cho dù áp dụng phương pháp nào, hãy khuyến khích và nhắc nhở trẻ thường xuyên, không bỏ bê luyện tập để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Tóm lại, nhược thị là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực một bên ở trẻ em. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng này có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của các khiếm khuyết thị lực vĩnh viễn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về thị giác.

BS. Nguyễn Đức Trung

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog