Võ Quang Phú Đức – Học sinh chuyên Toán trường Quốc Học Huế đã trở thành nhà vô địch mới của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2024. Chiến thắng đầy kịch tính, hấp dẫn đến phút cuối khi khoảng cách giữa 2 thí sinh nhất, nhì chỉ là 5 điểm.
Đức nhanh trí bấm chuông trả lời câu cuối cùng, mặc dù sai bị trừ 15 điểm, nhưng qua đó giành vòng nguyệt quế.
Theo dõi chương trình, hầu hết đều phải công nhận chiến thắng của Đức là thuyết phục. Trên báo điện tử VTV, đơn vị đồng tổ chức chương trình này cũng dành lời khen ngợi, cho rằng Phú Đức đã có một chiến lược thông minh.
Nhưng đáng ngạc nhiên, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện vài ý kiến trái chiều, với những lời lẽ xấu xí không dựa trên sự góp ý mang tính chất xây dựng.
Một tài khoản mạng xã hội tự giới thiệu là “bác sĩ” thậm chí còn có những ngôn từ đầy đả kích, quy chụp. Không chỉ nhắm vào riêng Phú Đức, họ còn nhân danh “quan điểm cá nhân” để công kích cả người Huế và ngôi trường Quốc Học Huế – nơi đào tạo bao nhiêu danh nhân quốc gia.
Người này cho rằng, Phú Đức dùng “tiểu xảo”, như vậy là “hỏng rồi”.
Để chiến thắng thì “chiến trường” nào cũng cần bản lĩnh, trí tuệ
Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi. Mà trong mỗi cuộc thi phân định thắng thua, người ta sẽ phải vận dụng kiến thức, năng lực, cả khả năng ứng biến để có kết quả tốt nhất.
Phú Đức biết rõ thế trận lúc đó: Em hơn đối thủ 20 điểm, một khoảng cách khá mong manh. Sẽ có 2 con đường: Hoặc trả lời đúng để bứt phá điểm, hoặc chỉ cần nhanh tay, cho dù trả lời sai vẫn đứng nhất về điểm số. Phú Đức đã có sự tính toán tỉnh táo và thông minh, bởi đây là thế trận tương tự em đã trải qua trong kỳ thi Quý 3.
Và đừng quên cả 3 vòng thi Phú Đức đều quá xuất sắc. Em Khởi động được điểm tối đa. Em trả lời từ khoá Vượt chướng ngại vật khi chưa có hàng ngang nào được mở. Em Tăng tốc thành công. Từ 135 điểm “leo” lên tới 235 điểm, luôn giữ khoảng cách gần gấp đôi số điểm người thứ hai. Nếu Đức không thay đổi câu trả lời “cây bão táp” ở phần Về đích, kết quả chung cuộc đã được ấn định sớm hơn ngay từ vòng đầu, khi Đức giành được 275 điểm.
Những ai theo dõi hết chương trình (chứ không phải 5 phút cuối cùng của cuộc thi và cú “giật chuông” gây tranh cãi) đều dễ dàng nhận thấy Phú Đức có kiến thức sâu rộng, bản lĩnh xuất sắc, tâm lý vững vàng. Em đã gây ấn tượng mạnh xuyên suốt các phần thi, bỏ xa các bạn còn lại cho đến cho đến tận phần cuối, khi thí sinh thứ 2 có sự bứt phá ở phần Về đích.
Có thể thấy, trong vòng 20 giây suy nghĩ cho câu hỏi của Nhật Minh, Phú Đức đã định hình ra chiến thuật thi đấu của mình. Đây là một sự chuẩn bị, được toan tính có chủ đích, thể hiện sự nhạy bén, bình tĩnh, tự tin ở thời khắc quan trọng nhất cuộc chơi của nam sinh này.
Hành động bấm chuông giành quyền trả lời là cú “knock out” cuối cùng để bảo vệ thành quả vô cùng thông minh. Nó là cái kết cho cả hành trình xuất sắc, không phải là sự “ăn may” để leo lên đỉnh chiến thắng.
Vì vậy, có công bằng không khi nhiều người chỉ vin vào câu trả lời sai cuối cùng và cố tình xem như toàn bộ thành tích Phú Đức giành được trong suốt 4 vòng thi là vô nghĩa?
Hành động trong phạm vi luật cho phép thì không phải là “tiểu xảo” mà là chiến thuật
Điều quan trọng nhiều người chỉ trích có thể quên, đó là Phú Đức đã tuân thủ quy định, chấp nhận bị trừ điểm và sử dụng chiến lược của mình để tối đa hóa cơ hội chiến thắng. Đức cũng không phải là người đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia tận dụng quy định này.
Việc phán xét con người, tương lai của ai đó chỉ dựa trên một hành động hay áp đặt những định kiến tiêu cực chỉ thể hiện sự cay cú, nhằm thỏa mãn những cảm xúc tiêu cực cá nhân.
Chúng ta thường nói ngoài việc học cần bồi dưỡng thêm kỹ năng sống cho trẻ. Chiến thuật này chính là màn thể hiện kỹ năng sống xuất sắc. Thế thì hà cớ gì lại đi công kích 1 đứa trẻ khi em đã làm quá tốt từ việc học đến kĩ năng sống.
Giả sử Đức không bấm chuông mà bị đối thủ giành quyền và mất chức vô địch thì hẳn lại có những ý kiến phân tích, chê bai không biết tận dụng, không biết sử dụng chiến thuật. Chưa kể, với câu hỏi đó Đức cũng tính toán nghiêm chỉnh và có đáp án dù chưa đúng. Thí sinh đối thủ với Đức cũng không có động thái cho thấy sẽ có câu trả lời.
“Hỏng” không phải là người được cho là dùng “tiểu xảo”. “Hỏng” là khi đã mang danh người lớn, lại là tầng lớp trí thức, lại đi chà đạp lên vinh quang và chiến thắng của một cậu bé đáng tuổi con tuổi cháu của mình.
Là người lớn, bạn có thể góp ý, nêu quan điểm. Nhưng, muốn “dạy dỗ” trẻ con thì trước hết bản thân mình cần “lớn” trước đã.
Là người lớn, hãy hành xử như người trưởng thành!