“Tích tiểu thành đại” thường được người ta dùng trong việc tiết kiệm, tuy nhiên câu nói này cũng hoàn toàn đúng với… chuyện tiêu xài hoang phí. Nếu hàng ngày bạn cứ tốn nhiều tiền vào các khoản chi nhỏ, tưởng không tốn vào đâu nhưng đến cuối tháng sẽ thành một con số rất lớn.
Thực tế, có nhiều người trẻ vẫn rơi vào cái bẫy chi tiêu. Cho đến khi họ phát hiện bản thân đi làm vất vả nhưng quỹ tiết kiệm không được cải thiện thì lại phải tìm cách “thắt lưng buộc bụng” và từ bỏ những thói quen mua sắm hoang phí.
Chi quá tay cho tiền ăn uống
Với Nguyễn Chi (25 tuổi, Hà Nội), khoảng một năm trở lại đây, cô nàng chi rất nhiều tiền cho khoản ăn uống nơi công sở. Tính chất công việc bận rộn nên Nguyễn Chi không còn nhiều thời gian dành cho nấu nướng, nên hầu hết các bữa ăn đều được cô đặt mua sẵn.
Cô nàng chia sẻ, mỗi bữa cơm trưa văn phòng dao động từ 40-60 ngàn đồng. Như vậy mỗi tháng Nguyễn Chi sẽ tốn khoảng 1,5 triệu đồng cho tiền ăn trưa. Nếu tính thêm tiền ăn vặt cùng mọi người trên công ty và ăn ngoài cùng người thân, bạn bè thì cô nàng sẽ mất thêm 3 triệu/tháng. Ngoài ra, tiền ăn sáng của cô nàng là 1 triệu đồng/tháng. Như thế, mỗi tháng, cô nàng tính bản thân dành gần 6 triệu đồng cho chi phí ăn uống.
“Sau hơn một năm, mình nhận ra bản thân đã vung tay quá trán quá nhiều cho tiền ăn uống. Hầu như tháng nào, mình cũng tự dặn bản thân sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho khoản này, nhưng không tháng nào hoàn thành được mục tiêu.
Cũng vì thế, dù từ 1 năm trước, lương của mình có tăng hơn nhưng quỹ tiết kiệm hàng tháng không thay đổi. Có những ngày chi tiêu quá tay thì đến cuối tháng, mình lại sống trong hoang mang vì lo hụt chỗ này, thiếu chỗ kia”, cô nàng bộc bạch.
Mua sắm online phung phí
Tương tự Nguyễn Chi, Phương Anh (26 tuổi, Hà Nội) cũng gặp áp lực tài chính vì thường xuyên chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Thời gian gần đây, khi công ty thông báo làm ăn thua lỗ và cắt giảm nhân sự, cô nàng dù không nằm trong danh sách bị sa thải nhưng cũng đã quyết định cân nhắc hơn về thói quen chi tiêu của mình. Bởi cô nàng muốn chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất với quỹ tiết kiệm đủ để trang trải cho quãng thời gian có thể bị sa thải.
Cũng vì thế, Phương Anh thấy khá tiếc nuối khi nhớ về quãng thời gian từng mua sắm online quá nhiều. Cô bạn chia sẻ: “Mình khá thích mua sắm. Mình mua đồ không chỉ vì chúng cần thiết mà còn vì giải toả cảm xúc, thấy đẹp là mua về. Về riêng khoản mỹ phẩm, mình thường xem livestream và mua về nhiều đồ linh tinh. Về sau này, mình nhận ra bản thân không cần quá nhiều đồ trang điểm và mỹ phẩm để làm đẹp như thế.
Rất nhiều lần khi mình dọn ra, mình biết bản thân đã mua về nhiều món đồ mà chỉ sử dụng 1-2 lần, vừa phí tiền mà còn làm chật nhà. Mình rút kinh nghiệm là hạn chế mua đồ trực tuyến, mỗi tháng đặt ra ngân sách bao nhiêu tiền để mua đồ theo từng hạng mục như quần áo và mỹ phẩm. Sau đó, mình bắt bản thân phải hoàn toàn làm theo kế hoạch chi tiêu này”.
Tụ tập vui chơi cùng đồng nghiệp, bạn bè
Nhận định do mình còn độc thân và chưa có gia đình nên Thu Thuỷ (26 tuổi, TP.HCM) còn chưa lo lắng quá về gánh nặng tài chính. Cô nàng thích tụ tập cùng bạn bè, mỗi tháng thường tốn 1,2-1,5 triệu đồng/tháng cho tiền ăn uống, đi chơi cùng bạn. Bên cạnh đó, cô nàng còn hay cùng đồng nghiệp trong văn phòng đặt nước uống và mua đồ trên các nền tảng mạng xã hội, nên tốn thêm 2 triệu đồng/tháng.
Thu Thuỷ từng thấy thói quen chi tiêu này mang lại cho mình rất nhiều niềm vui. Tuy nhiên, trong thời điểm làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra khắp nơi, cô nghĩ bản thân cần thay đổi nếu không muốn rơi vào cảnh “cháy túi”.
Cô nàng cho biết: “Trước kia, mình là người khó từ chối các lời mời rủ rê tụ tập cùng người khác, đặc biệt là với đồng nghiệp. Vì mình cho rằng đi ăn uống cũng là dịp để giao lưu và làm quen với mọi người.
Mình từng dành đến 30% thu nhập cho những cuộc giao lưu như vậy. Nhưng lâu dần, mình cảm thấy số tiền này là quá lớn. Vì sau các cuộc giao lưu, mình chỉ thấy tiền ít đi chứ kỹ năng và mối quan hệ không được cải thiện quá nhiều. Mình không muốn bản thân bị mất thời gian và tiền bạc cho những thứ không xứng đáng. Ngoài ra, nếu mình muốn duy trì mối quan hệ với mọi người thì cũng không cần thiết phải đến những nơi đắt tiền như trước nữa, mà có thể ăn uống bình dân để cùng nhau tiết kiệm được nhiều hơn”.
Thay đổi thói quen chi tiêu
Đối với Thu Thuỷ, giờ đây cô đã lập ra ngân sách cụ thể cho những cuộc vui cùng đồng nghiệp, bạn bè, đó là không bao giờ vượt quá 10% tiền lương hàng tháng. Bên cạnh đó, không chỉ là khoản ăn uống, mà nhiều khoản chi khác như tiền mua mỹ phẩm, đi du lịch,… cũng được cô bạn cắt giảm. Số tiền tiết kiệm sẽ được cô dùng để chi tiêu cho các dự định về công việc trong tương lai, hoặc dự trù nếu bản thân bị thất nghiệp.
Còn với Nguyễn Chi, sau hơn 1 năm tiêu xài hoang phí, cô nàng đã cắt ngay một khoản cố định từ tiền lương hàng tháng để bỏ vào tài khoản tiết kiệm trên app ngân hàng. Cô chia sẻ: “Tiền tiết kiệm hàng tháng của mình vẫn không nhiều đâu. Nhưng mình dự định sẽ gộp chúng vào tiền thưởng Tết để cuối năm có 1 chuyến du lịch nhỏ, hoặc biếu bố mẹ chứ không đi ‘tay không’ về nhà như năm ngoái”.
Nguyễn Chi cũng chia sẻ việc phải chi tiêu tiết kiệm khiến cô khá chật vật trong thời gian đầu nhưng khi đã quá quen với lối sống này thì bản thân lại thấy thoải mái. “Mình thấy việc cắt giảm chi tiêu giúp mình không tiêu tiền linh tinh, không chỉ tạo giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo trải nghiệm cá nhân, nếu bạn đã quen sống xa hoa thì lúc phải tiết kiệm lại sẽ cảm thấy hơi khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn thấy quỹ tiết kiệm cứ tăng dần lên sẽ cảm thấy đó là một thành tựu đáng tự hào, cũng như tạo cảm giác an tâm hơn nếu có tình huống nào không hay xảy ra”, cô nàng bày tỏ.