Một trong những hình ảnh viral nhất mùa hè vừa rồi của làng giải trí Việt Nam, chính là khoảnh khắc SOOBIN đứng trên sân khấu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, mặc một chiếc áo tứ thân, đầu đội mấn, gương mặt say mê và chăm chú dồn sự tập trung vào chiếc đàn bầu phía dưới. Tiết mục Trống Cơm của team gồm NSND Tự Long/ SOOBIN và Cường Se7en, không chỉ là một trong những tiết mục được đánh giá cao nhất chương trình tính đến thời điểm này, mà cũng là một trong những tiết mục tạo ra một cơn bão định hình cho những sản phẩm đưa màu sắc văn hóa dân tộc vào nghệ thuật biểu diễn hiện đại. Chưa bao giờ, khán giả Việt Nam được thấy một làn điệu dân gian trở nên mãn nhãn và mãn nhĩ đến thế.
Văn hóa – với những nền nghệ thuật/ giải trí hàng đầu thế giới – không phải chỉ mang tính giáo dục, lưu trữ và chờ được “cúng cụ”, mà nó thật sự là một chất liệu màu mỡ để các nghệ sĩ khai thác và thử thách với sự sáng tạo của mình.
Việc thiếu vắng các sản phẩm nghệ thuật mang màu sắc dân gian ở thị trường Việt Nam không phải do khán giả Việt Nam không đón nhận. Năm 2020, giữa một rừng những sản phẩm âm nhạc hiện đại, Hoàng Thùy Linh vụt sáng trở lại sau một đêm thành sao hạng A nhờ sự táo bạo khi kết hợp văn hóa dân gian vào nhạc pop trong album Hoàng. Đây được coi là một trong những album tiên phong của Vpop trong việc khẳng định vị thế của những sản phẩm hiện đại lấy chất liệu văn hóa để sáng tạo. Sự thành công của nó cũng nói lên một sự thật: Khán giả Việt Nam đã chờ những sản phẩm như thế… từ lâu rồi. Sau Hoàng Thùy Linh, chúng ta có Phương Mỹ Chi mang đến cả một album Vũ trụ cò bay với chất liệu văn học Việt Nam luôn được bật trong các buổi văn nghệ trường, hay Hòa Minzy làm sống lại câu chuyện tình của Hoàng hậu Nam Phương và mới nhất là hóa thân vào vai Thị Màu trong sản phẩm đình đám cùng tên. Điểm chung của tất cả sản phẩm này? Chúng không chỉ chỉn chu mà còn thật sự là một cú hit được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Nhưng phải đến năm 2024, chúng ta mới thật sự chứng kiến một cuộc trỗi dậy rực rỡ của văn hóa dân gian trong làng giải trí. Chúng ta ra rạp xem Cám: Chuyện Chưa Kể không phải chỉ vì đây là một bộ phim kinh dị của Việt Nam, mà còn xem một tích truyện cổ được kể lại như thế nào bằng ngôn ngữ điện ảnh. Chúng ta về nhà bật Đi Giữa Trời Rực Rỡ để không chỉ phát cáu vì cuộc tình Pu Chải, mà còn để biết thêm một lát cắt về đời sống người dân tộc vùng cao, cũng như sẵn sàng tìm hiểu thêm những gì mà bộ phim chưa truyền tải hết trên màn ảnh. Chúng ta chuyển sang xem show truyền hình để và thấy hóa ra không chỉ có SOOBIN đánh đàn bầu trên nền nhạc EDM, mà còn thấy Binz ngâm nga khúc quan họ bằng tiếng Bắc khi đang đứng giữa khung cảnh đậm chất điện ảnh với những tấm mành đỏ buông thõng xuống sân khấu, xem Duy Khánh, Thiên Minh mặc áo lính kể lại câu chuyện người dân may áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến vào mùa đông năm 1946, hay ngắm nhìn BB Trần, Bùi Công Nam vui vẻ múa chén trên nền nhã nhạc cung đình Huế. Kết quả? Cám: Dị bản đã thu về doanh thu hơn 100 tỷ trong bối cảnh u ám của thị trường phim Việt mùa giữa năm. Đi Giữa Trời Rực Rỡ luôn đứng số 1 trong BXH những phim truyền hình hot nhất MXH Việt trong nhiều tuần. Còn các tiết mục mang màu sắc văn hóa, lịch sử của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai cũng đều nhân được sự chú ý và thảo luận sôi nổi của khán giả sau mỗi công diễn. Điều đó đến từ đẳng cấp và trình độ của nghệ sĩ đã đạt đến một độ chín nhất định, đến từ sự tất tay của các nhà sản xuất trong việc đầu tư, và quan trọng nhất, nó đến từ chính niềm tự hào với văn hóa đất nước của không chỉ người làm sáng tạo (nghệ sĩ), các doanh nhân (nhà đầu tư) và người tiêu thụ (khán giả).
Giây phút nghệ sĩ Tự Long đứng trên sân khấu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và xúc động nói: “Văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc” – đã thật sự tạo ra một làn sóng kiêu hãnh của khán giả Việt Nam trước kho tàng màu mỡ với 4000 năm lịch sử. Qua sự sáng tạo của người làm nghệ thuật, giới trẻ không chỉ hào hứng lao đầu vào đào sâu tìm hiểu về chèo, về rồng thời Lý, về đầu lân hay đầu nghê, về đời sống và các tập tục của người dân tộc – mà còn thật sự thấm thía vẻ đẹp và chiều sâu của văn hóa nước mình. Hóa ra, văn hóa có thể được nhào nặn để trở nên trẻ trung, lãng mạn và gần gũi đến thế.
Trong suốt nhiều năm, người Việt Nam nói với nhau câu chuyện làm thế nào để đưa văn hóa đất nước đến gần hơn với người trẻ, làm thế nào để người trẻ say mê tìm hiểu lịch sử 4000 năm, với những cuộc chiến hào hùng của cha ông từ thời Lý – Trần cho đến những chiến thắng vẻ vang thời kháng chiến chống Pháp – Mỹ? Làm thế nào để người trẻ yêu mến các làn điệu dân ca quan họ, rủ nhau đi xem rối nước cuối tuần hay mê đắm các tích chèo vì được thưởng ngoạn một loại hình nghệ thuật truyền thống tuyệt đẹp của đất nước? Trong suốt nhiều năm đó, người lớn chật vật đi… xây cầu nối với người trẻ. Sự khác biệt thế hệ, gout thưởng thức, những rào cản để hiểu nhu cầu và mong muốn của các độ tuổi khác nhau – khiến việc xây cầu trở nên khó khăn. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi trong vài năm gần đây, khi chính những người trẻ tìm cách xây cầu cho những người trẻ khác, rút ngắn con đường tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Kể câu chuyện của bề dày đất nước bằng chính ngôn ngữ của thế hệ mình.
Nhắc đến một nhóm bạn trẻ có khả năng khiến lịch sử trở nên hấp dẫn hơn giữa thời hiện đại, chắc chắn không thể quên những dấu ấn content độc đáo của Đội truyền thông của Nhà tù Hỏa Lò. Trên cái nền là vô số chất liệu lịch sử của di tích nhà tù Hỏa Lò, nhóm các bạn trẻ gen Z này đã kể lại những câu chuyện lịch sử tưởng như khô khan và cũ kỹ bằng ngôn ngữ của mạng xã hội, của người trẻ, của gen Z, của những xu hướng được update liên tục mỗi ngày. Mỗi nội dung được đăng tải trên fanpage Nhà tù Hỏa Lò là một lần công chúng phải ngạc nhiên về sự sáng tạo, thông minh và hóm hỉnh của các bạn trẻ làm công việc này. Và tất nhiên, đằng sau những nội dung viral thuộc hàng chấn động với những lượt thả tim, click share và lời khen, cư dân mạng lại có thêm một lần được “ôn bài” để hiểu thêm những câu chuyện lịch sử về một giai đoạn bi tráng của đất nước mình.
Quay trở lại mốc thời gian đầu năm 2024, một trong những khán giả đầu tiên đi xem Đào, Phở và Piano là một cô bé sinh năm 2000, có tên Ngô Quỳnh Giao và là chủ sở hữu một kênh Tiktok chia sẻ về lịch sử với nickname Giao Cùn. Ngay từ năm 2023, Giao Cùn đã đưa ra dự đoán đây sẽ là bộ phim về lịch sử hoành tráng nhất trong nhiều năm trở lại. Đến tháng 2/2024, Giao Cùn lại tiếp tục thông báo bộ phim đã ra mắt và có một video review trên trang Tiktok cá nhân. Ngay sau clip của Giao Cùn, bộ phim đã trở thành một cơn sốt phòng vé và trở thành một hiện tượng vô tiền khoáng hậu của mùa phim Tết. Dĩ nhiên, thành công đấy là sự cộng hưởng từ cơn khát phim lịch sử của người Việt Nam, nhưng nó cũng đến từ một đòn bẩy đúng lúc của một người trẻ yêu lịch sử và xây dựng cả một kênh nội dung xoay quanh lịch sử. Sau cơn sốt Đào, Phở và Piano, Giao Cùn trở thành một trong những KOL về kiến thức lịch sử được biết đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Cô gái trẻ có lối chia sẻ hóm hỉnh, nhẹ nhàng, phân tích từ những sự kiện lớn cho đến những khía cạnh nhỏ mà độc đáo của lịch sử, từ các điều khoản luật thời Lý, cho đến những điều đặc biệt của bộ áo Nhật Bình, thậm chí là… outfit của Thái giám thời xưa. Một video của Giao Cùn có thể lên đến 8-9 triệu view trên nền tảng TikTok. Không cần là một nghệ sĩ nổi tiếng, ngay cả một người trẻ yêu lịch sử cũng có thể kéo gần hơn khán giả đại chúng tới những kiến thức tưởng như khô khan của sách giáo khoa.
Ra đời vào năm 2020, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish, là một nhóm gồm 8 bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau ở Sài Gòn, nhưng có cùng chung một ấp ủ về việc đưa vẻ đẹp của nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn với khán giả trẻ. Vận dụng những lợi thế của người trẻ hiện đại, Hiếu Văn Ngư trở thành một cây cầu, một trạm trung chuyển những kiến thức và tinh hoa của văn hóa/ nghệ thuật Việt Nam trở nên gần gũi, dễ tiếp cận và thú vị hơn. Trong suốt 4 năm thành lập, nhóm đã thực hiện rất nhiều những buổi workshop, những khóa học nhập môn, những sự kiện thưởng thức nghệ thuật, talkshow… với nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn xoay quanh cái cốt lõi: Văn hóa dân tộc. Năm 2021, nhóm thực hiện chuỗi workshop Hát bội 101 nhằm mang đến những kiến thức cơ bản nhất của nghệ thuật hát bội. Năm 2024, nhóm kết hợp với các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Tp.HCM để tổ chức chuỗi talkshow kết hợp biểu diễn hát bội trong suốt mùa hè. Điều đặc biệt là khán giả trẻ lại là đối tượng chiếm phần lớn trong các chương trình talkshow về hát bội mà nhóm tổ chức. Điều này chứng tỏ, các bạn trẻ Việt Nam vẫn luôn khao khát được tìm hiểu và tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống, thứ các bạn cần chỉ đơn giản là những bàn tay đưa ra để dắt các bạn cùng khám phá hành trình ngược dòng quá khứ đầy màu sắc này. Đó là điều mà Hiếu Văn Ngư đang làm rất tuyệt vời.
Trái ngược với những lo lắng về việc người trẻ đang dần bỏ quên văn hóa và lịch sử đất nước, chính những người trẻ lại đang nỗ lực mỗi ngày để kho tàng ấy không bị mai một, và cũng chính những người trẻ khác cũng dang tay hào hứng đón nhận. Các bạn trẻ đã dần có thói quen đưa việc thưởng lãm nghệ thuật truyền thống và tìm hiểu lịch sử – vào một phần trong đời sống tinh thần. Các sự kiện văn hóa cuối tuần đông nghẹt, những buổi talkshow chia sẻ về nghệ thuật truyền thống luôn kín các bạn sinh viên, các chương trình lấy văn hóa dân gian làm chất liệu biểu diễn lúc nào cũng được các bạn trẻ hào hứng chia sẻ, thậm chí… bắt lỗi nếu thấy bất cứ sai sót nào diễn ra. Từ những cuộc “bắt lỗi” ấy, cả một cộng đồng lại chụm đầu vào nghiên cứu, tìm hiểu để tranh luận.
Sau nhiều năm vươn mình ra ngoài choáng ngợp chiêm ngưỡng những tinh hoa văn hóa của thế giới, giờ đây chúng ta bắt đầu nhìn ra xung quanh, ngoái lại đằng sau để khám phá, bao bọc và tôn vinh cội rễ của chính mình. Cả một lớp trầm tích dồi dào, màu mỡ của bốn nghìn năm đất nước trở thành một kho báu vĩ đại để người Việt có thể nâng niu trong niềm kiêu hãnh. Hóa ra, tình yêu và niềm tự hào “Việt Nam tôi đó” của gen Z vẫn luôn bập bùng trong tim, chờ những ngọn lửa khác cộng hưởng để cùng bùng cháy dạt dào như thế.
Nếu đến Hà Nội và đi dọc hồ Gươm, hẳn bạn sẽ đôi lần thấy những sạp nhỏ của những người nặn tò he dọc đường. Trên một chiếc hộp gỗ, những con tò he đủ màu được cắm vào que tre, lúc nào nhìn cũng như đang vẫy tay chào đám trẻ đang lướt qua phía trước. Có một dạo, nhưng người thợ thường nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình đang hot như Pikachu, Doraemon, hoặc thậm chí là Thủy thủ Mặt Trăng hay Elsa. Nhưng với tôi, tò he đẹp nhất vẫn là những tò he hình Thánh Gióng, hình các nàng tiên, bà chúa trong truyện cổ tích Việt Nam. Tôi thích hình ảnh của những sạp bán tò he dọc đường như thế. Những con tò he bé xíu, rực rỡ dưới ánh nắng như những hạt bụi màu kỳ diệu của văn hóa truyền thống vẫn đang lẩn quất trong sống hối hả hiện đại. Dòng người bước đi phía trước có thể lướt qua, nhưng chỉ cần chậm lại một chút, ngoái nhìn chăm chú hơn, hẳn vẫn sẽ thấy và thích thú ngắm nhìn những con tò he ấy như đang vẫy tay gửi đến mình một lời chào. Văn hóa truyền thống cũng thế. Vẫn luôn ở đó, khiêm nhường và lấp lánh như những con tò he nằm yên lặng nhường chỗ cho dòng chảy hối hả mỗi ngày của xu hướng mới, nhưng chỉ cần bạn để tâm ngoái nhìn, bạn vẫn sẽ thấy sự tồn tại của nó có một chỗ đứng thật trang trọng và đẹp đẽ trong trái tim.
Năm 2024, người trẻ Việt Nam đã học cách đi chậm hơn để ngắm nhìn văn hóa theo lăng kính của một thế hệ hiện đại. Nhưng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu, hành trình quay ngược lại chạm vào gốc rễ của chúng ta mới ở giai đoạn… khởi động. Với bề dày văn hóa truyền thống, những tập tục, những làng nghề, những loại hình nghệ thuật sâu sắc, những tác phẩm được truyền từ nghìn năm, tôi nóng lòng chờ đợi sự sáng tạo của các bạn trẻ sẽ tiếp nối những tinh hoa ấy để tạo ra những giá trị mới, những góc nhìn và những sản phẩm mới cho thời hiện đại. Năm nay chúng ta có Giao Cùn, có Hiếu Văn Ngư, có đội truyền thông nhà tù Hỏa Lò, có các sân khấu văn hóa của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, có Đi Giữa Trời Rực Rỡ… thì biết đâu năm sau, chúng ta sẽ có thêm một nhóm bạn trẻ yêu nghệ thuật chèo và tổ chức các workshop hàng tuần để người trẻ cùng đi xem chèo, cùng tìm hiểu về các tích chèo? Hay sẽ có thêm những buổi triển lãm về tuồng, về cải lương, về quan họ và hát bài chòi? Rồi sẽ thêm những bộ phim mà nhân vật chính là một diễn viên… múa rối nước? Hoặc một bộ phim lấy bối cảnh ở một làng nghề làm lồng đèn và diễn ra vào thời điểm Tết Trung thu? Rồi biết đâu, sẽ có thêm những sân khấu mà tranh dân gian Đông Hồ được sử dụng làm concept, hay những bài hát dân gian như Cò lả, Lý Ngựa Ô được các… rapper làm mới cũng là một ý tưởng không tồi.
Giống như một bước đệm, năm 2024 cho chúng ta thấy niềm tự hào khi nhắc đến văn hóa và lịch sử đất nước, tràn đầy sự hào hứng và niềm vui khi thấy các bạn trẻ đang cùng xắn tay vào kể câu chuyện của văn hóa, lịch sử bằng kiến thức, sự sáng tạo, theo ngôn ngữ và góc nhìn của thế hệ mình. Nhìn những điều tuyệt vời đang diễn ra, háo hức nghĩ đến tương lai thật gần, chỉ muốn thốt lên một câu thật thán phục: gen Z Việt Nam tôi đó!”