Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng hơn gấp đôi sau 10 năm
Tại buổi Hội thảo Quốc tế Dinh dưỡng người Việt (Lần II) – Dinh dưỡng Học đường tổ chức ngày 12/10 vừa qua, PGS.TS Trần Thanh Dương đã chỉ ra 4 gánh nặng dinh dưỡng Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm: Tình trạng thấp còi; tình trạng thừa cân, béo phì; thiếu vi chất dinh dưỡng và sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Nói riêng về thừa cân, béo phì: Tình trạng này ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020, tăng gấp đôi sau 10 năm, đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn.
Caption ảnh: PGS.TS Trần Thanh Dương chia sẻ về thực trạng dinh dưỡng người Việt
Theo báo cáo công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021-2022 do Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Thành Phố Hồ Chí Minh (HCDC) công bố, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường, cao hơn tỷ lệ béo phì toàn quốc (19%).
Tổ chức Unicef Việt Nam đưa ra lời cảnh báo, nếu không có bất kỳ hành động can thiệp nào, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì.
Thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực cả về sức khoẻ và kinh tế: Thứ nhất, trẻ thừa cân tăng nguy cơ bị các tác động tâm lý như kỳ thị, tự ti, trầm cảm và lo lắng. Thứ hai, trẻ thừa cân tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ tử vong sớm. Thứ ba, thừa cân ở trẻ em gây ra một gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai, cũng như thiệt hại về kinh tế.
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì đã được các chuyên gia “điểm mặt, gọi tên”. Theo đó, môi trường kinh tế làm cho nhiều gia đình tại Việt Nam phụ thuộc vào thực phẩm và đồ ăn vặt không lành mạnh, cho trẻ ăn thừa chất béo, chất đạm, nhiều đồ ngọt,…
Số liệu từ tổ chức Unicef Việt Nam cho thấy, 35% trẻ em (13-17 tuổi) uống nước ngọt có ga hơn 1 lần/ngày; 12% trẻ em (2-5 tuổi) ăn bánh kẹo mỗi ngày; 17% trẻ em (13-17 tuổi) ăn đồ ăn nhanh ít nhất 1 lần/tuần.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng đang hiểu sai về dinh dưỡng: Thừa cân thì nghĩ là bình thường, béo phì nghĩ là thừa cân, còn bình thường là suy dinh dưỡng.
Trong khi đó, tại nhiều trường học, bữa ăn bán trú vẫn còn đang trong tình trạng “no bụng” nhưng chưa cân bằng dinh dưỡng, tỷ lệ các chất. Không chỉ vậy còn thiếu chất xơ và các vitamin do khẩu phần ăn không có nhiều rau và trái cây.
Chị Hồng Ngọc, một phụ huynh có con học lớp 4 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi thường đăng ký bán trú ăn trưa luôn tại trường. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì trường cam kết đảm bảo, con đi học về nói no bụng nên tôi tin tưởng. Tuy nhiên hiện tại, tôi bắt đầu lo đến vấn đề dinh dưỡng”.
Theo chị Hồng Ngọc, nhiều bữa, dù đã có những món chính là thịt chiên xù, tôm rang nhưng món rau lại là khoai xào. Như vậy, cả bữa toàn dầu mỡ. Giống như chị Hồng Ngọc, chị Tường Vy, có con học lớp 3 tại huyện Hoài Đức cũng băn khoăn về vấn đề dinh dưỡng. Chị cho biết: “Có những tuần 3-4 bữa ăn gà rán. Sang tuần đổi thực đơn thì lại mấy ngày liền ăn cá rán. Đến khi ngủ dậy, ăn bữa phụ thì nhiều hôm ăn chè, theo lời con kể là khá ngọt. Dù bữa ăn có đầy đủ rau, canh nhưng theo tôi thực đơn chiên rán lặp đi lặp lại như thế là không ổn.”.
Bữa ăn bán trú của con được chị Tường Vy chia sẻ, với món gà rán nhiều khi được lặp đi lặp lại trong tuần. (Ảnh: NVCC)
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng béo phì, thừa cân chính là việc trẻ ăn những thực phẩm “bẩn” bày bán tràn lan tại các cổng trường. Có thể dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán đồ ăn nhanh cho học sinh như: Thịt xiên, cá viên, xúc xích nướng không rõ nguồn gốc… không được che đậy, bụi bặm, ruồi muỗi bu đầy với giá chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng/xiên.
Các chuyên gia sức khỏe cũng đưa ra lời cảnh báo: Ăn nhiều các loại đồ xiên chiên rán không chỉ khiến trẻ dễ dư thừa năng lượng, béo phì mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch…
Cuối cùng, một yếu tố nữa gây ra tình trạng thừa cân, béo phì chính là việc thiếu vận động thể chất. Số liệu từ Unicef Việt Nam cho thấy, 76% trẻ em (13-17 tuổi) hoạt động thể lực dưới 1 tiếng mỗi ngày. Trường học là nơi trẻ em dành phần lớn thời gian hàng ngày nhưng hiện tại một số trường không có sân chơi thể thao, thiếu các hoạt động thể chất.
Chia sẻ tại buổi Hội thảo Dinh dưỡng người Việt (Lần II) – Dinh dưỡng học đường, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác giáo dục thể chất và thể dục thể thao tại các trường học hiện còn nhiều khó khăn, bất cập nên chất lượng chưa cao.
Ngoài ra, hạn chế về số lượng giáo viên chuyên trách giáo dục thể chất, điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi; chương trình học chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao.
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề phát biểu trong buổi Hội thảo Dinh dưỡng người Việt (Lần II) – Dinh dưỡng học đường
Cần sớm có Luật Dinh dưỡng học đường để tác động từ nhiều khía cạnh
Trong buổi Hội thảo Dinh dưỡng người Việt (Lần II) – Dinh dưỡng học đường, các chuyên gia đều cho rằng: Cần sớm có Luật Dinh dưỡng học đường để giải quyết 4 gánh nặng dinh dưỡng, trong đó có tình trạng thừa cân, béo phì.
Luật Dinh dưỡng học đường sẽ tác động từ nhiều khía cạnh: Thứ nhất, Luật Dinh dưỡng học đường sẽ giúp trẻ có được bữa ăn chuẩn hóa, cân bằng chất dinh dưỡng theo từng lứa tuổi.
Thứ hai, xây dựng các chương trình giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em trong trường học thông qua việc đưa kỹ năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, giáo dục thể chất và các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thứ ba, việc có luật sẽ thúc đẩy các ban ngành cùng vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ được thực phẩm bẩn xung quanh trường học.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho hay, từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thí điểm mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: Học sinh, nhà trường và phụ huynh.
Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cũng cho rằng, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng nước ta chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đề xuất, Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, Bộ cần tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh với các chương, mục, khoản quy định về dinh dưỡng học đường. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, GS.TS. Lê Thị Hợp, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh”.
Còn theo PGS.TS Trần Thanh Dương: “Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em”.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi những giải pháp can thiệp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành, trong đó bao gồm sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách về dinh dưỡng.
Cũng theo PGS. TS Trần Thanh Dương, khi có luật điều chỉnh hành vi của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, cũng như sự tham gia của các Bộ ngành, UBND các cấp, sẽ kiểm soát được những thực phẩm bán xung quanh trường học.
Chính vì vậy, việc sớm có Luật Dinh dưỡng học đường là vô cùng cần thiết và cấp bách.