Việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 24 – 36 tháng như tự ăn, tự lau tay dần trở nên cần thiết trong giai đoạn đến trường. Vậy cha mẹ và giáo viên nên làm thế nào để giúp các con tự lập và tự tin trong các hoạt động hàng ngày?
Kỹ năng tự phục vụ của trẻ mầm non là gì?
Kỹ năng tự phục vụ là khả năng mà trẻ em phát triển để tự chăm sóc bản thân như ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân. Các bé mẫu giáo học được những kỹ năng này sẽ dần trở nên độc lập hơn. Đồng thời trở nên tự chủ và có nền tảng phát triển tinh thần lẫn thể chất sau này.
Tầm quan trọng của kỹ năng tự phục vụ với trẻ mầm non
Kỹ năng tự phục vụ là nền tảng quan trọng giúp trẻ mầm non tự tin, độc lập trong cuộc sống. Việc tự thực hiện các công việc đơn giản như ăn uống, mặc quần áo, rửa tay làm con biết cách chăm sóc bản thân và quản lý thời gian hiệu quả hơn. Chúng tạo ra thói quen tốt mà còn rèn luyện khả năng xử lý cũng như giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.
Thực hành tự phục vụ hàng ngày giúp các bé phát triển kỹ năng vận động tinh như mở nắp chai, sử dụng kéo, xếp đồ chơi đúng cách. Những kỹ năng này cần thiết không chỉ trong cuộc sống thường nhật mà còn trong hoạt động học tập và giải trí tại trường mẫu giáo. Các con học cách sắp xếp và tổ chức đồ dùng cá nhân để qua đó tạo dựng sự tự tin và độc lập khi làm việc nhóm.
Khi trẻ tự chủ hơn trong việc tự chăm sóc bản thân cũng là lúc mở rộng khả năng giao tiếp và hợp tác với bạn bè. Điều này tạo cơ hội để các bé học cách chia sẻ, lắng nghe và tương tác tích cực với người khác. Đồng thời kỹ năng này sẽ giúp trẻ dễ thích nghi với môi trường học tập mới cùng các tình huống xã hội khác.
Yếu tố phát triển kỹ năng tự phục vụ
Phát triển kỹ năng tự phục vụ là nền tảng giúp trẻ thực hiện các công việc đơn giản và cải thiện khả năng giao tiếp cùng tương tác với môi trường xung quanh. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng để phát triển kỹ năng này hiệu quả:
- Sử dụng bàn tay, ngón tay để tạo lực chống lại lực cản khi sử dụng đồ vật
- Di chuyển và sử dụng tay một cách có kiểm soát như khi ăn bằng dao
- Xử lý các kích thích cảm giác trong môi trường và cơ thể của bản thân
- Thao tác khéo léo với các dụng cụ như bút chì, kéo và dao
- Sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt nhu cầu, suy nghĩ và ý tưởng
- Lên kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ theo nhiều bước để đạt được kết quả
- Hiểu được ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp
- Thực hiện các thói quen đơn giản do người lớn chỉ đạo mà không phản ứng tiêu cực
Rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 24 – 36 tháng
Ở độ tuổi 24 – 36 tháng, trẻ bắt đầu phát triển mạnh tính độc lập cũng như tự tin. Đây là thời điểm quan trọng để rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, cho các bé học cách tự chăm sóc bản thân mình.
1. Mặc và cởi áo quần
Ban đầu, trẻ cần được hướng dẫn cách mặc đồ đơn giản như quần short, áo thun. Sau đó dần dần làm quen với những trang phục có nút, khóa kéo. Người lớn hãy kiên nhẫn và giúp các bé thực hiện từng bước và đừng ép buộc bé phải thay đồ khi không muốn. Việc mặc quần áo đúng cách sẽ giúp trẻ hình thành tính tự lập.
2. Tập đánh răng
Việc đánh răng là một kỹ năng tự phục vụ quan trọng giúp trẻ duy trì vệ sinh cá nhân. Cha mẹ cũng thầy cô có thể bắt đầu bằng việc dạy trẻ kỹ năng đánh răng và sau đó hỗ trợ bé vệ sinh kỹ lưỡng hơn. Đồng thời, cần nhắc nhở trẻ chỉ sử dụng một lượng kem đánh răng nhỏ (khoảng bằng hạt đậu) để tránh nuốt quá nhiều fluoride.
3. Thực hành đi vệ sinh
Giai đoạn này là thời điểm trẻ bắt đầu học cách đi vệ sinh một cách tự lập. Các bé từ 18 – 24 tháng có thể bắt đầu nhận ra khi nào cần đi vệ sinh. Lúc này người lớn có thể dạy con sử dụng bô và làm theo các bước huấn luyện đi vệ sinh. Đồng thời khuyến khích trẻ tự lau sau khi đi đại tiện.
4. Hình thành thói quen tự ăn
Một kỹ năng quan trọng trong việc tự phục vụ là khả năng tự ăn. Người lớn nên khuyến khích trẻ sử dụng muỗng, nĩa để ăn để qua đó bắt đầu làm quen với việc ăn uống độc lập. Cần chuẩn bị thức ăn phù hợp và chia nhỏ thành những miếng vừa ăn. Khi con đã làm quen thì có thể dạy thêm các kỹ năng như tự rót nước, sử dụng khăn ăn và dọn dẹp sau khi ăn.
5. Nhận biết đồ dùng cá nhân
Trẻ cần được học cách nhận biết đồ dùng cá nhân như cốc, bát, thìa, khăn ăn, ghế ngồi để từ đó hình thành thói quen sử dụng đồ đạc đúng cách và tự chăm sóc bản thân.
6. Dọn dẹp sau hoạt động
Rèn luyện cho trẻ thói quen tự dọn dẹp là một kỹ năng quan trọng để các con phát triển tính tự lập và ngăn nắp. Cha mẹ và thầy cô có thể bắt đầu từ việc dạy bé dọn đồ chơi vào đúng chỗ hoặc giúp đỡ trong việc thu dọn bát đĩa sau khi ăn.
7. Tự đi giày
Việc tự đi giày là một trong những bước quan trọng khi giúp trẻ học cách tự phục vụ. Phụ huynh, nhà trường nên hướng dẫn cho trẻ học cách đi giày có khóa Velcro hoặc giày xỏ, sau đó dần dần chỉ dạy cách đi giày có dây buộc.
Lưu ý khi giúp trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ
Kỹ năng tự phục vụ là một trong những nền tảng quan trọng giúp trẻ phát triển sự độc lập và tự tin. Muốn bé học được những kỹ năng này, người lớn cần tạo ra môi trường thuận lợi và khuyến khích qua từng bước một. Một số mẹo sau đây sẽ giúp cho trẻ làm quen và thành thạo các kỹ năng tự phục vụ trong cuộc sống:
- Chuẩn bị đồ dùng phù hợp, dễ sử dụng cho trẻ
- Đặt đồ dùng cá nhân của trẻ ở nơi dễ thấy và dễ lấy
- Tạo không gian an toàn cho trẻ khi thực hành các kỹ năng
- Người lớn cùng làm mẫu với trẻ trong các hoạt động hàng ngày
- Giải thích chi tiết và sử dụng lời nói đơn giản khi hướng dẫn các bé
- Khen ngợi mỗi khi trẻ hoàn thành một phần công việc
- Biến việc học thành trò chơi để tăng sự hứng thú của trẻ
- Tạo thói quen hàng ngày để trẻ làm quen dần với việc tự phục vụ
- Để trẻ học theo từng bước nhỏ, không vội vã chuyển sang bước mới
- Dạy các bé học thông qua các trò chơi đóng vai thay quần áo, ăn cơm
- Cho phép trẻ tham gia vào những công việc nhẹ trong gia đình
- Sử dụng công cụ hỗ trợ trực quan như nhãn dán khen thưởng để khuyến khích
- Cho trẻ đủ thời gian hoàn thành công việc mà không cảm thấy bị áp lực
Rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 24 – 36 tháng không chỉ giúp các bé học cách chăm sóc bản thân mà còn tạo cơ hội để con phát triển kỹ năng xã hội cần thiết. Khi trẻ mầm non tự làm được nhiều việc, các bé cũng cảm thấy tự hào và tự tin hơn trong môi trường học tập.
Có thể bạn quan tâm:
- Dạy trẻ kỹ năng đánh răng đúng cách cho trẻ mầm non
- 5 Cách dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi cha mẹ cần biết
- Nuôi con thời hiện đại – Kỹ năng ba mẹ cần trang bị
Nguồn tham khảo:
- https://www.ishcmc.com/news-and-blog/self-help-skills-of-preschoolers/
- https://www.babycenter.com/child/development/developmental-milestone-self-care-at-age-2_63974
- https://childdevelopment.com.au/areas-of-concern/self-care/self-care-skills/