Nếu cổ tử cung của phụ nữ mang thai ngắn có thể dẫn đến suy cổ tử cung và làm cổ tử cung giãn ra quá sớm. Điều này gây nguy cơ sảy thai, chuyển dạ và sinh non cũng như các biến chứng khác.
1. Cổ tử cung ngắn ảnh hưởng đến thai kỳ
Chiều dài cổ tử cung trong thời kỳ mang thai liên quan đến khả năng sinh non. Khi cổ tử cung ngắn bất thường dễ bị giãn ra và hạn chế bảo vệ thai nhi và thai phụ. Cổ tử cung ngắn là cổ tử cung có độ dài dưới 25mm (2,5cm) vào khoảng 20 tuần của thai kỳ. Cổ tử cung càng ngắn thì nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc vỡ ối xảy ra trước 37 tuần của thai kỳ càng cao.
Sinh non là một yếu tố rủi ro gây ra nhiều biến chứng, bao gồm thai chết lưu, trẻ nhẹ cân, chảy máu não và khuyết tật.
2. Chẩn đoán cổ tử cung ngắn
Trong những lần siêu âm đầu thai kỳ, bác sĩ thường đo chiều dài cổ tử cung, siêu âm qua ngả âm đạo bằng đầu dò để có được hình ảnh rõ ràng và chính xác hơn. Thai phụ có tiền sử chuyển dạ hoặc sinh non nên được kiểm tra chiều dài cổ tử cung định kỳ.
Nếu phát hiện phụ nữ mang thai có cổ tử cung ngắn, bác sĩ sẽ kiểm tra chiều dài bằng siêu âm qua âm đạo từ tuần 16 đến 20. Nếu thai phụ có tiền sử sinh non hoặc chẩn đoán cổ tử cung ngắn, sẽ bắt đầu kiểm tra sớm hơn. Nếu cổ tử cung dài dưới 25mm được cho là cổ tử cung ngắn.
3. Điều trị cổ tử cung ngắn
Thông thường có hai lựa chọn điều trị cho cổ tử cung ngắn:
3.1 Bổ sung progesterone
Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng progesterone để giảm nguy cơ sinh non. Thuốc dưới dạng viên được đặt trực tiếp vào âm đạo hay hậu môn hoặc tiêm thuốc tiêm.
3.2 Khâu vòng cổ tử cung
Khâu cổ tử cung là một kỹ thuật khác giúp ngăn ngừa chuyển dạ sinh non do cổ tử cung ngắn. Phương pháp điều trị này chỉ dùng cho thai phụ có cổ tử ngắn mang thai đơn. Khâu cổ tử cung thường được khuyến nghị nếu:
- Trước đó thai phụ từng sinh non hoặc sảy thai trong giai đoạn thứ hai của thai kỳ hoặc nếu cổ tử cung vẫn ngắn mặc dù đã sử dụng progesterone hàng ngày.
- Trường hợp cổ tử cung rất ngắn (dưới 10 mm).
4. Các yếu tố rủi ro khi cổ tử cung ngắn
Thai phụ có cổ tử cung ngắn có nhiều khả năng sinh con sớm hơn. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới. Trẻ sinh non dễ gặp các vấn đề sức khỏe lâu dài sau này trong cuộc sống. Do đó, tốt nhất nên chẩn đoán sớm cổ tử cung ngắn để có thể được điều trị và theo dõi, đồng thời thực hiện các bước để ngăn ngừa sinh non.
Theo Hiệp hội Y học Bà mẹ và Thai nhi Hoa Kỳ
Cổ tử cung ngắn làm tăng nguy cơ sinh non gấp sáu lần ở phụ nữ mang một thai và gấp tám lần ở phụ nữ mang thai đôi.
Cổ tử cung ngắn không có triệu chứng, tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy phụ nữ có thể có cổ tử cung ngắn như: đã từng sảy thai trong giai đoạn giữa thai kỳ, đã từng sinh non do chuyển dạ tự nhiên trước 37 tuần. Nhưng nếu là lần đầu tiên sinh con rất khó để nhận biết do đó, bác sĩ sẽ đo cổ tử cung trong những lần khám thai định kỳ.
Ngoài ra, thai phụ có thể có một số triệu chứng khi mang thai nếu bị suy cổ tử cung. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây của cổ tử cung như chuột rút bất thường, đau vùng chậu, chảy máu nhẹ , đau lưng, dịch tiết âm đạo thay đổi.
5. Khi nào đi khám bác sĩ?
Phụ nữ không biết chiều dài cổ tử cung của mình nếu không được bác sĩ thăm khám. Nếu đang mang thai, việc chẩn đoán cổ tử cung ngắn là rất quan trọng để có thể điều trị đúng cách.
Phụ nữ mang thai nếu được bác sĩ thông báo có cổ tử cung ngắn nên đi khám ngay lập tức nếu bị chảy máu từ âm đạo, có các triệu chứng chuyển dạ, chẳng hạn như các cơn co thắt, chất lỏng rò rỉ từ âm đạo, thai nhi ngừng cử động hoặc cử động ít thường xuyên hơn.
Điều trị cổ tử cung ngắn có hiệu quả nhất nếu bắt đầu trước 24 tuần của thai kỳ. Phụ nữ mang thai được điều trị này thường có thai và sinh nở không biến chứng.
Bên cạnh điều trị cổ tử cung ngăn ngừa sinh non hoặc sảy thai, thai phụ được chẩn đoán cổ tử cung ngắn nên lưu ý các hoạt động hàng ngày. Khi thai càng lớn thì chiều dài cổ tử cung càng ngắn, do đó thai phụ nên được nghỉ ngơi tại giường, không nên đi lại nhiều, không nên có bất cứ hoạt động nào như quan hệ tình dục hoặc hoạt động gắng sức, chỉ ngồi dậy nhẹ nhàng khi vệ sinh cá nhân và ăn. Nếu bác sĩ thấy nguy hiểm có thể cho thai phụ nhập viện để được theo dõi sát sao.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng chế độ ăn lành mạnh.
ThS. BS. Lê Quang Dương