Mới đây, một đoạn video đã được lan truyền trên MXH và thu hút rất nhiều sự chú ý. Sự việc xảy ra vào ngày 30/1 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). Một cậu bé 6 tuổi vào nhà vệ sinh nữ mà không đóng cửa. Một vị khách nữ trẻ vào sau phát hiện đã thắc mắc điều này nhưng lại bị mẹ của cậu bé xúc phạm.
Trong video có thể thấy rõ cảnh hai người phụ nữ đang tranh cãi, bên cạnh còn có một cậu bé. Mẹ của đứa trẻ nói: “Xin lỗi đi! Tôi không có yêu cầu nào khác. Xin lỗi con tôi và mong nó tha thứ. Nếu không, không ai ở đây được đi hết”.
Bà mẹ dắt con trai 6 tuổi vào toilet nữ nhưng khi bị một cô gái phản ứng, bà mẹ này lại mắng ngược cô gái và yêu cầu cô xin lỗi: “Xin lỗi đi! Tôi không có yêu cầu nào khác. Xin lỗi con tôi và mong nó tha thứ. Nếu không, không ai ở đây được đi hết”
Cô gái bức xúc nói đây là WC nữ, con trai không được vào nhưng ngay lập tức bị mẹ của cậu bé gạt phắt. Người này cho biết con mình còn rất nhỏ, mới 6 tuổi và hỏi ngược: “Ai nói trẻ con thì không được vào nhà vệ sinh nữ?“. Nhân viên gần đó đã tới can ngăn nhưng mẹ đứa trẻ không thể bình tĩnh lại mà tiếp tục hét lên: “Phải xin lỗi! Cô đã làm tổn thương con tôi, cô đã làm tổn thương trái tim của thằng bé, cô biết không?”.
Hậu sự việc, cô gái trong câu chuyện đã đăng tải lại clip cùng toàn bộ diễn biến lên trang cá nhân. Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ việc cô gái mở cửa một buồng vệ sinh thì phát hiện bên trong có một bé trai đang sử dụng, cửa không đóng. Cô cho biết, từ đầu đến cuối cô không hề bạo hành bé trai mà chỉ đặt nghi vấn về việc bé trai 6 tuổi vào nhà vệ sinh nữ không đóng cửa. Cô gái có nói với cậu bé: “Đây là nhà vệ sinh nữ. Con là con trai và con không thể vào nhà vệ sinh nữ được”. Nói xong, cô gái đi vào buồng bên cạnh.
Tuy nhiên, mẹ cậu bé đang sử dụng buồng kế bên đã lập tức xông ra và yêu cầu cô gái xin lỗi. Bố của cậu bé và một người phụ nữ khác được cho là dì của cậu bé cũng liên tục xỉ vả, mắng mỏ cô gái với rất nhiều lời lẽ khó nghe. Thậm chí, người bố còn cố đập chiếc điện thoại cô gái đang dùng để quay video. Phải đến tận khi cơ quan chức năng đến giải tán, cô gái mới được “thoát thân” và bắt vội một chuyến tàu để kịp về nhà.
Người mẹ cùng những người đi cùng liên tục xúc phạm cô gái bằng những lời lẽ khó nghe: “Cô không có tử cung, cô không đẻ được đúng không? Cô không có con nên cô mới không biết thương trẻ con”
“Tại sao cô lại to tiếng với thằng bé? Xin lỗi đi, nếu không thì hôm nay cô không xong với tôi đâu!”
Cô gái cho hay lúc đó cô rất sợ hãi và chết lặng. Vì chưa bao giờ bị mắng chửi xối xả như vậy nên cô hoàn toàn đơ ra và không thể đáp trả lời nào.
Sự việc sau khi được đăng tải lên MXH đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa. Cư dân mạng về cơ bản được chia thành hai phe. Một trong số đó đứng về phía người mẹ và cậu con trai. Một bộ phận netizen cho rằng bé trai chỉ vô tình vào toilet nữ chứ không có ác ý. Mặc dù lời của cô gái không có gì quá đáng nhưng vẫn khiến đứa trẻ khóc, vì vậy cô gái nên xin lỗi đứa bé.
Về phần mình, những người ủng hộ cô gái cho rằng người mẹ kia đã sai ngay từ đầu. Nếu một bé trai đã 6 tuổi không phải một đứa trẻ khiếm khuyết hay đặc biệt thì việc cho bé sử dụng nhà vệ sinh nữ là hết sức không nên. Hành động của cậu bé làm tổn thương cô gái và hành động của người mẹ sau đó càng làm tổn thương cô gái hơn.
Một vài bình luận của cư dân mạng:
– Có sai thì mẹ thằng bé sai thôi chứ thằng bé làm gì đâu mà nhiều người mắng cả nó. Cô gái này chưa gì đã đăng hết video lên mạng thế này cũng là vi phạm quyền riêng tư của người khác đấy.
– Trẻ con có biết gì đâu. Cứ có con đi sẽ hiểu, để con đi WC một mình cũng sợ lắm, nhỡ đâu bắt cóc các thứ nên con bé các mẹ thường phải cho đi cùng để tiện trông.
– Đến trường mẫu giáo cũng có WC cho nam và nữ riêng mà…
– Làm mẹ mà đụng tí nhăn nhó, la hét thế này thì làm sao mà dạy con được?
– Đứa trẻ 6 tuổi nói lớn thì không lớn nhưng nói nhỏ cũng không nhỏ nữa. Trẻ con bây giờ lớn rất nhanh. Một đứa bé 6 tuổi hoàn toàn hiểu được sự khác biệt giữa con trai và con gái. Hành động của người mẹ nếu còn duy trì sẽ rất gây hại cho sự phát triển của con.
– Điều kỳ lạ là bố của thằng bé cũng đi cùng mà tại sao không để anh ta đưa con đi WC mà phải để mẹ dắt vào WC nữ nhỉ?
– Trời ơi, con trai tôi 3 tuổi đã tự đi vệ sinh ở toilet nam và tôi phải đợi nó ở ngoài vì nó không cho tôi theo cùng. Nếu con bạn 6 tuổi rồi mà không thể tự đi vệ sinh ở toilet nam thì đó là do bố mẹ dạy con có vấn đề đó.
Đến thời điểm hiện tại, người mẹ trong đoạn video vẫn chưa có phản hồi.
Có nên cho bé trai sử dụng toilet nữ?
“Bé trai có được dùng toilet nữ không”, “Bé trai vào phòng thay đồ nữ thì sao?”, “Bé trai có nên vào nhà tắm nữ”… là những câu hỏi từng thu hút nhiều tranh luận. Thái độ của cư dân mạng mỗi lần về cơ bản phụ thuộc vào độ tuổi của bé trai và thái độ của cha mẹ, nếu tuổi càng nhỏ và cha mẹ càng thân thiện, nhiều người sẽ sẵn lòng bỏ qua. Nhưng nếu giống như vụ việc kể trên, cậu bé đã 6 tuổi và hai bậc phụ huynh cực kì nóng nảy, thích tự cho mình là trung tâm thì rất có thể tranh cãi sẽ nổ ra từ trên mạng đến ngoài đời.
Tại sao tuổi của bé trai được coi là một điểm quan trọng trong việc biện minh cho hành vi này? Bởi khi đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ bắt đầu có nhận thức về giới tính, tò mò về sự khác biệt về thể chất giữa những người khác giới tính và lứa tuổi, khám phá và học hỏi thông qua các cảm giác khác nhau. Một số bé trai đến tuổi đi học trong mắt mẹ của chúng vẫn là một đứa trẻ chưa phân biệt giới tính nhưng trong mắt những bé gái hoặc mẹ của các bé gái khác, chúng đã thuộc về phạm trù người khác giới. Việc để bé trai xuất hiện trong nhà vệ sinh hay phòng thay đồ, phòng tắm nữ sẽ gây phản cảm cho những người có mặt, đồng thời không có lợi cho việc hình thành quan niệm giới tính đúng đắn, lành mạnh trong quá trình trưởng thành của chúng.
3-6 tuổi là thời điểm quan trọng để khai sáng giáo dục giới tính cho trẻ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 42%-86% bé trai và bé gái ở độ tuổi 3-4 dần nhận ra “sự khác biệt giữa nam và nữ” và bắt đầu xác định mình là con trai hay con gái. Trẻ em không có những suy nghĩ không lành mạnh trong đầu, nhưng chúng sẽ dần tò mò hơn về khám phá giới tính, lúc này, việc bước vào những nơi công cộng, chẳng hạn như phòng tắm và nhà vệ sinh dành cho người khác giới, có thể mang lại sự kích thích và định hướng không đúng đắn cho trẻ.
Nhưng nhìn vào tình hình thực tế, có khá nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn không nhận ra điều này. Một phần lý do xuất phát từ việc nhiều bà mẹ không còn cách nào khác là phải đưa con trai mình vào nhà vệ sinh nữ, bởi vì các ông bố đang thiếu nghiêm túc trong việc nuôi dạy con cái trong gia đình. Hiếm khi nghe thấy một ông bố đưa con gái vào nhà vệ sinh nam phải không? Thứ nhất, phái nữ có xu hướng xấu hổ về tình dục hơn nam giới, và thứ hai, việc các ông bố nuôi con một mình tương đối hiếm.
Những xung đột tương tự xảy ra thường xuyên, nhưng trên thực tế, vấn đề không phải là nên bao dung trẻ em hay nên chỉ trích phụ huynh, mà là vấn đề thiếu các cơ sở và quy tắc công cộng. Luôn có những lời kêu gọi khuyến khích xây dựng “nhà vệ sinh thứ 3”, tất nhiên đây là giải pháp tốt nhất và tối ưu nhất.
Để đối phó với vấn đề này, nhiều quốc gia đã xây dựng các quy tắc ứng xử rõ ràng, chẳng hạn như giới hạn độ tuổi cho phép trẻ em vào nhà vệ sinh của người khác giới, hướng dẫn an toàn cho trẻ em đi vệ sinh một mình, quy tắc ứng xử cho cha mẹ hoặc những người khác đi cùng… Sử dụng các quy tắc để hạn chế hành vi, từ đó giảm bớt những xích mích không đáng có giữa mọi người, đồng thời hướng dẫn cha mẹ trau dồi nhận thức về giới tính cho con cái ngay từ khi còn nhỏ.
Việc xây dựng các quy tắc công cộng như vậy và quản lý chặt chẽ theo các quy tắc này có chi phí tương đối thấp và khả năng vận hành cao, không chỉ có thể thống nhất các tiêu chuẩn và giảm thiểu tranh chấp mà còn giữ gìn trật tự nơi công cộng tốt hơn và kêu gọi các bên chú ý đến lời nói và việc làm, tôn trọng lẫn nhau và tránh những cảnh chửi tục, chửi bậy nơi công cộng như vậy. Dù sao đi chăng nữa, để một cậu bé 6 tuổi chứng kiến cảnh mẹ mình mắng chửi và tranh cãi với người khác trong nhà vệ sinh nữ thực sự rất đáng lo ngại và đau lòng.
Tổng hợp