Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam

8 mins read
Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sĩ giáo dục, hiện đang công tác tại một trường học ở Hà Nội. Chị cũng có kinh nghiệm hơn 15 năm “giáo dục tại gia” bán thời gian cho hai con.

Cả 2 con của chị Liên hiện đều vừa học chương trình ở trường Việt Nam và vẫn học song song chương trình homeschool Acellus + text book Mỹ. Con trai lớn của chị hiện đã học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ, tháng 7 năm sau sẽ nhập học.

Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên

Chị Liên cho biết, nhiều phụ huynh thường hay hỏi chị, làm thế nào có thể cho con học lớp 11 có một bộ hồ sơ học thuật, hồ sơ nghề và ngoại khóa tốt để có thể apply du học và lấy được học bổng hoặc hỗ trợ tài chính tốt. Bà mẹ này cho rằng, phải chia nhỏ ra các giai đoạn với 3 mảng công việc đó.

1. Học thuật: Cần xem mức phấn đấu là bao nhiêu

Điểm trung bình học tập thường chỉ quan tâm từ lớp 9, do đó từ lớp 9 phải học hành tử tế và có kết quả điểm trung bình học tập càng cao càng tốt, ít nhất mức 8,5 trung bình môn. Trong đó, nếu con định học ngành liên quan đến môn nào thì môn đó nên đạt cao tầm 9,0. Tuy nhiên, do sức học mỗi bạn khác nhau nên lựa cơm gắp mắm, nếu không thể đạt 8,5 – 9,0 thì đạt 7,5 – 8,0 cũng ổn. Học chương trình Mỹ hay chương trình Việt Nam để lấy GPA thì đều được.

IELTS thì nên đạt 7,5 – 8,0. Nếu muốn đạt mức 7,5 – 8,0 ở hè lớp 11 thì lớp 9 cần đặt IELTS 6 – 7, và như vậy lớp 7 cần đạt B1 đến B1+ (Bài thi PET) và lớp 5 cần đạt ít nhất Flyer (A2). Để đạt kết quả này nên học tiếng Anh ngôn ngữ từ tầm 5 – 6 tuổi hoặc học chương trình Mỹ từ lớp 1 là có thể đạt được (các bạn đi theo TOEFL IBT thì chủ động chia nhỏ theo các mốc của TOEFL).

SAT thì khi đầu vào lớp 10 nên đạt tầm 1.100 thì học túc tắc 2 năm sẽ lên tầm 1.400 – 1.500 tùy sức học.

2. Hồ sơ nghề: Để con có 1 sự vững mạnh về nghề, nên làm các bước như sau

Từ 7 – 12 tuổi nên cho con đi trải nghiệm, đến các khu trải nghiệm nghề nghiệp như Kids city, đến thăm quan các làng nghề, làm thử sản phẩm, tham gia các lớp học ngoại khóa củng cố kỹ năng nền cho nghề như MC, vẽ, nhảy, tin học, CLB khoa học, thể thao bóng đá… Hoặc đọc các tài liệu cung cấp thông tin về nghề nghiệp. Trong môn học của Mỹ Language art, Science, Social studies đều có các bài chia sẻ về nghề nghiệp để cung cấp thông tin cho con về thế giới nghề nghiệp, nếu không học chương trình Mỹ thì phụ huynh và học sinh có thể tìm đọc trên youtube.

Từ 13 – 14 tuổi nên cho con đi thực tập các công việc đơn giản tại các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán ăn, trông trẻ em mùa hè để con trải nghiệm cuộc sống kết hợp với việc tìm hiểu kỹ hơn về bản thân như sở thích ưu điểm, nhược điểm của con. Con có thể ghi nhật ký sở thích (hàng ngày hoạt động nào làm con vui, kỹ năng nào con thấy con làm tốt thì hãy viết lại để con hiểu hơn về mình).

Bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ chi tiết lộ trình dạy con từ 7 tuổi để xin học bổng du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam - Ảnh 2.

Các con chị Liên được trải nghiệm nhiều môi trường từ nhỏ.

14 – 17 tuổi nên học các khóa học về hướng nghiệp bài bản. Ở trong chương trình Mỹ có môn Career planning dạy hết về việc tìm hiểu bản thân, gia đình ra sao, tìm hiểu thị trường lao động, yêu cầu của các nhà tuyển dụng và thị trường đào tạo ngành nghề (đại học, cao đẳng). Từ đó giúp học sinh có thể có cái nhìn rộng hơn về tương lai nghề nghiệp, biết sử dụng công cụ để tự hỗ trợ cho bản thân trong quá trình định hướng nghề cũng như tìm thông tin, kết nối người đi trước. Sau đó có thể đi làm việc thử ở các công ty để thực tập để thực sự hiểu về nghề nghiệp mình muốn làm.

17 – 18 tuổi tuổi bắt đầu chuẩn bị profile nghề nghiệp như các dự án đang làm, các minh chứng mình đã tìm hiểu nghề như thế nào, nhất là ngành nghệ thuật và thời trang, thiết kế thì có thể sẽ phải lập một trang web riêng, một bộ hồ sơ nghề điện tử để gửi các trường.

3. Hoạt động ngoại khóa

Từ 7 – 12 tuổi thì ở vai trò tham gia các hoạt động ngoại khóa như học sinh tồn, các lớp học năng khiếu, các sự kiện văn nghệ trường, tham gia đi từ thiện với phụ huynh.

Từ 13 – 15 tuổi là người tổ chức 1 phần hoạt động ngoại khóa như tham gia tổ chức sự kiện với vai trò MC, người tổ chức trò chơi cho một hoạt động của lớp, cùng gây quỹ thiện nguyện cho 1 hoạt động thiện nguyện, trồng rừng, tham gia các cuộc thi về bảo vệ môi trường, STEM, các giải đấu thể thao, Âm nhạc…

Từ 15 – 18 tuổi là người tổ chức một hoạt động có tính lớn như tham gia ban tổ chức 1 chuyến cắm trại cho lớp, cho khối, 1 sự kiện trường, 1 sự kiện từ thiện… Hoạt động sự kiện hay thiện nguyện đó có thể cần nhiều tháng để triển khai. Tham gia là leader cho các câu lạc bộ trong ngoài trường như CLB truyền thông, thể thao, hỗ trợ tâm lý học sinh… và cố gắng có chứng chỉ đi kèm các hoạt động này thì càng tốt.

Với lộ trình thế này, các phụ huynh chia nhỏ mỗi năm mình cần làm những gì, mỗi tháng cần làm gì và mỗi ngày cần làm gì. Cụ thể như nhà chị Liên sẽ sắp xếp chi tiết đến mức là mỗi ngày học bao nhiêu bài Acellus, làm bao nhiêu trang sách thêm với các mục tiêu đã đề ra.

Nhờ có mục tiêu rõ ràng trong tương lai, biết chia giai đoạn, biết lập kế hoạch năm, chia nhỏ thành kế hoạch tháng và kế hoạch ngày mà các con có thể đạt mục tiêu một cách nhẹ nhàng và không bị gấp gáp hay cập rập.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog