Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sĩ giáo dục, hiện đang công tác tại một trường học ở Hà Nội. Chị cũng có kinh nghiệm hơn 15 năm “giáo dục tại gia” bán thời gian cho hai con. Nhiều bí quyết được chị Liên chia sẻ không những giúp con đạt được điểm tiếng Anh cao, có thể theo đuổi các chương trình học quốc tế mà nhiều bạn học đồng hành cùng con chị cũng đạt thành tích tương tự.
Con trai lớn của chị Liên hiện đã học xong và có bằng THPT Mỹ online. Con trai thứ 2 của chị Liên từ năm lớp 6 đã tự mình lập một kênh Youtube để chia sẻ kiến thức với các bạn bằng tiếng Anh. Các clip các bé tự quay, tự dựng, tự nói, và thời gian để nghĩ ra một bài, làm thuyết trình hay nói chỉ mất độ 20 phút.
Theo chị Liên, thực tế trẻ nhỏ có thể làm quen với tiếng Anh và học song song 2-3 ngôn ngữ từ khi lọt lòng. Tuy nhiên, trường hợp dạy trước 3 tuổi thì phải có sự tương tác trực tiếp giữa người lớn và trẻ. Nghĩa là bố mẹ sử dụng tốt, thành thạo, phát âm chuẩn thì nên nói chuyện và giao tiếp trực tiếp với con.
Trước 3 tuổi thì trẻ không nên sử dụng bất kỳ 1 loại thiết bị công nghệ nào. Từ 3-6 tuổi thì có thể sử dụng nhưng không quá 60 phút 1 ngày. Với các gia đình mà phụ huynh chưa nói tốt tiếng Anh, phải sử dụng các công nghệ hỗ trợ thì cũng chỉ nên bắt đầu ít nhất từ năm 3 tuổi.
Sau đây là những chia sẻ của chị Liên về lộ trình học tiếng Anh cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi để chuẩn bị học các chương trình quốc tế:
1. Giai đoạn làm quen từ 3-4 tuổi
A – Tài liệu sử dụng:
– Học tiếng Anh qua các bài hát trên Youtube: Trẻ nhỏ ở độ tuổi này rất thích nghe các bài hát, các con xem có các nhân vật nhảy múa sẽ không chán, các chương trình Youtube phù hợp gồm: Super Simple Songs; Kidstv123… Có rất nhiều các kênh khác nhưng độ tuổi 3-4, con chưa thể nghe, tập trung và hiểu được các câu chuyện hay các bài hát dài.
– Học tiếng Anh qua bút chỉ: Phù hợp với các gia đình bố mẹ không rành tiếng Anh. Bộ bút chỉ gồm các quyển sách có hình ảnh, và chỉ cần chỉ bút vào thì bút sẽ phát âm. Có thể dùng để chơi với con mỗi ngày độ 30 phút và có các bài hát mà chỉ vào câu nào thì sẽ hát đoạn đó để hai mẹ con tập hát.
– Học tiếng Anh qua đồ vật thật và Flashcard tại nhà: Sau khi con đã học một số bài hát, chơi với bút chỉ thì các phụ huynh có thể chơi với con bằng cách đưa các đồ vật thật và hỏi con để con trả lời, cố gắng khuyến khích con nói theo câu chứ đừng chỉ nói theo từ. Chị Liên đã gặp rất nhiều học sinh được dạy nói theo từ và không sửa được dù con đã học tiếng Anh sau 2-3 năm.
Mẫu câu sử dụng:
1. What is this/that?
2. What colour is this?
3. How many?
4. Where is the… (tên đồ vật)? Không cần con trả lời mà chỉ cần con chỉ đúng vào vật đó hoặc chạy lại lấy ra cho cha mẹ là được.
B – Cách phối hợp các tài liệu
Thường 1 ngày chị Liên sẽ đan xen sử dụng cả 3 tài liệu trên để cho con khỏi chán.
C – Thời gian sử dụng
Youtube: 15 phút. Bút chỉ: Tầm 20 phút (chơi với bút không có tác hại nhưng nếu chơi lâu quá con sẽ chán). Chơi với con bằng các vật thật và trò chơi: Tối thiểu 20 phút/ngày (không hạn chế tối đa). Đổi hoạt động sau 5 phút 1 trò hoặc 7 phút 1 trò, trẻ tuổi này không tập trung được quá 7 phút cho 1 hoạt động.
2. Giai đoạn tập trung 4-5 tuổi bắt đầu với phần mềm và Youtube
A – Phần mềm sử dụng: Phụ huynh chỉ cần lựa chọn 1 phần mềm, không cần nhiều hơn. Một số phần mềm chẳng hạn như Monkey Junior; Duolingo; Moomin,…
“Hồi con bé mình cũng nghèo nên bản thân mình chỉ cho các con dùng thử các phần mềm nêu trên thôi, còn đến khi phải trả phí mình lại ngậm ngùi không đăng ký nữa. Mình mua các đĩa chương trình học tiếng Anh về bật lên cho con cùng học với mình. Các bộ đĩa mà mình đã mua cho con học như sau: Leapfrog, DVD Brainy Baby, DVD Baby Einstein, VCD Singing all together, DVD Nursery Rhymes”, chị Liên chia sẻ.
– Youtube: Ở giai đoạn này các con đã có thể học các chương trình phức tạp hơn, thường chị Liên sẽ cho con xem 1 bài hát + 1 câu chuyện, tổng thời gian xem là 15 phút/ngày. Có thể xem các bài hát dài và khó của Dream English; xem Reading Raz-kids (phần mềm học tiếng Anh dựa trên việc đọc sách của trẻ) level aa; tìm các câu chuyện 2-4 phút là phù hợp với con, mỗi tuần xem 1 truyện đi lại cho con học nói theo mẫu câu trong truyện.
B – Cách phối hợp các tài liệu và thời gian sử dụng
Thường 1 ngày chị Liên sẽ đan xen như 15 phút các ứng dụng + 15 phút Youtube + 15 phút tương tác với phụ huynh. Bên cạnh đó sẽ có 1 tuần 1 buổi 60 phút tương tác với giáo viên nước ngoài.
3. Giai đoạn tăng tốc và chuẩn bị cho việc vào tiểu học
A – Học qua phần mềm tương tự giai đoạn 2. Với phần mềm học tiếng Anh dựa trên việc đọc sách, lưu ý không đọc nhiều quyển cùng 1 lúc để lấy điểm, mà đọc thật sâu 1 quyển cho thật nhớ. Đi chậm mà chắc tốt hơn đi nhanh và ào ào. Mỗi ngày chỉ nên dành cho phần mềm đọc sách 10-30 phút. Cách học hiệu quả như sau:
Bước 1 – Ngày 1: Cho con đọc đủ 3 nút nghe, đọc bằng mắt kết hợp ghi âm và trả lời câu hỏi, bước này là bước đọc vỡ. Chỉ chạy theo máy, hoàn toàn không cần tra từ điển hay biết nghĩa gì cả.
Bước 2 – Ngày 2-3: Cho con nghe và đọc lại bằng mắt câu chuyện, từ nào không biết nghĩa, không đoán ra nghĩa có thể tra từ điển với các bố mẹ không biết tiếng Anh. Bố mẹ biết tiếng Anh có thể mô phỏng, giải thích cho con hiểu nghĩa từ đó bằng tiếng Anh. Bước này diễn ra lặp đi lặp lại 2 ngày.
Bước 3 – Ngày 4: Cho con nghe và chép lại truyện mà không cần nhìn tranh.
Bước 4 – Ngày 5: Con vẽ lại sơ đồ tư duy và tự trình bày lại bằng miệng, mẹ có thể quay lại để con học thật sâu.
Nếu như đọc 1 quyển quá nhiều lần làm con chán thì mẹ có thể cho đọc 1 quyển thật sâu đủ 4 bước, 2 quyển còn lại đọc nhanh bước 1 và 2. Nhưng nhất quyết phải làm thật sâu 1 quyển và lướt 2 quyển. Sau khi thấy con làm tốt 1 quyển ở cả 4 bước và làm rất nhanh thì có thể khai thác 1 tuần độ 3-4 quyển. Cũng không nên làm quá 5 quyển 1 tuần.
B – Cách phối hợp các tài liệu và thời gian sử dụng
Mỗi ngày phối hợp các tài liệu như sau (có thể học liền hoặc đan xen vào các hoạt động trong ngày): Học phần mềm 20 phút. Youtube các câu chuyện dài: 15 phút. Phần mềm đọc sách: Mỗi ngày 1 truyện + 1 phần hoạt động đọc sâu: 15 phút. Bên cạnh đó sẽ có 1 tuần 1-2 buổi 60 phút tương tác với giáo viên nước ngoài.
Phiếu bài: 10 phút (tô chữ cái, làm các phiếu đơn giản như nối hình với các chữ đơn giản, phiếu critical thinking (tư duy phản biện) cho trẻ mầm non, 1 số phiếu cắt dán khoa học…). Thường nên cho con đi học tại các lớp có giáo viên để giáo viên chọn phiếu cho phù hợp.
Lưu ý:
– Tài liệu bây giờ rất sẵn có, thậm chí có nhiều tài liệu, phần mềm không mất phí, nhưng điều tiên quyết để học tiếng Anh là sự đều đặn và kiên trì. Ngày nào con cũng phải học, chơi với tiếng Anh để duy trì sự tiếp xúc, mỗi ngày nên duy trì tổng thời lượng là 30 phút-60 phút.
– Trẻ độ tuổi này khi chơi với phần mềm, xem Youtube sẽ hứng thú, nhưng khi con chơi với phiếu bài, đọc sách tiếng Anh có thể con sẽ chán. Phụ huynh có thể thưởng sao đổi quà, sao có thể ghi lên bảng hoặc sao có thể làm các sổ tiết kiệm. Sao cho các con quà có thể là đồ chơi con thích. Có thể là các chuyến đi chơi, có thể là sách vở, bút, có thể là thời gian xem tivi…
– Một tuần có thể cho tương tác 5 buổi, cho nghỉ từ 1-2 ngày hoàn toàn không động tới tiếng Anh để cho con có thời gian nghỉ ngơi.