Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH

14 mins read
Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH

Một người cha ở Trung Quốc có sáu người con. Ông không chỉ nuôi dạy sáu người con nên người mà còn giáo dục chúng trở thành những nhân tài của đất nước.

Sau này, 6 người con của ông, có 5 người là tiến sỹ, 1 người là thạc sỹ, còn ông được mệnh danh là “nhà ảo thuật tài ba”. Gia đình ông thậm chí còn nằm trong danh sách “100 gia đình toàn vẹn nhất Trung Quốc”. Ông là chuyên gia giáo dục gia đình, Thái Tiếu Vãn.

01

Thái Tiếu Vãn vốn không phải tên khai sinh của ông, đây là cái tên mà sau này ông tự đổi cho mình. Thái Tiếu Vãn sinh năm 1941, trong một gia đình tri thức. Cha của ông là một bác sỹ pháp y nổi tiếng tại địa phương.

Chịu ảnh hưởng từ gia đình, Thái Tiếu Vãn từ nhỏ đã thích đọc sách, vô cùng yêu thích nghiên cứu về vật lý. Đáng tiếc vì vấn đề giai cấp lúc bấy giờ, ông đã không được nhận vào trường cấp 3. Nhưng Thái Tiếu Vãn không vì vậy mà chán nản hay bỏ cuộc, ông tự mình học tập và thi đỗ được vào khoa Vật lý của Đại học Chiết Giang.

Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH - Ảnh 1.

Ông Thái Tiếu Vãn

Năm 1962, cha của Thái Tiếu Vãn lâm trọng bệnh, là con cả trong nhà, ông buộc phải thôi học, bỏ dở giấc mơ với môn vật lý, về quê gánh vác gia đình. Kế thừa sự nghiệp của cha, ông trở về quê bắt đầu sự nghiệp y học của mình.

Với nhiều người, bác sỹ là một công việc vừa danh giá vừa ổn định, nhưng với Thái Tiếu Vãn thì không, ông vẫn luôn ghi nhớ giấc mơ thời niên thiếu của mình: “Làm một nhà vật lý học, ra ngoài ngắm nhìn thế giới rộng lớn hơn.”

Việc con trai ra đời đã một lần nữa thắp lên ngọn lửa hi vọng với tương lai của ông. “Bản thân đã không thực hiện được ước mơ, tôi sẽ cố gắng giúp con cái thực hiện ước mơ của mình.” Cứ như vậy, ông đổi tên của mình thành “Tiếu Vãn”, có nghĩa là mỉm cười tự hào khi về già.

02

Ông cho rằng toán học có thể mở ra cánh cửa trí tuệ cho con cái hơn việc đọc thuộc thơ, vì vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, ông đã khéo léo truyền đạt cho chúng kiến thức toán học. Con trai cả Thái Thiên Văn không phụ kì vọng, từ nhỏ tư chất thông minh. Khi phát hiện ra con trai cả không những có thể nắm bắt được những kiến thức cơ bản, mà còn có thể tự học nhiều kiến thức từ bên ngoài, ông đã khuyến khích con nhảy lớp.

Năm Thái Thiên Văn học lớp 4, Thái Tiếu Vãn bất chấp mâu thuẫn với giáo viên, yêu cầu muốn con được lên thẳng lớp 6.

Có 2 nguyên nhân khiến ông làm vậy:

Thứ nhất là bởi ông thấy con trai có đủ năng lực để học kiến thức của cấp 2.

Thứ hai là muốn con tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, tương lai cũng có năng lực cạnh tranh hơn.

Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH - Ảnh 2.

Đại gia đình Thái Thiên Vãn

Trong ấn tượng của Thái Thiên Vãn, bản thân đã có tới 11 lần chuyển trường học. “Có một lần để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi, trường học cách nhà 3, 4 tiếng đi đò, ngồi thuyền cũng phải đổi 3 lần thuyền mới tới nơi.”

Dưới sự đốc thức của cha và nỗ lực của bản thân, Thái Thiên Văn đã thi đỗ nghiên cứu sinh của đại học giao thông Thượng Hải, sau đó làm việc trong một viện nghiên cứu tại Thượng Hải. Sau đó, với thành tích xuất sắc của mình, anh đến Đại học Cornell, Hoa Kỳ học tiến sĩ, và giảng dạy tại Đại học Pennsylvania sau khi tốt nghiệp.

Năm 2000, anh trở thành giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của trường. Thái Thiên Văn có thể đi đến ngày hôm nay là nhờ sự dạy dỗ của cha và cả những nỗ lực của chính mình. Nhưng đối với cha anh, Thái Tiếu Vãn, đó mới chỉ là khởi đầu.

03

Với kinh nghiệm giáo dục thành công cậu con trai cả, Thái Tiếu Vãn trở nên tự tin hơn rất nhiều trong việc nuôi dạy con cái. Con trai thứ hai, Thái Thiên Vũ, được nhận vào lớp thiếu niên của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở tuổi 14. Năm 19 tuổi, anh được nhận vào lớp tiến sĩ CASPEA tại Hoa Kỳ, và sau đó trở thành phó chủ tịch của Goldman Sachs.

Con trai thứ ba, Thái Thiên Tư, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và học tiến sỹ tại Đại học St. John ở Hoa Kỳ. Sau khi du học, anh chọn trở về Trung Quốc để khởi nghiệp.

Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH - Ảnh 3.

Các con của ông đều học hành giỏi giang, đỗ đạt

Người con trai thứ tư, Thái Thiên Nhuận, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học bang Arkansas, Hoa Kỳ, giống như người anh thứ ba, anh cũng chọn trở về Trung Quốc sau khi du học, hiện anh đã thành lập một bệnh viện tư nhân.

Con trai thứ năm Thái Thiên Quân, học thạc sĩ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hiện làm việc tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Cô con gái út Thái Thiên Tây, theo Thái Tiếu Vãn thì là đứa trẻ tài năng nhất trong số sáu người con.

9 tháng tuổi, Thái Thiên Tây đã có thể có những cuộc trò chuyện ngắn với bố mẹ.

Cô biết chữ khi mới 1 tuổi và có thể đọc thuộc lòng tất cả các số từ 1 đến 100 khi mới 3 tuổi, là một thiên tài nhỏ nổi tiếng trong thị trấn.

Năm 14 tuổi, cô đỗ vào lớp thiếu niên của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, năm 18 tuổi, cô thi đỗ tiến sỹ tại Học viện Công nghệ Massachusetts, sau khi tốt nghiệp, cô ở lại tại Harvard để giảng dạy. Ở tuổi 30, cô trở thành giáo sư chính thức tại Harvard.

Người ta nói rằng làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp. Sự thành công của các con cũng là sự khẳng định cho cái tên mà Thái Tiếu Vãn tự đổi cho mình: Cười tới sau cùng, cười rạng rỡ nhất!

04

Những năm tháng sau này của Thái Tiếu Vãn quả thực là những năm đáng tự hào. Sáu người con, năm tiến sỹ một thạc sỹ, bất luận là ở gia đình nào, đây cũng đều là chuyện đủ để khoe khoang cả đời.

Thành công của các con khiến ông bố già Thái Tiếu Vãn trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội. Vô số cư dân mạng muốn biết làm thế nào ông có thể dạy dỗ ra 6 người con tài năng như vậy.

Thái Tiếu Vãn đã tổng kết kinh nghiệm giáo dục của mình bằng “ba từ khóa” và “bốn điểm chính”.

Ba từ khóa đề cập đến giáo dục từ sớm, lập chí hướng từ khi còn nhỏ và tự học.

Học hành phải tranh thủ càng sớm càng tốt, học kiến thức và đạo lý càng sớm càng tốt, có chí hướng cho bản thân.

Bác sĩ sống ở nông thôn có 6 người con đều là nhân tài xuất chúng, bí quyết giáo dục gói trọn trong 3 TỪ KHOÁ, 4 ĐIỂM CHÍNH - Ảnh 4.

Ông cho rằng, trước khi học kiến thức, bài học đầu tiên ông dạy các con là làm người ngay thẳng, tử tế, độc lập

Có chí hướng thôi chưa đủ, Thái Tiếu Vãn tin rằng khả năng tự học là kỹ năng cơ bản quan trọng nhất của một tài năng kiệt xuất. Trong giai đoạn giáo dục bắt buộc, việc học chỉ có thể hoàn thành khi có sự thúc giục của giáo viên, con người giống như đàn cừu, tiến về phía trước mà không cần suy nghĩ. Nhưng trên đời này, những người có thể thực sự thành công thường không chạy theo đám đông. Họ có những suy nghĩ và kiến giải riêng, nhờ đó họ có thể nổi bật giữa đám đông.

Thái Tiếu Vãn nói: “Tôi không dạy từng bài học một cho chúng, mà nói với chúng đâu là thứ quan trọng, cần học trước, đâu là thứ thứ yếu, có thể học sau. Vì vậy, cả 6 người con của ông đều có khả năng tự học ngay từ nhỏ, khả năng này ngày càng thể hiện rõ hơn khi họ lớn lên.

Bốn điểm chính là dạy làm người, giáo dục hạnh phúc, yêu thương và giao tiếp.

Trước khi học kiến thức, bài học đầu tiên ông dạy các con là làm người ngay thẳng, tử tế, độc lập.

Theo quan điểm của Thái Tiếu Vãn, việc học mang tính bắt buộc sẽ không đem lại hứng thú hay sự yêu thích.

Thái Tiếu Vãn không để các con học một cách mù quáng. Cuộc sống nghèo khó không ngăn được quyết tâm ươm mầm nuôi dạy các con thành tài của ông. Ông sẽ tổ chức nhiều hoạt động thú vị tại nhà như tận dụng tấm ván đầu giường ở nhà làm bàn bóng bàn, tổ chức các cuộc thi học tập, đưa các con đi du lịch và khám phá thế giới… Ông luôn cố gắng để con cái tìm thấy niềm vui và sự hứng thú trong quá trình học tập. Sau cùng là tình yêu và sự giao tiếp. Theo quan điểm của Thái Tiếu Vãn, tình yêu cần được thể hiện và tình yêu cần sự giao tiếp một cách bình đẳng.

Khi một đứa trẻ muốn làm điều gì đó có thể không đúng với suy nghĩ của cha mẹ, với tư cách là người lớn, điều đầu tiên cần làm không phải là phản đối mà là ủng hộ. Tự trải nghiệm luôn là phương thức giáo dục hiệu quả nhất.

05

Sở dĩ Thái Tiếu Vãn thành công như vậy là vì ông coi giáo dục con cái là sự nghiệp cả đời của mình. Ông đã hy sinh gần như tất cả các hoạt động cá nhân để dành thời gian cho việc giáo dục con cái. Từng trang sách ố vàng trên giá sách, từng dòng ghi chú dày đặc trong sách giáo khoa đều thấm đẫm công sức miệt mài của người cha già. Đó là nguồn gốc của “ba từ khóa” và “bốn điểm chính” mà sau này ông đã tổng kết lại.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi trẻ có năng khiếu, tính cách khác nhau, và chúng cần được dạy sao cho phù hợp với năng khiếu, thay vì copy-paste cách dạy từ đứa trẻ này sang đứa trẻ khác. Mỗi một em bé là duy nhất, giống như không có hai chiếc lá giống hệt nhau trên thế giới.

Khi bạn thấy con cái nhà người ta rất ưu tú, đó nhất định là bởi cha mẹ của chúng đã dành ra rất nhiều tâm huyết cho em bé của mình. Giáo dục cần sự quan tâm và đồng hành của cha mẹ. Chỉ bằng cách này, một đứa trẻ có quan điểm sống lành mạnh, dẻo dai và xuất sắc mới được hình thành.

Nơi nào có ý chí nơi đó có đường đi.

Nỗ lực chăm chỉ sẽ được đền đáp.

Giáo dục nên một người con ngoan là sự nghiệp cả đời cần tới tâm huyết của mỗi bậc cha mẹ.

(Toutiao, Secret China)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog