Dấu hiệu khi trẻ bị sởi cha mẹ nên biết để cứu chữa kịp thời
Sởi là bệnh lý truyền nhiễm do virus sởi (Measles Virus) gây ra, có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng qua đường hô hấp và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây dịch. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, nhưng phổ biến hơn ở các đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi không được tiêm phòng với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu, chưa được hoàn thiện.
Bệnh sởi thường điển hình bởi các triệu chứng ở giai đoạn toàn phát như phát ban toàn thân từ sau tai, sau gáy lan dần lên trán, mặt, cổ, sau đó lan xuống khắp thân mình và cuối cùng là tứ chi. Kèm theo đó là các triệu chứng lâm sàng toàn thân khác như sốt cao, ho khan, viêm long đường hô hấp trên, đỏ mắt, viêm kết mạc, cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng và một số trường hợp xuất hiện tình trạng viêm thanh quản cấp.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, virus sởi nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận, rồi đi vào máu. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 8 – 11 ngày với các biểu hiện:
- Sốt nhẹ và vừa, sau đó sốt cao trên 39 – 40 độ C, cơn sốt không thuyên giảm bằng các cách hạ sốt thông thường, chỉ giảm khi trẻ bắt đầu phát ban.
- Viêm xuất tiết mũi, họng, mắt: Chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.
- Trong miệng có đốm Koplik (nội ban), gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng, ở phổi gây viêm phế quản, ho.
- Sưng hạch bạch huyết.
Giai đoạn khởi phát kéo dài 2 – 4 ngày với các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ như: Sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc hoặc viêm thanh quản cấp.
Ở giai đoạn toàn phát (mọc ban), trẻ phát ban khắp cơ thể, theo thứ tự: Đầu tiên là vùng đầu, mặt, cổ; sau đó lan xuống ngực, lưng, cánh tay, cuối cùng là vùng bụng, lưng, mông, đùi… Ban có thể mọc rải rác hoặc thành cụm dính liền với nhau thành vùng 3 – 6mm. Ban xuất hiện khoảng 6 ngày rồi lặn cũng theo thứ tự trên. Khi ban bắt đầu mọc ở toàn thân, trẻ sẽ sốt cao hơn, mệt hơn.
Giai đoạn lui bệnh (giai đoạn ban bay) thường bắt đầu vào ngày thứ 6 kể từ ngày mọc ban. Các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em toàn thân sẽ giảm dần và hết khi ban lan đến chân và dần lặn.
Khi nào đưa trẻ bị sởi đến cơ sở y tế?
Bệnh sởi ở trẻ có thể chuyển biến nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng hơn nêu không được điều trị đúng cách. Do đó, khi chăm sóc cho trẻ bị sởi, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên.
- Có biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở gấp.
- Mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, mất tập trung, không muốn chơi.
- Phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt.
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây ra rất nhiều chứng bệnh viêm nhiễm hệ thống thần kinh, gây rối loạn hệ cơ, hệ vận động và nhiều hệ cơ quan quan trọng khác trên khắp cơ thể. Những tổn thương đa cơ quan này có thể để lại nhiều di chứng kéo dài, thậm chí vĩnh viễn cho người bệnh, trong trường hợp bệnh diễn biến xấu, sởi có thể gây tử vong, đặc biệt phổ biến ở nhóm trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.
Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.
Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.
Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3 – 4 lần/ngày.
Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Trường hợp mắc bệnh sởi mới nhất là bệnh nhi T.N.U.N., nữ, sinh năm 2023, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Theo người nhà bệnh nhi, ngày 5/7/2024 bệnh nhi ở nhà xuất hiện các triệu chứng sốt, ho và có uống thuốc nhưng không nhớ loại thuốc. Đến ngày 10/7/2024 người nhà đưa bệnh nhi đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue ngày 5 có dấu hiệu cảnh báo viêm mũi họng, theo dõi tổn thương gan, theo dõi rối loạn đông máu.
Đến ngày 12/7/2024 bệnh nhi tiếp tục được điều trị tại bệnh viện với chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue. Cùng ngày kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với bệnh sởi.
Điều tra tiền sử tiêm chủng thì bệnh nhi chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Trước đó vào ngày 5/7/2024 cũng đã ghi nhận bệnh nhi N.T.Đ. (nam, 1 tuổi, trú tại xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) – ở đối diện nhà trường hợp mắc sởi và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Cán bộ y tế lấy mẫu huyết thanh trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi mắc sởi tại xã Ea Bhốk để làm xét nghiệm.
Theo TS. BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cả 2 bệnh nhi mắc sởi đều nhập viện trong tình trạng nặng, phát ban, thở mệt, khó thở, tím tái, sốt cao liên tục không hạ. Sau khi được chẩn đoán mắc sởi, các bệnh nhi đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đến sáng ngày 12/7/2024 bệnh nhi mắc sởi ở xã Đrây Bhăng đã được xuất viện. Riêng bệnh nhi T.N.U.N đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
BS. Nguyễn Văn Dũng