Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc hemoglobin (Hb) dưới mức bình thường so với lứa tuổi và giới tính. Tình trạng thiếu máu ở trẻ em rất phổ biến tại Việt Nam, một khảo sát gần đây của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho thấy có tới gần 50% trẻ em Việt Nam có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
Tuổi |
Hemoglobin (Hb) – g/dl | Hematocrite (Ht) – l/l |
6 tháng – 59 tháng |
11 | 0,33 |
6-11 tuổi |
11,5 | 0,34 |
12-14 tuổi | 12 | 0,36 |
Thiếu máu nặng khi Hb < 7 g/dl và thiếu máu rất nặng khi Hb < 4 g/dl
Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em. Ở đây chỉ liệt kê những nguyên nhân thường gặp:
Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu
Thiếu máu do thiếu sắt (thường gặp nhất), thiếu acid folic, thiếu vitamin B12… Cơ thể cần sắt để tạo hemoglobin, nếu chế độ ăn thiếu sắt sẽ gây thiếu máu thiếu sắt, uống sữa bò quá sớm cũng gây thiếu máu do lượng sắt trong sữa bò thấp.
Thiếu máu do mất máu
Các bệnh lý như xuất huyết tiêu hoá, chấn thương, xuất huyết não, chảy máu nội tạng, khớp trong các bệnh lý về máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh Hemophillia, giảm prothrombin… Các bệnh lý gây chảy máu mạn tính như: nhiễm giun, loét dạ dày-tá tràng…
Thiếu máu tan máu
Ở trẻ mới đẻ nguyên nhân là do bất đồng nhóm máu mẹ con; huyết tán bẩm sinh (Thalassemia, bệnh hồng cầu nhỏ, bệnh hồng cầu hình thoi…); huyết tán mắc phải: nhiễm khuẩn, ngộ độc thuốc, sốt rét…
Thiếu máu do các bệnh máu và giảm sinh tuỷ
Ung thư máu, suy tuỷ, ung thư di căn vào tuỷ…
Các bệnh khác
Suy thận mạn tính, thiểu năng giáp, các bệnh hệ thống, rối loạn tiêu hoá kéo dài, ngộ độc đặc biệt là ngộ độc chì…
Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu
Bệnh thiếu máu rất thường gặp ở trẻ em Việt Nam
- Da xanh, niêm mạc nhợt.
- Khó chịu.
- Yếu ớt, rất dễ mệt khi hoạt động so với các trẻ cùng lứa tuổi.
- Ăn kém, chậm lên cân, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Có thể mất máu đột ngột trong xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não, tan máu cấp, chấn thương (da xanh đột ngột, có thể ngã, mất máu nặng có thể nguy hiểm tính mạng) hoặc mất máu mạn tính (da xanh dần, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi tăng dần không muốn học tập, vui chơi): thiếu máu thiếu sắt, bệnh mạn tính…
Trẻ mất máu nặng có thể có các triệu chứng: Thở nhanh nông, tăng nhịp tim, lo lắng, kích thích vật vã hoặc li bì, hôn mê.
Bệnh lý gây tan máu có thể có vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt khi có tan máu cấp.
Khi có dấu hiệu của thiếu máu cần đưa trẻ đến khám bệnh để có thể xét nghiệm tìm căn nguyên thiếu máu để có thể điều trị chính xác và kịp thời.
Tuỳ từng nguyên nhân có biện pháp điều trị hợp lý:
Thiếu máu do thiếu sắt: bổ sung chế phẩm sắt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ, tăng cường thức ăn nhiều sắt như rau xanh, đậu, trứng, thịt. Tuy nhiên, phải theo dõi tránh lạm dụng gây ngộ độc sắt.
Điều trị các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa kéo dài và chảy máu mạn tính như nhiễm giun, loét dạ dày-tá tràng.
Điều trị các bệnh lý nội khoa gây mất máu, thiếu máu như: bệnh hệ thống, các bệnh máu, giảm sinh tuỷ, bệnh mạn tính…
Các trường hợp mất máu cấp phải bù ngay số lượng máu mất đồng thời khống chế nguyên nhân gây chảy máu như xuất huyết tiêu hoá phải nội soi cầm máu…
Phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt
Bổ sung sắt cho mẹ ngay từ khi mang thai
Đảm bảo cho trẻ được bú sữa mẹ, khi ăn dặm nên bổ sung đủ thức ăn thực vật và động vật.
Trẻ thiếu sữa mẹ, sử dụng sữa công thức nên bổ sung thêm chế phẩm sắt cho trẻ từ tháng thứ hai.
Đảm bảo chế độ ăn giàu sắt như trứng, đậu, khoai, cà chua, thịt.
Điều trị các bệnh mạn tính, phòng nhiễm giun sán.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai