Bí quyết tạo năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình

10 mins read
Bí quyết tạo năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình

Bí quyết tạo năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình - Ảnh 1.

Cuộc sống không chỉ có công việc và tiền bạc, mà hơn thế nữa đó là những tiếng cười trong gia đình

Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh cho rằng, năng lượng trong cơ thể của chúng ta là một hằng số, được biểu thị bằng tổng của năng lượng tiêu cực và năng lượng tích cực. Nếu bạn tập trung vào những điều tốt đẹp, luôn hướng về phía trước và biết suy nghĩ đến những người xung quanh thì trong tâm sẽ luôn an yên, nhẹ nhàng và vui vẻ.

Trong một gia đình cũng thế, nếu biết cách tạo ra năng lượng tích cực, đập tan những virus tiêu cực, bạn sẽ có một cuộc sống thư thái, lạc quan, lan tỏa cho nhau những giá trị tốt đẹp.

Ngược lại, nếu năng lượng tiêu cực nhiều hơn năng lượng tích cực, cuộc sống gia đình sẽ bị đảo lộn và bị bao trùm bởi sự u ám, soi xét và trách móc lẫn nhau.

Vì vậy, hãy học cách tạo ra năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình để xây dựng một mái ấm tràn ngập niềm vui, sự thấu hiểu và gắn kết.

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia tâm lý để tạo năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình bạn.

Sống chậm lại để gắn kết gia đình

Cuộc sống với những bon chen, xô bồ đôi khi đẩy chúng ta ra xa. Một công việc đáng mơ ước, hay những hợp đồng làm ăn tiền tỉ có thể đem đến một nguồn thu nhập ổn định nhưng lại vô tình khiến con người thiếu đi sự gắn kết và thấu hiểu. Đây cũng là nguồn cơn của những cãi vã, những giận hờn và trách móc khiến cho hôn nhân thêm phần nặng nề, không khí gia đình bị trùng xuống nếu không tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Đã đến lúc các thành viên trong gia đình cần sống chậm lại và dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Hãy nhớ rằng cuộc sống không chỉ có công việc và tiền bạc, mà hơn thế nữa đó là những tiếng cười trong gia đình, những giây phút ngồi quây quần bên mâm cơm và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ.

Những vitamin hạnh phúc có thể giúp bạn tránh được những suy nghĩ tiêu cực không đáng có như: vợ không hiểu chồng làm gì mà luôn vắng nhà, cha mẹ nghĩ rằng con cái chưa thực sự cố gắng trong học tập nên kết quả mới chưa tốt. Mọi nghi hoặc, ngờ vực và mâu thuẫn khiến cho đôi bên hiểu lầm nhau sẽ được gỡ rối nhờ những thông cảm và sẻ chia.

Biết ơn những điều nhỏ bé nhất

Bí quyết tạo năng lượng tích cực và hạnh phúc trong gia đình - Ảnh 2.

Hạnh phúc rất đơn giản, nó đến từ những trải nghiệm nhỏ nhất. Khi bạn chủ động thu nhặt những điều hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống, nhận ra được giá trị của những hạt cát trong sa mạc lớn, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh của sự tích cực. Cuộc sống của bạn sẽ lạc quan và tràn ngập màu hồng khi bạn hiểu đúng và vận dụng đúng sự biết ơn để tạo ra năng lượng tích cực.

Bạn đi làm với một bộ quần áo tươm tất và coi đó là điều đương nhiên, bạn sẽ không thấy được niềm hạnh phúc, thậm chí vô tình trở thành người lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm.

Ngược lại, khi nhìn vào khía cạnh tích cực, trang phục chỉn chu thể hiện sự chau chuốt của người vợ từ lúc giặt đồ, phơi đồ, đến việc dậy sớm là lượt tỉ mỉ những chiếc sơ mi, quần âu của bạn, bạn sẽ thầm cảm ơn, trân trọng và yêu vợ nhiều hơn. Đó là cách để khiến trái tim của bạn đập theo nhịp yêu thương, bởi vì biết rằng trên thế gian này còn có những người quan tâm bạn thật lòng.

Học cách bày tỏ tình yêu thương

Tình yêu là một gia vị không thể thiếu của cuộc sống, và việc bày tỏ yêu thương sẽ giúp tăng thêm hương vị ngọt ngào và khiến chúng ta mỉm cười mỗi ngày khi nghĩ tới. Dù người khác có nghĩ thế nào về bạn, có đánh giá thấp khả năng của bạn, nhưng bạn chắc chắn sẽ không bao giờ rơi vào vực sâu của tuyệt vọng và buồn chán. Bởi bạn biết rằng bên cạnh bạn luôn có tình thương yêu.

Vì thế, hãy luôn thể hiện rằng bạn trân trọng và yêu thương những người bên cạnh đến mức nào qua lời nói hoặc hành động. Để đối phương cảm nhận được sự chân thành của bạn, không nhất thiết phải nói những lời yêu đường mật, hay ngôn tình sến sẩm.

Đôi khi trong cuộc sống xô bồ mệt mỏi, chỉ cần một câu nói động viên: “Đừng lo, còn có anh ở bên!” thì chắc chắn những suy nghĩ tiêu cực sẽ được xua tan phần nào. Thay vào đó, những kỉ niệm tươi đẹp và sự vỗ về của người thân sẽ là nguồn năng lượng tích cực giúp bạn vượt qua những thách thức trên con đường mình đang đi.

Trao đi những thông điệp ý nghĩa

“Cho đi là nhận lại”. Nếu bạn biết cách truyền năng lượng tích cực, những liều thuốc tinh thần sẽ được lan tỏa, đồng thời niềm vui sẽ nhân lên khiến cho gia đình bạn tràn ngập sự hạnh phúc. Trao đi sẽ khiến cho tâm hồn chúng ta thanh thản và an nhiên, điều đó được thể hiện qua những tiếng cười và quả ngọt của tình yêu trong ngôi nhà thân thương của mình.

Chúng ta sống trong một xã hội với vô vàn mối quan hệ, với những người thân yêu ở bên cạnh. Nếu bạn chỉ đơn thuần nhận lại mà không cho đi, bạn sẽ vô tình trở thành một người vô cảm và chưa đóng góp tích cực trong mối quan hệ của mình.

Một cuộc sống không có sự sẻ chia sẻ như một chú ếch sống đơn độc một mình nơi đáy giếng: Không có sự san sẻ, đồng cảm và yêu thương. Ngược lại, biết cách chia sẻ những điều ý nghĩa sẽ làm cho bạn và các thành viên trong gia đình chia sẻ một hệ tư tưởng giống nhau, thấu hiểu nhau hơn và cùng nhau nhấm nháp dư vị ngọt ngào của hạnh phúc.

Đừng chỉ trích

Nhà triết gia người Mỹ, Benjamin Franklin đã từng chia sẻ rằng bí mật của sự thành công là đừng bao giờ chỉ trích người khác. Mức độ hạnh phúc trong một mối quan hệ cũng được quyết định nhờ việc bạn có biết cách đóng góp và khuyên bảo những thành viên trong gia đình không hay là chỉ biết chê trách và nhìn vào mặt xấu của họ

Thói quen của con người là luôn nhìn nhận vấn đề qua lăng kính loang lổ những vết tích của định kiến và soi xét khi chưa hiểu rõ vấn đề. Đơn giản là vì bạn chưa thực sự lắng nghe, thấu hiểu và đóng góp tích cực cho mối quan hệ. Sự chỉ trích sẽ khiến cho những cá nhân trong gia đình không hề cảm thấy dễ chịu và tạo nên phản ứng tiêu cực.

Sự cởi mở, sẵn sàng thay đổi và chấp nhận góp ý chỉ được hình thành khi trong gia đình bạn có “văn hóa đóng góp”. Mọi vấn đề nên được giải quyết dựa trên các ý kiến mang tính xây dựng và cùng hướng về những giá trị cốt lõi chung. Bởi lẽ những đóng góp tiêu cực sẽ chỉ làm chia rẽ nội bộ, đánh mất sự tôn trọng và sự kết nối giữa những thành viên trong gia đình.

Việc đưa ra quan điểm một cách chân thành, chỉ ra điểm tốt và điểm cần cải thiện kèm theo minh chứng cụ thể sẽ tốt hơn việc tấn công các thành viên với những câu nói cay nghiệt, trách móc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog