Trong phần lớn thời gian giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VFS ở quanh ngưỡng 28-29 USD, tương ứng giá trị vốn hóa của VinFast đạt khoảng 67 tỷ USD, gấp 3 lần so với dự tính ban đầu và vượt trên vốn hóa của nhiều tên tuổi ngành ô tô như Ford, General Motor…
Về cuối ngày, VinFast tăng tốc lên 37 USD/cp, tương ứng vốn hoá lên đến 85,5 tỷ USD.
Theo số liệu chúng tôi có được, sau khi sáp nhập với Black Spade Acquisition, tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của VinFast Auto là hơn 2,307 tỷ cổ phiếu. Trong đó, Vingroup sở hữu 51,36%, hai công ty đầu tư riêng thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) sở hữu 33,37% và Asian Star Trading & Investments Pte. Ltd sở hữu gần 15%. Còn lại một phần nhỏ thuộc về các cổ đông khác.
Cấu trúc sở hữu VinFast
Số lượng cổ phiếu của các cổ đông VinFast trước khi sáp nhập Black Spade Acquisition
Như vậy tổng cộng 2 công ty đầu tư của ông Vượng đang nắm giữ xấp xỉ 1.115 triệu cổ phiếu VFS, tương đương 48,33% cổ phần VinFast. Nếu tính gián tiếp qua 2 khoản đầu tư này thì khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới có thể tăng thêm 41 tỷ USD.
Phần lớn khối tài sản hiện hữu của ông Vượng cũng được tính gián tiếp thông qua VIG, cổ đông lớn nhất của Vingroup.
Cộng thêm khối tài sản hiện hữu thì giá trị tài sản của ông Vượng có thể lên đến gần 47 tỷ USD.
Khi đó, ông Vượng có thể đứng trong Top 30 người giàu nhất hành tinh và giàu thứ 4 châu Á, sau 2 tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, Gautam Adani và người giàu nhất Trung Quốc là Chung Thiểm Thiểm, chủ tập đoàn đồ uống Nongfu Spring và vượt lên trên Trương Nhất Minh – ông chủ Bytedance/Tiktok hiện có 45 tỷ USD.
Bài viết mới trên Bloomberg tính toán, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 39 tỷ USD, đạt 44,3 tỷ USD sau màn ra mắt ấn tượng của Vinfast trên sàn Nasdaq. Với con số này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ lọt top 30 trong danh sách tỷ phú của Bloomberg.
Tuy vậy đến 8h sáng 16/8, bảng xếp hạng thời gian thực của Bloomberg vẫn chưa “nhảy số”