Cách dạy con biết yêu thương, chia sẻ đơn giản tại nhà

15 mins read
Cách dạy con biết yêu thương, chia sẻ đơn giản tại nhà

Dạy con biết yêu thương là cách tốt nhất để xây dựng nên một thế hệ biết chia sẻ và biết quan tâm. Mỗi ngày, cha mẹ có thể truyền đạt cho bé từng bài học về lòng nhân ái. Để khi đó, trẻ dần tiếp thu và tự hình thành thói quen biết yêu thương và sẻ chia.

Tầm quan trọng của việc dạy con biết yêu thương

Dạy con biết yêu thương là trách nhiệm quan trọng của mỗi bậc cha mẹ và cả xã hội. Hình thành lòng nhân ái và sự thấu hiểu từ nhỏ giúp con sẽ có nền tảng tốt để xây dựng các mối quan hệ tích cực trong tương lai. Hơn nửa, yêu thương còn là kỹ năng sống để bé trở nên trưởng thành và biết quan tâm đến người khác.

dạy con biết yêu thương
Trẻ được dạy về tình yêu thương sẽ biết sẻ chia với mọi người

Khi trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và biết cách yêu thương người khác, cuộc sống của con dường như ý nghĩa hơn. Đồng thời:

  • Trẻ học được cách đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của người khác
  • Có thêm khả năng quản lý cảm xúc và giải quyết xung đột
  • Tăng kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ lâu dài với bạn bè, người thân
  • Xây dựng và phát triển tinh thần trách nhiệm cùng lòng trắc ẩn
  • Trẻ trở nên tự tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống
  • Xây dựng tốt nền tảng cho một cộng đồng biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau

Khi nào trẻ nên học cách chia sẻ?

Trẻ em học cách chia sẻ theo từng giai đoạn phát triển và mỗi độ tuổi lại có cách tiếp cận khác nhau để con hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sự sẻ chia và lòng nhân ái.

1. Từ 1 – 3 tuổi (Xây dựng nền tảng chia sẻ)

Ở giai đoạn đầu đời, trẻ bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh cũng là lúc cha mẹ giới thiệu khái niệm chia sẻ. Qua ngôn ngữ đơn giản, người lớn khuyến khích con chia sẻ đồ chơi hoặc đồ ăn. Hành động này giúp bé hiểu rằng việc chia sẻ mang lại cảm giác vui vẻ cho bản thân và người khác. Đặc biệt, trẻ ở tuổi này thích bắt chước nên phụ huynh cần làm gương để truyền đạt giá trị này.

dạy con biết yêu thương chia sẻ
Trẻ cần được dạy cách chia sẻ đồ chơi, thức ăn ngay từ khi còn nhỏ

Một nghiên cứu cho thấy trẻ bắt đầu chia sẻ một cách tự nhiên từ khoảng 18 tháng tuổi, khi sự tương tác xã hội của con cũng đang phát triển. Đây là cơ hội để cha mẹ khen ngợi nếu bé chủ động làm mà không cần nhắc nhở. Việc đó giúp con thấy được niềm vui của hành động này, đồng thời hình thành thói quen chia sẻ tự nhiên.

2. Giai đoạn 3 – 5 tuổi (Mở rộng kỹ năng)

Bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ em có nhiều cơ hội để chơi cùng các bạn đồng trang lứa, nhưng việc chia sẻ vẫn còn là một thử thách. Lúc này, cha mẹ và giáo viên cần đưa ra các quy tắc rõ ràng về việc chờ đợi và luân phiên sử dụng đồ chơi để con hiểu được tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và tôn trọng người khác. Đồng thời xây dựng nền tảng cho các kỹ năng xã hội khác.

Ngoài ra, việc tạo dựng môi trường khuyến khích hợp tác như đem đến đủ đồ chơi và đồ dùng cho tất cả các bạn trong lớp sẽ giúp trẻ thấy rằng chia sẻ là một phần tất yếu của cuộc sống chung. Khi con có nhiều cơ hội thực hành, kỹ năng chia sẻ sẽ trở nên thành thạo hơn và dần cảm thấy thoải mái với bạn bè.

3. Tuổi từ 6 – 12 (Rèn luyện khả năng)

Và đến khi trẻ lớn hơn, kỹ năng chia sẻ còn mở rộng sang các nhiệm vụ chung. Cha mẹ và thầy cô có thể khuyến khích con tham gia hoạt động nhóm để chia sẻ ý tưởng và phối hợp thực hiện với các bạn. Đây là cách tốt để các bé phát triển khả năng giao tiếp, thấu hiểu và làm việc nhóm – những kỹ năng rất quan trọng cho tương lai.

Tham gia vào các hoạt động như làm việc nhóm, chơi thể thao giúp trẻ rèn luyện khả năng chia sẻ cũng như học cách tôn trọng ý kiến mọi người. Trải nghiệm hợp tác đạt được mục tiêu chung làm con thấy rằng chia sẻ không chỉ là nhường nhịn mà còn là cách để phát triển bản thân cũng như xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè, xã hội.

nghệ thuật dạy con biết yêu thương
Rèn luyện khả năng chia sẻ có ở trẻ từ 6 -12 tuổi

7 Cách dạy con biết yêu thương ngay từ khi còn nhỏ

Yêu thương không chỉ là cảm xúc mà còn là nền tảng để xây dựng lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và khả năng gắn kết với người khác. Cha mẹ có thể khéo léo truyền đạt những bài học này thông qua các hoạt động hàng ngày, giúp con hiểu rõ giá trị của sự chia sẻ và tôn trọng.

1. Để bé chăm sóc thú cưng, cây cối

Trẻ nhỏ dễ dàng kết nối cảm xúc với những thứ đáng yêu, gần gũi như thú cưng, cây cối. Qua việc chăm sóc, bé dần có trách nhiệm và cảm giác gắn bó để rồi nhận ra yêu thương phải đi kèm với việc quan tâm, bảo vệ. Cha mẹ có thể hướng dẫn con cho thú cưng ăn, tưới nước cho cây mỗi ngày. Qua đó bé học được cách đáp lại nhu cầu của sinh vật khác.

Ngoài ra, việc chăm sóc thú cưng hay cây cối còn giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn cùng chu đáo. Thấy thú cưng vui vẻ, cây cối lớn lên nhờ sự chăm sóc của mình, bé sẽ trải qua niềm vui để rồi khơi gợi lòng trắc ẩn và tinh thần sẻ chia trong cuộc sống.

2. Dạy con tình yêu thương qua đọc sách

Những cuốn sách về tình bạn, lòng dũng cảm, sự đồng cảm là công cụ hữu ích để giúp trẻ hiểu hơn về tình yêu thương. Các tác phẩm như “Charlotte và những người bạn”,  “Chuyện của những chú vịt con”, “Cậu bé và cây” mang đến bài học tử tế để cha mẹ có thể cùng con thảo luận về hành động hy sinh và lòng trắc ẩn.

cách dạy con biết yêu thương
Sách báo có thể giúp con hình thành lòng trắc ẩn để biết sẻ chia hơn

Hơn nữa, đọc sách còn giúp trẻ hình thành thói quen tư duy cảm xúc mỗi khi hình dung và cảm nhận về cảm xúc của nhân vật. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi để con suy nghĩ sâu hơn, chẳng hạn như: “Con nghĩ vì sao chú vịt lại giúp bạn mình?”. Qua những câu chuyện, bé dường như đã được chỉ dạy về yêu thương và biết cách thực hành nó thường xuyên.

3. Khuyến khích bé làm điều tử tế không vị lợi

Cha mẹ nên dạy con rằng làm điều tử tế không cần nhận lại điều gì là một giá trị đáng quý. Hãy giải thích cho trẻ rằng sự tử tế có thể làm cho mọi người xung quanh vui vẻ. Đồng thời khuyến khích bé hành động như nhặt đồ cho bạn khi đánh rơi, giúp đỡ ai đó mà không mong được trả công.

Để thói quen này trở thành một phần bản năng tự nhiên, người lớn nên hướng dẫn con bắt đầu từ những hành động nhỏ như chia sẻ đồ chơi, an ủi bạn bè đang buồn. Đây là những hành động tử tế, đơn giản giúp con có được lòng vị tha, dần hình thành nhân cách biết yêu thương và chia sẻ mà không vị lợi.

4. Dạy con thể hiện tình yêu thương mọi người

Giúp cho trẻ em hiểu về cách thể hiện tình yêu thương qua những cử chỉ, lời nói gần gũi sẽ xây dựng lòng yêu thương trong con một cách tự nhiên. Cha mẹ có thể khuyến khích con nói lời cảm ơn, ôm người thân, gửi lời chúc mừng đến bạn bè. Đó đều là những hành động tạo ra niềm vui và để bé biết bày tỏ tình cảm.

phương pháp dạy con biết yêu thương
Trẻ học được cách bộc lộ tình yêu thương với mọi người khi được dạy dỗ

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên làm gương cho con bằng cách thể hiện tình yêu thương trong gia đình bởi bé luôn quan sát và bắt chước hành vi của người lớn. Hành động của cha mẹ sẽ giúp con dần hiểu rằng tình yêu thương được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.

5. Đem đến môi trường đầy yêu thương

Môi trường yêu thương và ấm áp tạo điều kiện lý tưởng để trẻ cảm nhận cũng như học cách yêu thương. Sống trong một không gian có đầy đủ sự quan tâm làm con nhận thức rằng yêu thương là điều đáng quý và cần được trao gửi. Cha mẹ có thể tạo dựng môi trường này bằng cách tổ chức những buổi sum họp gia đình, cùng con tham gia hoạt động xã hội có ý nghĩa.

Đặc biệt hơn, đó còn là nơi trẻ cảm thấy an toàn khi bày tỏ cảm xúc. Qua đó giúp con rèn luyện khả năng thấu hiểu và đồng cảm. Với cách này, các bé dần học được cách yêu thương mà còn biết sẻ chia với những người xung quanh mình.

6. Thể hiện tình thương dù con mắc lỗi

Con mắc lỗi cũng là lúc cha mẹ thể hiện tình thương để bé cảm nhận được giá trị của sự bao dung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nên bỏ qua lỗi lầm mà người lớn cần nhẹ nhàng giải thích đúng sai cho con hiểu rõ tác động và bài học sau sai lầm.

Kết hợp giữa tình thương và sự kiên nhẫn, phụ huynh có thể giúp con nhận ra rằng mọi người có thể phạm lỗi, nhưng quan trọng là biết sửa sai. Đây là bài học ý nghĩa để trẻ hiểu rằng yêu thương và tha thứ gắn kết mọi người, để con biết trân trọng và quan tâm đến cảm xúc của người khác.

bí quyết dạy con biết yêu thương
Dạy con biết đúng sai cũng là cách để bé hình thành lòng trắc ẩn, bao dung

7. Nuôi dưỡng tư duy tích cực

Tư duy tích cực là nền tảng giúp trẻ biết cách yêu thương bản thân và mọi người. Việc cha mẹ khuyến khích con nhìn nhận sự việc từ góc nhìn tích cực là để các bé biết trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, từ đó hình thành tình yêu thương một cách lạc quan.

Phụ huynh có thể hướng dẫn con cách đối diện khó khăn và biết biến nó thành cơ hội để học hỏi. Thông qua khích lệ, bé sẽ biết nhìn nhận bản thân và mọi người với suy nghĩ tích cực. Cùng với đó, con sẽ biết được cha mẹ đang giúp mình xây dựng thái độ sống yêu thương, biết đồng cảm và chia sẻ với mọi người

Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để cha mẹ dạy con biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh. Trải qua những bài học về sẻ chia, các bé sẽ hiểu được giá trị của sự quan tâm, đồng cảm. Đó cũng là lúc cha mẹ trở nên hạnh phúc và tự hào vì đã trao cho con một hành trang ý nghĩa.

Có thể bạn quan tâm:

  • Cách rèn luyện tính tự lập cho trẻ hiệu quả, lâu dài
  • 5 Cách dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi cha mẹ cần biết
  • Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ theo giáo án chuẩn ba mẹ cần biết

Nguồn tham khảo:

  • https://www.askdrsears.com/topics/parenting/discipline-behavior/morals-manners/11-ways-teach-your-child-share/
  • https://parents.app/parenting/child-behavior/how-to-teach-kids-to-share/a/

Latest from Blog