1. Phản ứng của cơ thể người phụ nữ khi đối mặt với stress
Khi chúng ta gặp căng thẳng, cơ thể chúng ta giải phóng một lượng lớn hormone và hóa chất, từ đó kích hoạt phản ứng “bỏ chạy” hoặc “chiến đấu”.
Có nhiều loại căng thẳng khác nhau, nó không chỉ gây hậu quả về cảm xúc mà còn có thể gây ra hậu quả về thể chất. Đối với một người phụ nữ, những hậu quả về thể chất có thể được nhìn thấy trong chu kỳ sinh dục của cô ấy.
Các loại căng thẳng bao gồm:
- Căng thẳng cấp tính: một tình huống mới hoặc đầy thử thách.
- Căng thẳng từng đợt: căng thẳng cấp tính xảy ra thường xuyên.
- Căng thẳng mạn tính: căng thẳng trong thời gian dài, cảm giác như không bao giờ kết thúc.
Căng thẳng kích hoạt trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận, con đường mà qua đó vùng hạ đồi giao tiếp với tuyến thượng thận. Để bù đắp cho nhu cầu glucose tăng lên của cơ thể trong một tình huống căng thẳng, mức độ cortisol (một loại hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận giúp cơ thể kiểm soát tình trạng căng thẳng) sẽ tăng lên.
Cơ thể tạo ra cortisol bằng cách chuyển đổi cholesterol đầu tiên thành pregnenolone, sau đó thành progesterone và cuối cùng là cortisol, do đó làm giảm mức progesterone lưu thông.
Có thể nói progesterone bị đánh cắp để tạo ra cortisol. Stress làm giảm lượng progesterone, DHEA, testosterone và oestrogen.
Stress cũng có thể gây ra sự gia tăng hormone ức chế gonadotrophin, dẫn đến ức chế sản xuất FSH và LH. Nếu không có sự gia tăng FSH thì không có nang trứng nào được kích thích và nếu không có sự sản xuất LH thì không có trứng rụng.
Stress cũng kích hoạt hệ thống tủy giao cảm. Nơi chịu trách nhiệm làm tăng nhịp tim, tăng sự tỉnh táo của cơ thể và gửi thêm máu đến cơ bắp để bạn sẵn sàng chạy hoặc ở lại và chiến đấu khi gặp nguy hiểm. Điều này cũng được cho là làm thay đổi lưu lượng máu qua ống dẫn trứng và làm gián đoạn quá trình vận chuyển tinh trùng.
2. Mức độ ảnh hưởng của căng thẳng đối với khả năng rụng trứng
Căng thẳng cấp tính có thể gây ra sự gián đoạn ngắn cho chu kỳ. Sự rụng trứng có thể bị trì hoãn trong vài ngày. Nếu căng thẳng xảy ra trong giai đoạn dễ thụ thai, các nang đang phát triển sẽ teo lại và nồng độ oestrogen sẽ giảm.
Nếu căng thẳng xảy ra gần với thời điểm LH tăng cao, người phụ nữ có thể có một nang hoàng thể hóa chưa vỡ, hoặc cô ấy có thể rụng trứng nhưng giai đoạn hoàng thể có thể bị khiếm khuyết hoặc ngắn.
Căng thẳng từng đợt sẽ có cùng biểu hiện trong chu kỳ như căng thẳng cấp tính. Căng thẳng mạn tính thì sự rụng trứng có thể bị trì hoãn trong vài tháng.
Liệu căng thẳng mà một người phụ nữ trải qua có phải do thể chất hay không? Ví dụ sức khỏe kém hoặc một vận động viên tham gia tập luyện căng thẳng, hoặc cảm xúc về cái chết đột ngột của một người thân thiết, mất thu nhập hoặc sợ hãi. Nó thường được phản ánh trong biểu đồ của cô ấy.
Rụng trứng là một dấu hiệu của sức khỏe tốt. Trong phần lớn cuộc đời sinh sản của mình, một người phụ nữ cần có chu kỳ đều đặn cho thấy sự rụng trứng xảy ra 11-16 ngày trước khi có kinh nguyệt.
Giáo sư J.Brown, một Giáo sư chuyên nghiên cứu về nội tiết tố ở Melbourne (Úc) đã chứng minh thông qua công trình nghiên cứu cả đời của ông rằng, một người phụ nữ sẽ trải qua các biến thể của chu kỳ rụng trứng thông thường này, đây là kết quả của giai đoạn đời sống sinh sản hiện tại của cô ấy từ dậy thì đến mãn kinh.
Khi nói về các biến thể của chu kỳ, Giáo sư J.Brown cho biết: “Chúng là những đáp ứng bình thường đối với môi trường để đảm bảo việc mang thai không xảy ra trong những điều kiện rất bất lợi cho mẹ và thai nhi…”.
Để đối phó với căng thẳng, một người phụ nữ có thể trải qua một trong các biến thể của chu kỳ. Cô ấy có thể bị chậm rụng trứng, nang hoàng thể hóa không vỡ, giai đoạn hoàng thể ngắn hoặc giai đoạn hoàng thể khiếm khuyết.
Cả giai đoạn hoàng thể ngắn và khiếm khuyết đều là do hoàng thể không được hình thành đầy đủ và do đó không có khả năng hỗ trợ mang thai. Chu kỳ là không thụ thai.
Biểu đồ theo dõi chất nhờn cổ tử cung có thể biểu hiện có sự gián đoạn của dạng không thụ thai; Có thể có một số nỗ lực thể hiện rụng trứng mà không đạt đỉnh; Đỉnh được xác nhận và thời kỳ hoàng thể ngắn; Có dấu hiệu suy giảm khả năng sinh sản trong giai đoạn dễ thụ thai, nghĩa là đỉnh có thể được xác định hoặc không. Điều này có thể là do:
- Đáp ứng cổ tử cung bị xáo trộn với căng thẳng.
- Gián đoạn cơ chế phóng noãn dẫn đến thời kỳ hoàng thể khiếm khuyết.
3. Làm gì để cải thiện khả năng thụ thai?
Khi biểu đồ không biểu hiện các mô hình phù hợp với giai đoạn đời sống sinh sản của người phụ nữ, căng thẳng phải được xem xét. Thông thường, các chuyên gia đưa ra lời khuyên hữu ích để cố gắng giảm căng thẳng bằng cách thực hiện một số điều chỉnh trong cuộc sống hoặc dành thời gian để thư giãn có thể có hiệu quả. Sau đó, biểu đồ có thể cho thấy sự trở lại của các mô hình sinh sản bình thường.
Nếu tình trạng căng thẳng chỉ thoáng qua, chỉ cần có sự kiên nhẫn và hỗ trợ cho đến khi thời điểm căng thẳng qua đi và các giai đoạn bình thường của chu kỳ trở lại.
Một số phụ nữ, mặc dù bị căng thẳng đáng kể nhưng không có thay đổi nào trong biểu đồ của họ. Điều này là do cơ thể của họ, sau đợt tăng vọt ban đầu của cortisol, đã nhanh chóng ổn định.
Phần lớn các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai thường rất căng thẳng, cảm thấy giấc mơ có con là không thể đạt được. Do đó việc ổn định về tâm lý cũng như tìm hiểu kiến thức về các dấu hiệu của khả năng sinh sản tối ưu để tăng khả năng mang thai rất quan trọng. Điều cần thiết là họ cần được tư vấn bởi các chuyên gia để giúp họ tự tin đưa ra các quyết định có thể thay đổi cuộc sống và cải thiện tình trạng căng thẳng.
Đối với những phụ nữ có biểu đồ với mô hình thất thường nhưng không phải do giai đoạn cuộc sống hiện tại cũng như mức độ căng thẳng dường như không phải là lý do, thì nên tiến hành khám nghiệm y tế để loại trừ bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn hoặc rối loạn chức năng buồng trứng nào.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phụ nữ mang thai uống bia liệu có tốt?
ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Minh