10h sáng, cái nắng tháng 6 như thiêu đốt, sân bệnh viện Bạch Mai dường như nóng hơn khi phần lớn bệnh nhân tập trung tại đây để chờ kết quả khám bệnh, đợi đến lượt chạy thận nhân tạo hay chờ giải quyết thủ tục hành chính…
Người bệnh đến khám ngồi chờ kết quả tại sân Bệnh viện Bạch Mai
Trong số những người chờ kết quả khám bệnh, chị Lê Thị Hiền ở Bắc Giang luôn tay quạt nhưng cũng không ngăn nổi những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán.
“4h sáng đi từ nhà để kịp đến viện khám vì dạo này thấy đau đầu, chóng mặt, ngất. Khám xong lúc 9h30 nhưng bác sĩ hẹn trả kết quả lúc 11h30. Cả hai vợ chồng tôi ngồi chờ ở đây mệt lắm, vạ vật, nóng, mà cũng phải giành chỗ chứ đông quá là không có chỗ ngồi, chỉ sợ lại mệt mà ngất vì nóng”, chị Hiền nói.
Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo chờ đến ca điều trị
Ngay gần đó, hàng chục bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang chờ vào ca điều trị. Đây đều là những bệnh nhân ở xa như Bắc Giang, Hưng Yên, gần hơn thì có huyện Chương Mỹ, huyện Hoài Đức – Hà Nội.
“Chúng tôi phải đến trước ca chạy thận khoảng 1 tiếng đồng hồ, ngồi chờ đến lượt. Nắng nóng thì bệnh nhân chạy thận quá mệt, hoa hết cả mắt, vì trong khoa không có chỗ ngồi nên phải chờ ở đây. Nóng thế này người khỏe còn mệt nữa là chúng tôi”- bà Nguyễn Thị Kỳ, bệnh nhân chạy thận sống tại Bắc Giang cho biết.
Để đến viện chạy thận 3 buổi/tuần, ông Đỗ Xuân Toại cũng phải bắt 2 tuyến xe buýt từ Hưng Yên ra BV Bạch Mai. Dù bệnh viện đã bố trí máy phun sương và một số quạt công nghiệp nhưng vào thời điểm nóng nhất trong ngày, các biện pháp này cũng không thấm vào đâu. “Cũng có mái che, quạt và máy phun sương nhưng vào ngày nóng ngồi đây cũng rất mệt lắm, mang theo nước và thuốc, mệt quá là phải dùng đến thuốc ngay”, ông Toại nói.
Bà Bùi Thị Tú lau giường bằng khăn ẩm tránh nóng
Giữa trưa, các bệnh nhân của ca chạy thận đầu tiên bắt đầu ra về nhường chỗ cho các bệnh nhân ca sau. Liêu xiêu trở về phòng trọ trong xóm chạy thận tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tú hơn 65 tuổi quê Chương Mỹ chỉ biết ngồi thở. 3 tháng nay, sức khỏe giảm sút, bà Tú phải thuê trọ gần bệnh viện.
Căn phòng 4m2 lợp fibro xi măng chỉ đủ kê chiếc giường, vài món đồ vặt và chiếc quạt bàn. Vì quá nhỏ nên lúc nào căn phòng cũng trong trạng thái hầm hập nóng. Chỉ lúc nào cần ngả lưng hoặc quá mệt bà mới vào phòng trọ.
“Nóng lắm, có những đêm thức trắng, phải lấy chậu nước dấp khăn ẩm lau giường, cả đêm chỉ làm việc này vì quá nóng. Quạt bật phải để chậu nước phía trước không thì nóng lắm ngủ không được”, bà Tú ngán ngẩm chia sẻ.
Ngày nắng nhưng các bệnh nhân chọn ngồi ngoài cửa phòng trọ bởi trong phòng còn nóng hơn
Ông Mai Anh Tuấn – cư dân lâu năm nhất của xóm chạy thận là một trong số những người có đủ khả năng lắp máy điều hòa nhiệt độ. Thế nhưng, theo lời ông Tuấn, những chiếc máy điều hòa của các bệnh nhân trong xóm chạy thận hiếm khi được sử dụng.
“Hầu hết các bệnh nhân lắp được máy điều hòa nhiệt độ là nhờ anh em, họ hàng tài trợ. Ai cũng bệnh tật, mất sức lao động nên kinh tế khó khăn. Lắp được máy điều hòa nhưng không dám dùng nhiều, chỉ đêm nào nóng lắm hoặc hôm nào quá mệt mới bật một chút để không ảnh hưởng sức khỏe. Chẳng dám bật nhiều vì không có đủ tiền trả tiền điện”, ông Tuấn phân bua.
Bệnh tật kéo dài, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn khiến cho các bệnh nhân nặng luôn sống trong cảnh thiếu thốn, vất vả. Tiền thuốc còn thiếu nên việc ăn uống chẳng thể đủ no. Nỗi khổ cực của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo dường như tăng lên cấp số nhân vào mỗi mùa nắng nóng./.