Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh loạn sản cổ tử cung

15 mins read
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh loạn sản cổ tử cung

1. Đông y có chữa được bệnh loạn sản cổ tử cung?

Loạn sản cổ tử cung là quá trình tế bào tại cổ tử cung bị biến đổi bất thường dưới tác động của một tác nhân viêm nhiễm, sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm Human Papilloma Virus (HPV). Loạn sản cổ tử cung có thể coi là dấu hiệu tiền ung thư cổ tử cung. Các triệu chứng của loạn sản cổ tử cung giai đoạn nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Bệnh trải qua nhiều giai đoạn và cần làm các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị phù hợp với từng mức độ bệnh để tránh các tiến triển nặng, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo không điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung bằng bất cứ bài thuốc hay loại thảo dược nào. Việc tin tưởng vào các bài thuốc truyền miệng, chưa được kiểm chứng sẽ làm mất đi cơ hội chữa trị, khiến bệnh dễ trở nặng hơn.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh loạn sản cổ tử cung?

Loạn sản cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung bị đột biến bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, đó có thể là sự thay đổi trong môi trường âm đạo, do các tác nhân gây viêm nhiễm hoặc do sự gia tăng của virus HPV. Các tế bào có thể bị loạn sản theo hướng lành tính hoặc diễn tiến thành dạng nghịch sản và ung thư. Nguyên nhân chủ yếu gây loạn sản cổ tử cung là do nhiễm trùng dai dẳng HPV ở biểu mô cổ tử cung. Loại phổ biến nhất là HPV type 16 và 18, loại này chiếm phần lớn trường hợp ung thư cổ tử cung.

Nhiễm HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và thường khỏi trong vòng 8 đến 24 tháng sau khi tiếp xúc. Nhiễm trùng dai dẳng dẫn đến chứng loạn sản, nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Quá trình này thường diễn ra chậm và kéo dài trong vài năm. Do sự tiến triển chậm của bệnh nhiễm trùng, có thể xác định và điều trị được nên có thể thực hiện sàng lọc định kỳ bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và/hoặc xét nghiệm HPV tùy thuộc vào độ tuổi và tiền căn của người bệnh.

Ngoài ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung đó là:

  • Đời sống tình dục thiếu lành mạnh, không an toàn, quan hệ sớm trước 18 tuổi hoặc có nhiều bạn tình cùng lúc.
  • Mắc bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng hay đang dùng thuốc ức chế miễn dịch).
  • Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, do thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch.

Xác định được những nguyên nhân và yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh loạn sản cổ tử cung sẽ giúp định hướng điều trị và phòng ngừa bệnh lý này hiệu quả hơn.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 2.

HPV type 16 và 18 là 2 chủng virus HPV hàng đầu gây loạn sản cổ tử cung.

3. Các dấu hiệu cảnh báo mắc loạn sản cổ tử cung

Khi mới ở giai đoạn đầu loạn sản cổ tử cung hiếm khi bộc lộ biểu hiện rõ ràng. Sang tới giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể mơ hồ cảm nhận được những thay đổi với các triệu chứng chủ yếu là ra máu âm đạo bất thường, ra máu sau khi quan hệ tình dục, ra máu sau khi đã mãn kinh một thời gian. Ngoài ra, người bệnh còn có các dấu hiệu khác như: đau khi giao hợp, đau bụng vùng tiểu khung, âm đạo ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi,…

Loạn sản cổ tử cung thường được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung). Để kiểm tra được sự bất thường của các tế bào tại cổ tử cung, phụ nữ nên đi thăm khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm PAP. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo nên làm xét nghiệm HPV để chẩn đoán sự tồn tại của virus HPV trong cổ tử cung. Vì nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao như type 16 và 18 sẽ làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung tiến triển sang ung thư cổ tử cung nhanh hơn.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 3.

Nên làm xét nghiệm HPV để chẩn đoán sự tồn tại của virus HPV trong cổ tử cung.

4. Loạn sản cổ tử cung có dẫn tới ung thư không?

Khi tế bào ở cổ tử cung dưới tác động của viêm nhiễm hoặc do virus HPV bị biến đổi bất thường thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn sản cổ tử cung. Thực tế, các tế bào bị loạn sản trông rất giống với tế bào ung thư, nhưng lại không được xem là tế bào ác tính. Do các tế bào loạn sản này vẫn nằm trong lớp biểu mô ở bề mặt cổ tử cung, không xâm nhập vào các tổ chức khỏe mạnh khác ở cổ tử cung.

Tuy nhiên, loạn sản tế bào cổ tử cung chính là tín hiệu, là giai đoạn phát triển sớm nhất của các tế bào bất thường, nên nguy cơ chúng có khả năng tiến triển trở thành tế bào ung thư ác tính rất cao. Loạn sản cổ tử cung theo thời gian có thể trở thành ung thư cổ tử cung với nguy cơ biến chứng cao và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần mất một khoảng thời gian từ 10 – 15 năm.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh loạn sản cổ tử cung

Xét nghiệm PAP: Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung – PAP smear – là xét nghiệm đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả để tầm soát loạn sản và bất thường ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Xét nghiệm được khuyến cáo áp dụng cho phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục. Bác sĩ sẽ dùng một que gỗ chuyên dụng phết lấy tế bào cổ ngoài và cổ trong của tử cung, sau đó các mẫu tế bào này được xử trí và soi dưới kính hiển vi. Nếu có tế bào bất thường, sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như sinh thiết cổ tử cung, xét nghiệm virus HPV.

Soi cổ tử cung: Khám cổ tử cung phát hiện tế bào bất thường để có thể tiến hành sinh thiết;

Nạo cổ tử cung: Một thủ thuật kiểm tra các tế bào bất thường trong cổ tử cung;

Phẫu thuật nạo chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) được thực hiện để loại trừ ung thư xâm lấn. Trong quá trình thực hiện, lấy một mảnh mô hình nón để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình LEEP, cắt các mô không bình thường bằng một vòng dây điện khí mỏng, điện áp thấp;

Thử nghiệm DNA HPV: Điều này có thể xác định được các chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung.

6. Phương pháp điều trị loạn sản cổ tử cung đang được áp dụng hiện nay là gì?

Khi bị loạn sản cổ tử cung có nhiễm HPV, bệnh nhân đều cần được soi cổ tử cung để xác định có tổn thương bất thường ở cổ tử cung hay không và tiến hành sinh thiết để chẩn đoán xác định có tế bào ung thư cổ tử cung hay không. Nếu có ung thư cổ tử cung thì tùy vào từng giai đoạn mà có hướng điều trị phù hợp.

Đối với trường hợp loạn sản lành tính, việc lựa chọn hình thức điều trị loạn sản cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Có 3 giai đoạn loạn sản cổ tử cung, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 – loạn sản cổ tử cung nhẹ:

Ở giai đoạn này các tế bào bất thường và bị biến đổi do nhiễm HPV mới chỉ chiếm một số lượng nhỏ ở cổ tử cung. Thường thì đối tượng phụ nữ trong độ tuổi từ 25 – 35 sẽ có nguy cơ cao bị loạn sản cổ tử cung giai đoạn nhẹ. Tuy nhiên đa phần các trường hợp mắc bệnh giai đoạn 1 chỉ cần điều trị khỏi viêm nhiễm thì các tế bào có thể trở lại bình thường sau đó. Vì vậy khi phát hiện ra sự bất thường của các tế bào tại đây dù chưa cần điều trị bệnh nhân cũng nên đi thăm khám và kiểm tra định kỳ.

Giai đoạn 2 – loạn sản mức độ vừa:

Một nửa lớp tế bào cổ tử cung đã bị biến đổi bất thường. Biện pháp điều trị thường được chỉ định ở giai đoạn 2 đó là áp lạnh hoặc sử dụng đốt điện hoặc cắt LEEP cổ tử cung để loại bỏ các tế bào loạn sản cổ tử cung.

Giai đoạn 3 – loạn sản mức độ nặng:

Tế bào loạn sản đã chiếm đóng toàn bộ lớp tế bào biểu mô ở cổ tử cung. Nhưng chúng vẫn chưa thâm nhập sâu qua lớp tế bào đáy nên vẫn bảo tồn được các tổ chức dưới biểu mô ở cơ quan này. Đây còn được cho là tổn thương ung thư tại chỗ. Những phụ nữ từ 30 – 40 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị loạn sản cổ tử cung giai đoạn 3. Phương pháp điều trị trong giai đoạn 3 này thường là khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung nếu không còn nhu cầu có con.

Phản ứng sau khi điều trị mà bệnh nhân có thể gặp phải đó là tiết dịch có lẫn máu, xảy ra khoảng vài tuần nhưng dần dần các tế bào trong cổ tử cung sẽ hồi phục như bình thường. Nhằm đảm bảo bệnh đã được loại bỏ và không có biến chứng nào sau thủ thuật, người bệnh sẽ được hẹn khám lại sau 1-3 tháng và được làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ 1 năm/ lần.

7. Bệnh loạn sản cổ tử cung có chữa khỏi được không?

Thực tế cho thấy, việc loại bỏ hoặc phá hủy các tế bào bất thường giúp chữa khỏi chứng loạn sản cổ tử cung trong khoảng 90% các trường hợp. Loạn sản cổ tử cung hiếm khi tiến triển thành ung thư. Khi tình trạng tiến triển sẽ diễn ra rất chậm nên việc thăm khám định kỳ giúp các bác sĩ có thời gian can thiệp tốt hơn.

Sau khi điều trị, chứng loạn sản cổ tử cung có thể bị tái lại. Những người bị loạn sản cổ tử cung nặng, nhiễm HPV nguy cơ cao hoặc tình trạng không được điều trị có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.

8. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hiệu quả?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng loạn sản cổ tử cung là tiêm vaccine HPV. Các bạn gái trong độ tuổi từ 9 đến 26 nên tiêm phòng trước khi có hoạt động tình dục. Việc này đã được chứng minh làm giảm nguy cơ nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, vaccine này không ngăn ngừa hoàn toàn chứng loạn sản cổ tử cung.

Ngoài ra, phụ nữ có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ phát triển chứng loạn sản cổ tử cung:

  • Không hút thuốc lá.
  • Không quan hệ tình dục khi dưới 18 tuổi.
  • Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Không quan hệ với nhiều người.
  • Xét nghiệm tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa giúp chữa khỏi hầu hết các trường hợp mắc bệnh loạn sản cổ tử cung. Thực hiện theo các khuyến nghị tầm soát của bác sĩ để phát hiện sớm.

BS. Phan Tuấn Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog