1. Sinh con ở tuổi vị thành niên và những hệ lụy sức khỏe
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận và đỡ đẻ cho thai phụ mới 13 tuổi. Thai phụ được chuyển từ tuyến dưới lên và đã sinh thường, em bé nặng 2,9 kg.
Thông tin với báo chí, GS.TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Đây là sản phụ nhỏ tuổi nhất tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết bé không thăm khám thai định kỳ, không rõ mang thai từ lúc nào nên không xác định được thai nhi bao nhiêu tuần.
May mắn, sản phụ nhỏ tuổi chuyển dạ thuận lợi, sinh thường bé gái nặng 2,9 kg. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường và đã ra viện. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên gia đình cần theo dõi chặt chẽ tâm lý, ổn định tinh thần cho người mẹ, tránh nguy cơ trầm cảm, hoảng loạn do sinh con ở tuổi còn quá nhỏ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó trưởng Bộ môn Dân số và Sức khỏe, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, việc trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm, thậm chí mang thai ngoài ý muốn và sinh nở ở độ tuổi quá nhỏ gây ảnh hưởng tới sức khỏe về thể chất và tâm thần, lâu dài hơn nữa là tương lai của trẻ vô cùng bấp bênh và mờ mịt.
Còn theo TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ vị thành niên mang thai dù phá thai hay giữ thai để sinh con thì cũng đều có nhiều hệ lụy. Việc làm mẹ quá sớm khiến các em dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.
Trường hợp bé 13 tuổi sinh con mới đây, gia đình cho biết phát hiện con mang thai khi thai đã lớn và cũng không xác định được thời điểm bé mang thai. Các bác sĩ cho biết, trẻ vị thành niên mang thai sớm và sinh con ở độ tuổi còn non nớt sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống của các em và gia đình.
Trẻ mang thai ngoài ý muốn thường giấu bố mẹ nên không được thăm khám thai đầy đủ và chăm sóc sản khoa tốt nhất, không được tầm soát phát hiện những bất thường, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé sau này. Mang thai sớm còn có thể dẫn đến dị tật thai nhi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bà mẹ trẻ do cơ thể chưa phát triển hết, các cơ quan sinh dục và sinh sản vẫn còn non nớt nên có nguy cơ băng huyết, tai biến sản khoa nguy hiểm. Trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên, nhất là trẻ dưới 15 tuổi, nguy cơ tử vong mẹ cao hơn các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.
Hơn nữa, trẻ vị thành niên sinh con do cơ thể chưa phát triển nên nguy cơ đẻ khó rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỷ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
2. Nhận biết sớm những dấu hiệu mang thai ở tuổi vị thành niên
TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện nay, nhiều trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… dễ khiến trẻ vị thành niên có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao.
Khi có con bắt đầu giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn. Dành thời gian trò chuyện với con, hướng dẫn các con cách tự bảo vệ mình không bị lạm dụng hay xâm hại tình dục cũng như trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như giáo dục giới tính thông qua những câu chuyện hoặc sách hướng dẫn. Việc giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục cho vị thành niên sẽ giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn trong tình yêu, tình dục và tránh được những sai lầm không đáng có.
TS. Đỗ Minh Loan cho biết, cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai chưa có sự phát triển hoàn chỉnh vì thế khá khó để nhận biết chính xác việc mang thai trong những tuần đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cơ thể của trẻ vị thành niên mang thai vẫn có một số dấu hiệu mang thai sớm để nhận biết.
Trẻ chưa đến độ tuổi trưởng thành nên vẫn cần sự bảo hộ của cha mẹ hoặc người giám hộ. Việc phát hiện sớm dấu hiệu mang thai khó nhận biết với trẻ, Cha mẹ cần hướng dẫn con cách quan sát các thay đổi trên cơ thể và thông báo cho người lớn biết.
Cha mẹ và người thân cần chú ý quan tâm đến con em mình và để ý những dấu hiệu mang thai sớm ở trẻ vị thành niên để trẻ có được sự chăm sóc cần thiết và phù hợp.
TS. Đỗ Minh Loan cho biết một số dấu hiệu sớm nhận biết mang thai ở trẻ vị thành niên, cụ thể:
- Trẻ chậm kinh hoặc mất kinh.
- Buồn nôn và nôn.
- Thay đổi ở ngực: vú căng và nổi tĩnh mạch quanh quầng vú.
- Tiết sữa non từ tuần thứ 16 của thai kỳ.
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao.
- Thay đổi về da: Nám da, sẫm màu ở núm vú.
- Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể nhầm lẫn với ra máu kinh nguyệt bình thường.
Khi xảy ra sự việc, cha mẹ cần bình tĩnh trấn an và động viên con. Không được đánh đập, chửi bới hay dọa nạt con. Việc lựa chọn giữ thai và sinh con hay bỏ thai cần tùy thuộc vào yếu tố thời điểm mang thai, điều kiện, hoàn cảnh cũng như sự đồng thuận của gia đình và cần phải tôn trọng ý kiến của con.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bé gái 13 tuổi sinh con nặng 2,9 kg tại Hà Nội.