Cha mẹ giàu không phải lúc nào cũng nuôi dạy được những đứa con ưu tú, và những gia đình nghèo không có nhiều tiền vẫn có thể nuôi dạy những đứa con xuất sắc. Sự khác nhau đến từ phương pháp giáo dục. Nếu muốn con mình sau này trở nên xuất sắc, bạn phải chú ý đến ba điểm này!
01. Kiểm soát sự lười biếng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói này của Thomas Edison: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”. Nếu thiếu cảm hứng thì có lẽ sẽ không xuất hiện những bức họa trứ danh của Van Gogh, không thể có “Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc tài ba Tchaikovsky hay những áng văn bất hủ của Mark Twain.
Nhưng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự chăm chỉ. Trên thực tế, chỉ số IQ giữa con người với nhau không có nhiều khác biệt, mấu chốt nằm ở sự siêng năng. Tỉ phú nổi tiếng Nhật Bản Kazuo Inamori đã nói: “Nếu bạn làm việc đủ chăm chỉ, các vị thần sẽ cảm động và đến giúp đỡ bạn”.
Sự siêng năng chắc chắn có chỗ đứng trên con đường dẫn đến thành công. Dù bạn có thông minh đến đâu, nếu không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ không đạt được gì. Không ai có thể thành công một cách ngẫu nhiên, không có con đường tắt nào dẫn đến thành công, chỉ cần làm việc chăm chỉ và thật chăm chỉ.
Mẹ hãy “lười” trước một số việc của con. Chẳng hạn như để con thấy phòng bẩn thì tự quét dọn, thấy sắp thi thì phải tự ôn luyện bài vở, sắp vào năm học mới thì phải tự bọc và dán nhãn sách vở,… Đó đều là những việc đơn giản mà con có thể tự làm, không cần giúp đỡ.
Chẳng hạn việc một đứa trẻ lớp 1 phải tự bọc và dán nhãn sách vở. Ban đầu có thể bọc xấu, vỏ bọc bị xô lệch, dán nhãn không thẳng nhưng hãy cứ để kệ con. Con sẽ phải làm đi làm lại nhiều lần để trông mọi thứ thật đẹp mắt. Làm lần 1 không được, con sẽ làm lần 2, lần 3 và sau mỗi lần sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nếu mẹ giúp con thì sẽ nhanh chóng, không mất nhiều thời gian nhưng con không bao giờ học được cách bọc bìa sách.
Khi mẹ giúp con làm những việc đơn giản, con thường có xu hướng thụ động, ỷ lại, tinh thần trách nhiệm không cao bởi luôn được làm sẵn. Vì thế, mẹ cần “lười” một chút để tạo thói quen học tập và sinh hoạt cho con. Điều này giúp con hình thành được tính chủ động, sáng tạo, có thể xoay sở trước mọi việc.
02. Kiểm soát ham muốn
Triết gia người Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói: “Sự hài lòng là giàu có tự nhiên, trong khi ham muốn là sự nghèo đói giả tạo”. Kiểm soát ham muốn là mức độ kỷ luật tự giác sâu sắc nhất mà một người có, và kỷ luật tự giác chắc chắn là điều cần thiết trên con đường dẫn đến thành công.
Ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng tìm mọi cách để không ngừng thỏa mãn những mong muốn của con mình: Nếu một đứa trẻ muốn một món đồ chơi, họ mua nó; Nếu một đứa trẻ muốn quần áo mới, họ mua ngay; Bạn cùng lớp của con có một đồ dùng mới, con cũng muốn, họ liền mua…
Nhưng khi tuổi càng lớn, ham muốn của trẻ là vô tận, chúng ta phải làm gì khi không thể thỏa mãn được? Vì vậy, điều quan trọng là phải trì hoãn sự hài lòng và dạy trẻ kiểm soát ham muốn của mình. Hãy để con bạn biết rằng không phải lúc nào cũng đạt được điều mình muốn và đôi lúc con sẽ thất bại ngay cả khi đã nỗ lực.
Đường đời còn dài, có được thì vui nhưng không có được cũng là chuyện bình thường. Chỉ bằng cách kiểm soát mong muốn, bạn mới có thể nhìn thấy rõ ràng hướng đi và mục tiêu của mình.
03. Kiểm soát cảm xúc
Quản lý cảm xúc là một loại năng lực có thể rèn luyện được, khả năng quản lý cảm xúc chiếm tỷ trọng lớn trong thành công của một người. Nếu luôn bị cảm xúc dẫn dắt, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Kỹ năng quản lý cảm xúc có thể giúp chúng ta đối phó tốt hơn với những thử thách và khó khăn khác nhau trong cuộc sống. Những người có khả năng này thường có khả năng tự chủ và thích ứng tốt hơn, đồng thời có khả năng xử lý căng thẳng và thay đổi tâm trạng tốt hơn, giúp họ dễ dàng đạt được mục tiêu và mong muốn hơn.
Nếu cha mẹ thấy con gặp vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc hãy giúp con sửa đổi càng sớm càng tốt. Hãy dành nhiều thời gian bên con, tháo gỡ những khúc mắc con gặp phải. Cha mẹ cũng có thể hướng con đến một số hoạt động giúp kiểm soát cảm xúc như: Chơi thể thao, học các môn nghệ thuật, đọc sách, nghe nhạc,…
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, nhận thức ban đầu, thói quen sinh hoạt, tính cách của con cái đều chịu ảnh hưởng của gia đình. Vì vậy, muốn con kiểm soát cảm xúc tốt, chính cha mẹ phải làm gương trong việc giữ bình tĩnh.
Tầm nhìn của cha mẹ quyết định con cái họ có thể đi được bao xa. Cha mẹ thông thái là điểm khởi đầu tốt nhất cho con cái.