Sự giáo dục của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ. Cha mẹ thông minh, có cách dạy con đúng đắn, không chỉ giúp con cái có tương lai xán lạn, mà chính mình khi về già cũng có thể an nhàn, thảnh thơi, tận hưởng cuộc sống yên bình. Thử nghĩ mà xem, nếu con cái sống không hạnh phúc, đời tư bất ổn, gặp bất trắc liên miên thì bậc làm cha mẹ về già làm sao có thể yên tâm.
Theo các chuyên gia giáo dục, là một bậc cha mẹ thông thái, có tầm nhìn xa trông rộng, bạn sẽ phải giấu con 3 điều sau:
1. Giấu đi sự chăm chỉ của mình
Nhiều cha mẹ vì thương con nên việc gì cũng ôm đồm, làm thay hết cho con. Từ những việc nhỏ nhặt nhất như rửa bát, lau nhà, phơi quần áo, họ cũng làm hết luôn cho nhanh mà không có sự phân công việc nhà cho con. Hay khi thấy con làm bài tập mãi chưa xong, nhiều bố mẹ vội vàng làm giúp. Sau này khi con lớn, thấy con mới gặp một chút khó khăn khi đi xin việc, bố mẹ cũng vội vàng dùng mối quan hệ, tiền bạc để xin việc giúp con mà không chịu để con tự va vấp, trải nghiệm cuộc sống.
Chính sự bao bọc, chăm chỉ quá mức của cha mẹ đã “cướp” đi khả năng tự lập, tự quản lý, tự chăm sóc cá nhân của trẻ, khiến trẻ bị phụ thuộc quá mức vào cha mẹ. Thực chất, những đứa trẻ sống trong gia đình kiểu này không phải là không chịu lớn, mà là không có cơ hội để được lớn.
Cha mẹ có tầm nhìn xa sẽ không bao giờ làm vậy. Họ biết buông bỏ đúng lúc, biết tôn trọng sự riêng tư, quyền cá nhân của con. Chỉ có như vậy, con của họ mới thật sự trưởng thành, cứng cáp, về sau không chỉ có thể tự lo cho bản thân mà còn là chỗ dựa cho cha mẹ.
2. Giấu tiền tiết kiệm
Một số cha mẹ thường khoe với con về việc gia đình dư dả, bản thân dành dụm được rất nhiều tiền, hay nói với con rằng “về sau số tiền này đều là của con hết”,… Nếu con bạn là một người có ý thức thì không sao. Nếu là một người lười biếng, có tính ỷ lại thì những chia sẻ này của cha mẹ sẽ khiến con cái càng thêm ỷ lại. Con sẽ nghĩ chẳng việc gì phải chăm chỉ lao động, bởi đã có tiền dự phòng của cha mẹ.
Trong một số trường hợp, con cái sẽ liên tục đòi hỏi cha mẹ phải mua này, mua kia cho mình. Khi không được đáp ứng, con cái trở nên khó chịu, cho rằng cha mẹ không thực sự yêu thương, quan tâm đến mình, khiến mối quan hệ đôi bên nặng nề.
Vậy nên, cha mẹ khoe tiền quá mức không tốt cho sự siêng năng của con. Cha mẹ có thể hỗ trợ con, nhưng đừng gieo vào đầu con suy nghĩ “có tiền của bố mẹ rồi, mình chẳng việc gì phải làm lụng chăm chỉ”. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải có khoản tiền để phòng thân, phòng những lúc ốm yếu hoặc trong nhà xảy ra sự cố. Nếu cứ khoe khoang và bi con nay xin một ít, mai xin một ít, đến khi thực sự cần sẽ không có để dùng.
3. Giấu đi sự thất vọng đối với con cái
Cha mẹ nào cũng mong con cái trở nên thông minh, nổi bật, có cuộc sống suôn sẻ. Tuy nhiên nếu cha mẹ kỳ vọng, yêu cầu quá cao sẽ dễ khiến con bị ảnh hưởng tinh thần. Trong một số trường hợp, con cái trở nên oán hận cha mẹ vì tạo áp lực quá mức với mình. Còn cha mẹ cũng bức xúc, “hận rèn sắt không thành thép”. Cha mẹ và con cái lúc nào cũng căng thẳng, mối quan hệ ngày càng xa cách.
Cha mẹ thông thái cần giấu đi sự thất vọng của mình, thừa nhận rằng không phải đứa trẻ nào cũng xuất sắc. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng, khả năng riêng của mình. Việc của cha mẹ là đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành, giúp con phát triển tiềm năng, nuôi dạy con những giá trị đạo đức tốt đẹp, cũng như dạy con kỹ năng đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.