Nhà Triết học Jean-Jacques Rousseau từng nói: “Giáo dục tốt nhất bắt đầu từ môi trường tự nhiên và tự do mà cha mẹ tạo ra cho con cái, giúp tâm hồn trẻ phát triển một cách lành mạnh”.
Mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn tạo ra một môi trường lý tưởng để giúp con cái phát triển. Họ lập kế hoạch cho tương lai của con cái, giúp con gánh vác trách nhiệm, thậm chí đôi khi còn che giấu sự thật để bảo vệ con. Những hành động này, trong mắt các bậc phụ huynh, đều xuất phát từ mong muốn nuôi dạy con cái tốt hơn, nhưng đôi khi, những nỗ lực này có thể vô tình gây ra những tổn thương không ngờ tới cho trẻ.
Dưới đây là 3 hành động thường ảnh hưởng đến tương lai của con cái mà nhiều bậc cha mẹ lại không nhận ra.
1. Cha mẹ chỉ “giả vờ” ở bên con
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng phát sóng một video công ích, kể về một cô bé dần dần chìm đắm vào thế giới mạng vì không ai trong gia đình lắng nghe cô ngoài đời thực.
Cha cô là kiến trúc sư, mỗi ngày về nhà chỉ tập trung vào vẽ bản thiết kế; mẹ cô thích du lịch, luôn nghiên cứu các tuyến đường du lịch trước TV. Ông cô thì mải mê với chứng khoán, ngày nào cũng dán mắt vào báo, bất kể cô bé nói gì, ông cũng chỉ gật đầu đáp lại. Cô bé không tìm được ai để trò chuyện, nên dần tìm đến thế giới ảo để an ủi.
Người ta thường nói: “Môi trường gia đình ảnh hưởng toàn diện đến trẻ, và sự hiện diện của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách, sức khỏe tinh thần và thói quen hành vi của trẻ”.
Điều đáng tiếc là, nhiều bậc cha mẹ chỉ chú trọng đến sự hiện diện bề ngoài mà không nhận ra rằng sự hiện diện vô ích này còn tổn thương trẻ nhiều hơn cả sự vắng mặt.
Một người phụ nữ có chồng làm việc xa nhà, vì vậy cô ấy luôn về nhà đúng giờ sau khi tan làm, hy vọng có thể dành nhiều thời gian hơn cho con.
Lúc đầu, nhiều ngưởi rất ngưỡng mộ việc cô ấy dành nhiều thời gian để ở bên con như vậy. Tuy nhiên, trong một lần về nhà cùng cô, một người bạn mới biết rằng cô cũng đã trải qua quá trình chuyển từ “giả vờ” ở bên con sang thực sự ở bên con.
Ban đầu, cô ấy luôn mang công việc về nhà, nói rằng về nhà để ở bên con. Nhưng thực ra, cô ấy ở phòng khách làm việc, còn con một mình chơi trong phòng.
Cho đến một ngày, cô vô tình nhận thấy dù con có vẻ vui vẻ, nhưng trong ánh mắt thi thoảng lại hiện lên sự cô đơn và khao khát. Điều này khiến cô bắt đầu suy nghĩ lại.
Cô không thể hiểu nổi tại sao, nhưng sau khi nghe lời khuyên từ bạn bè, cô bắt đầu tắt điện thoại khi về nhà và toàn tâm toàn ý ở bên con. Cô cùng con đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi, và trong quá trình chơi, cô hiểu rõ hơn về sở thích của con.
Hai tháng sau, ánh mắt của con gái cô không còn sự cô đơn nữa, thay vào đó là hạnh phúc và sự tự tin.
Một chuyên gia giáo dục từng nói: “Cha mẹ chân thành, con cái sẽ tắm trong sự giàu có của tình yêu”.
Chỉ khi thực sự đầu tư vào con, hòa mình vào thế giới tinh thần của con, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với con, con mới có thể thực sự cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm từ cha mẹ.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự đồng hành chân thành đó sẽ phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc hơn trên con đường tương lai.
Nhà giáo dục Helvétius từng nói: “Con người khi sinh ra đều như nhau, chỉ có môi trường và giáo dục khác nhau mới tạo nên những thiên tài hoặc những kẻ bình thường, thậm chí là kẻ ngu ngốc”.
Mỗi đứa trẻ xuất sắc đều không thể tách rời khỏi môi trường giáo dục mà cha mẹ tạo ra. Đừng để đến khi con đã lạc đường, mới hối hận vì sự mềm lòng, buông xuôi và sự “giả vờ” đồng hành trước đây.
Những bậc cha mẹ giỏi thực sự đều làm được những điều như: quyết tâm, chọn lựa đúng đắn, và đồng hành thật sự. Khi bạn điều chỉnh cách làm của mình, buông tay để con trải nghiệm, giúp con chọn lựa, hòa mình vào thế giới của con, bạn sẽ giúp con mở ra con đường thành công.
2. Luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con cái
Có một câu chuyện như sau: Người con trai từ nhỏ đã ốm yếu, cha mẹ lo lắng không nuôi nổi nên mọi thứ tốt nhất đều dành cho anh ta. Thậm chí, trong khi cha mẹ và anh chị em chỉ ăn cháo loãng, thì anh ta lại được ăn cơm trắng. Nhưng ai có thể ngờ rằng, đứa trẻ được nuông chiều lớn lên lại lừa tiền từ cha mẹ và họ hàng.
Anh ta thậm chí còn trộm sách giáo khoa ở trường để bán làm phế liệu, rồi dùng số tiền đó đi chơi game suốt đêm trong quán net. Cuối cùng, nhà trường phát hiện và báo cảnh sát, anh ta bị kết án một năm tù giam.
Người ta thường nói: “Nếu bạn không giáo dục con cái, xã hội sẽ giáo dục chúng một cách tàn nhẫn”.
Nếu chỉ đáp ứng mọi yêu cầu của con mà không có nguyên tắc, thì kết quả sẽ chỉ làm hư trẻ. Ít ai nhận ra rằng, điều thực sự tạo nên tương lai cho con cái không phải là tránh cho con khỏi khó khăn, mà là chịu trách nhiệm cho sự phát triển của chúng.
Những bậc cha mẹ thực sự nghĩ xa cho tương lai của con cái thường có đủ quyết đoán “nhẫn tâm” khi cần thiết.
Một tác giả sách nổi tiếng từng kể câu chuyện về một học sinh thay đổi nhờ sự “nhẫn tâm” của cha mình. Học sinh này có điều kiện gia đình tốt, được cha mẹ nuông chiều, dẫn đến việc học tập rất kém. Mặc dù đã được khuyên bảo nhiều lần, nhưng cậu bé không hề để tâm.
Sau một lần xếp hạng thấp nhất trong kỳ thi tháng, người cha quyết định gửi cậu bé đến một công trường xây dựng để làm công việc phụ dưới sự giám sát của người chú làm quản đốc. Tại công trường, cậu bé phải làm việc tay chân, chịu nắng nóng và bụi bặm hàng ngày.
Khi không thể chịu đựng được, cậu bé cầu xin cha cho về nhà, nhưng người cha kiên quyết để cậu bé ở lại công trường. Hai tháng sau, cậu bé đã trở nên đen nhẻm và gầy gò, liên tục phàn nàn về sự “khổ cực” và yêu cầu được trở lại trường học. Sau khi trở về trường, cậu bé thay đổi thái độ và bắt đầu học hành chăm chỉ. Cuối cùng, cậu đã đỗ vào đại học Y và trở thành một bác sĩ chủ chốt tại một bệnh viện lớn.
Thực tế, không có đứa trẻ nào nghĩ rằng tương lai của mình sẽ trở nên tồi tệ, vì thực tế chưa huấn luyện chúng như vậy. Khi trẻ mắc lỗi, nhiều bậc cha mẹ quá khoan dung, khiến trẻ không thể thực sự trải nghiệm thử thách của thực tế.
Khi cha mẹ sẵn sàng buông tay để con gánh chịu hậu quả, những trải nghiệm đó thường trở thành tài sản quý giá trên con đường trưởng thành của con, thúc đẩy chúng bước đến thành công.
3. Thay con quyết định mọi thứ
Nhiều bậc cha mẹ, sau khi chứng kiến những đứa trẻ lớn lên phàn nàn về việc cha mẹ quyết định thay mình, kết hợp với lời khuyên của các chuyên gia giáo dục về việc trao quyền lựa chọn lại cho con cái, đã quyết định không làm thay con nữa.
Khi những bậc cha mẹ khác háo hức ép con học thêm, họ chọn con đường ngược lại. Họ tin rằng con mình có thể tự quyết định và theo đuổi những gì chúng muốn, trưởng thành thành những cá nhân độc lập.
Tuy nhiên, thái độ “không lựa chọn” tuy trao cho trẻ nhiều quyền tự chủ hơn, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, cũng có thể vô tình ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Một cư dân mạng kể rằng cha mẹ cậu tin vào “tự giác trong học tập”, nên không bao giờ đăng ký cho cậu học thêm bất kỳ lớp năng khiếu nào. Khi đến buổi đăng ký hoạt động văn nghệ của lớp cấp 3, trong khi các bạn khác tham gia nhiệt tình, cậu chỉ ngồi lặng lẽ ở một góc lớp. Cảm giác thua kém này khiến cậu cảm thấy tự ti suốt những năm cấp 3.
Người ta thường nói: “Trẻ con sẽ dùng cả cuộc đời để trả giá cho sai lầm của cha mẹ”. Sự không lựa chọn của cha mẹ có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với tương lai của trẻ.
Thực tế, việc trao quyền lựa chọn cho trẻ không phải là không lựa chọn, mà là không thay trẻ lựa chọn. Do đó, khi cha mẹ chọn không tham gia vào cơn lốc cạnh tranh, họ cần giúp trẻ chọn con đường phát triển phù hợp với bản thân, chứ không phải để trẻ lạc lối trong sự “không lựa chọn”.
Một ông bố chia sẻ, từ khi con gái vào mẫu giáo, anh quyết định không ép con học thêm theo trào lưu. Đến lớp 3, con gái anh muốn học đá bóng. Anh nghĩ rằng, dù con gái chơi bóng không phổ biến, nhưng nếu chơi giỏi, cũng có thể sử dụng tài năng thể thao để vào một trường tốt.
Vì vậy, khi các cha mẹ khác bận rộn đưa con đi học thêm, anh chọn đưa con đến sân tập bóng. Khi hàng xóm khuyên rằng đá bóng không có lợi cho tương lai của con gái, anh chỉ cười và tiếp tục kiên trì cùng con tập luyện.
Dù trong thời tiết gần 40℃, hai cha con cũng không bỏ lỡ buổi tập nào. Trong kỳ nghỉ, anh còn cùng con tham gia các giải đấu khắp nơi. Đến lớp 5, con gái anh đã được một trường trung học hàng đầu trong thành phố nhận trước nhờ năng khiếu đá bóng.
Từng có câu nói: “Quyền lựa chọn của trẻ là trách nhiệm của cha mẹ”. Quyền lựa chọn thuộc về con cái, nhưng cũng là trách nhiệm của cha mẹ. Khi trẻ lựa chọn, cha mẹ cần dựa trên sở thích và mong muốn của trẻ, giúp chúng chọn con đường phát triển phù hợp và hướng dẫn chúng tiến bước.
Chỉ như vậy, mới thực sự giúp trẻ phát huy hết tiềm năng và trở thành những cá nhân không thể thay thế.