Nếu ai đó hỏi bạn có yêu con không? Tin rằng bạn sẽ trả lời không do dự: “Yêu, sao cần phải hỏi?”. Tuy nhiên, nếu dùng câu tương tự để hỏi trẻ: “Bố mẹ có yêu con không?”. Câu trả lời không phải luôn luôn giống nhau.
Trong một chương trình truyền hình ở Trung Quốc, thanh niên 27 tuổi đã trò chuyện cùng mẹ mình trong 30 phút. Người con trai nhớ lại rất nhiều điều: Khi cậu còn nhỏ, nhật ký bị kiểm tra; cậu bị theo dõi bằng định vị; cậu phải tự lập về tài chính sau 18 tuổi, không được mẹ hỗ trợ đồng nào, cuộc sống ở đại học vô cùng khó khăn.
Mong ước của cậu rất đơn giản: Mong mẹ hiểu cho con, mong được mẹ chăm sóc. Thật không may, cậu đã không nhận được kết quả mong muốn.
Có thể bạn đang nghĩ, người mẹ này chắc không yêu con mình. Thực ra, giống như tất cả những người mẹ khác, bà thương con mình sâu sắc. Chỉ có điều, bà cũng tin rằng cách mình thể hiện tình yêu là đúng. Ngay cả khi cậu con trai đã nói ra những nút thắt trong lòng mình, bà mẹ vẫn nghĩ mình không hề sai.
Nhiều người sau khi xem đoạn video đã chỉ trích người mẹ này, cho rằng bà là người kiểm soát và ích kỷ. Từ quan điểm của cậu con trai, bà mẹ thực sự là như vậy. Nhưng nếu bạn nghĩ khác đi, từ góc nhìn của bà mẹ thì có lẽ do lần đầu làm mẹ, chưa có kinh nghiệm nên bà chỉ biết giáo dục con bằng tình mẫu tử theo bản năng của mình.
Không riêng gì bà mẹ này, rất nhiều phụ huynh trên đời đều như vậy: Dốc hết tâm sức vì con mà không được con cái đồng tình.
Thực ra tình thương dành cho con không nằm ở số lượng nhiều hay ít mà là con cảm nhận được bao nhiêu. Ở khía cạnh nào đó, chúng ta cho rằng đó là tình yêu thương, nhưng trong mắt con trẻ, đó là áp lực và tổn thương…
Người mẹ trong chương trình có đề cập đến một chi tiết. Bà kể rằng khi còn nhỏ, bà dạy con trai mình trượt patin và cậu bé đã ngã 13 lần nhưng không được mẹ giúp đỡ. “Vì con trai phải học cách mạnh mẽ”, bà nói. Bà cũng cho rằng việc con trai không còn được hỗ trợ tài chính sau khi 18 tuổi là một cách để rèn tính độc lập.
Cách hành xử này trong mắt bà mẹ này là tình yêu và lo nghĩ cho con. Tuy nhiên, ở vị trí của con trai bà, điều mà nó cảm nhận được có thể chưa hẳn là tình yêu mà có thể là sự lạnh lùng, cô độc. Chỉ khi tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái được đứa trẻ cảm nhận, chúng mới cảm thấy hạnh phúc và an toàn.
Vì sao rõ ràng là cha mẹ yêu con, nhưng con lại không cảm nhận được?
Thực ra, nút thắt của thanh niên trong chương trình này cũng chính là điều mà hàng ngàn người con muốn nói với cha mẹ mình: “Con biết cha mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn con, có định hướng tốt hơn con. Mọi thứ cha mẹ làm là vì con, nhưng cha mẹ cũng bỏ qua một điều: Đó chính là cảm xúc và suy nghĩ của con”.
Nhiều cha mẹ yêu thương con cái bằng tất cả trái tim của mình, nhưng lại không biết tình yêu này có phải là thứ mà đứa trẻ muốn hay không. Xung quanh chúng ta có rất nhiều trường hợp như vậy. Chẳng hạn như con cái cần bầu bạn nhưng cha mẹ lại chỉ cho chúng của cải vật chất; con cái cần những cái ôm nhưng cha mẹ lại áp đặt rất nhiều nguyên tắc cứng nhắc. Con cái cần có quyền lựa chọn, nhưng cha mẹ lại cho chúng con đường trải sẵn.
Cha mẹ đã cho đi rất nhiều nhưng vẫn không nhận lại được bao nhiêu. Ngược lại có khi con còn chống lại cha mẹ, mối quan hệ trở nên căng thẳng.
Nếu đó không phải là tình yêu mà trẻ mong muốn, thì dù có cho cả thế giới cũng không thể khiến trẻ hạnh phúc. Nhà tâm lý học Rogers cho rằng: “Tình yêu là sự thấu hiểu và chấp nhận sâu sắc”. Điều con cái muốn không phải là cả thế giới, không phải là sự nỗ lực không ngừng của cha mẹ, điều chúng muốn là sự thấu hiểu – “hiểu sở thích của tôi, hiểu suy nghĩ của tôi, hiểu cảm xúc của tôi”.
Cha mẹ xem con cái như một phần của mình, kiểm soát, phán xét chúng, nghĩ rằng mình có quyền làm như vậy. Bởi vì mình yêu con, mình mong con khỏe mạnh.
Trên thực tế, trẻ em là một cá thể độc lập. Chúng đến với thế giới này thông qua cha mẹ, có quyền và sự lựa chọn của riêng mình. Yêu cầu con cái phải sống theo ý cha mẹ không phải là tình yêu mà là sự giam cầm vô hình.
Khi một người đối mặt với cảnh bị kìm kẹp, điều đầu tiên anh ta nghĩ đến là đối đầu, tiếp theo là trốn thoát, và cuối cùng là thỏa hiệp. Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái họ nổi loạn, nhưng họ không biết rằng chúng đang đấu tranh cho tự do và quyền lợi của chính mình.
Có thể sau một thời gian đối đầu, con trở nên ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đứa trẻ không còn là con người ban đầu nữa. Đằng sau hành vi nghe lời của trẻ là một sự từ bỏ.
Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là gì? Yếu tố quyết định không phải là trình độ học vấn, tình trạng thu nhập của cha mẹ, mà là mức độ thấu hiểu con cái. Hãy đảm bảo rằng con luôn cảm thấy an toàn và được yêu thương trong vòng tay cha mẹ. Tuy nhiên, hãy lưu ý đừng làm chúng cảm thấy “ngột ngạt” với tình yêu thương thái quá của bạn.