Chúng ta đều biết rằng, mỗi lời nói và việc làm của con cái đều chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ. Lan Xiang – nhà văn thiếu nhi nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái bắt đầu từ thời thơ ấu và kéo dài suốt đời”. Đôi khi một hành động vô tình và rất nhỏ của cha mẹ cũng có thể tác động tiêu cực đến trẻ, gây ra ảnh hưởng không thể xóa nhòa.
Là cha mẹ, điều chúng ta mong mỏi nhất chính là nuôi dạy con khỏe mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên không phải lúc nào cha mẹ cũng làm được điều này. Vậy đâu là vấn đề?
Giáo sư Tâm lý nổi tiếng người Mỹ Susan Forward từng nói: “Trẻ sẽ luôn tin những gì cha mẹ nói về mình. Mỗi lời cha mẹ nói đều có ma lực, càng thân thiết thì càng phải chú ý ngôn từ cho phù hợp”. Theo đó, muốn nuôi dạy con cái hạnh phúc, cha mẹ cần phải bớt nói 3 câu:
1. Câu tiêu cực
Trong quá trình dạy dỗ, rất nhiều cha mẹ thường thích dọa con: “Nếu không học hành tử tế thì sau này chỉ có đi nhặt rác”; “Học dốt như này thì sau làm được trò trống gì?”;... Cha mẹ cần biết rằng, trẻ sẽ không bị thúc đẩy bởi ngôn ngữ tiêu cực của cha mẹ mà chỉ cảm thấy xấu hổ, tổn thương về mặt tinh thần.
Đối với trẻ, lời nói của cha mẹ giống như một hạt giống. Nếu cha mẹ nói lời hay ý đẹp, lời động viên, cổ vũ thì sẽ gieo vào lòng trẻ một mầm cây tự tin, dũng cảm. Ngược lại, cha mẹ nói lời tiêu cực thì sẽ gieo vào lòng trẻ cảm giác tự ti, nhút nhát,…
2. Câu buộc tội
Trên diễn đàn mạng Zhihu của Trung Quốc từng xuất hiện chủ đề: “Cha mẹ đã để lại bóng đen tâm lý nào cho bạn?” – một cư dân mạng vào trả lời: “Những lời buộc tội vô tận của cha mẹ đã khiến tôi mãi mãi sống trong sự nghi ngờ bản thân”.
“Con đã sai lại còn ngụy biện”; “Im miệng, đừng có cãi, sao lúc nào con cũng bướng bỉnh thế?”;… đã bao giờ bạn phải nghe những lời này từ cha mẹ? Và các bậc cha mẹ, đã bao giờ chính bạn nói ra những lời này với con?
Nhiều cha mẹ dùng những lời nói gây tổn thương như một “câu thần chú” để bắt ép con phải ngoan ngoãn nhưng họ lại quên mất rằng, đây cũng có thể là một lưỡi dao cứa vào tinh thần trẻ. Sống dưới sự buộc tội của cha mẹ, con cái sẽ nghi ngờ tình thương của cha mẹ, lúc nào cũng rơi vào bất lực, bất an. “Cha mẹ không tin mình, mình có đúng cũng không được nói lại, mình không có quyền lên tiếng,…” – đó sẽ là những điều mà trẻ nghĩ.
Tổn thương tâm lý này sẽ đi cùng trẻ suốt đời và trở thành chiếc gông cùm mà trẻ không thể rũ bỏ trong suốt quãng đời còn lại.
3. Câu than thở
Một bà mẹ ở Trung Quốc từng chia sẻ lại câu chuyện của mình lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự chú ý. Cô kể, có một hôm con gái cô bỗng nhiên hỏi: “Mẹ ơi, con đã làm gì sai ạ?”. Khi cô ngạc nhiên hỏi lại thì con nói: “Mẹ tuy không đánh mắng con nhưng gần đây mẹ luôn thở dài, nói rằng mẹ rất mệt mỏi, nhà không có tiền, cuộc sống quá khó khăn… Con cảm thấy thật tệ, nhất định con đã làm sai điều gì…”.
Nghe thấy con nói vậy, cô vội ngắt lời và ôm con vào lòng: “Mẹ xin lỗi vì chuyện cá nhân ảnh hưởng đến con. Những chuyện này đều không liên quan gì đến con cả. Con ngoan lắm”.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi cha mẹ vô ý nói ra những câu than thở, tiêu cực. Cha mẹ nói ra để đỡ bực bội, mệt mỏi, than cho đỡ nặng lòng nhưng không ngờ rằng, những lời đó gây hại rất lớn cho trẻ. Khi nghe phải quá nhiều lời than vãn tiêu cực, trẻ sẽ thấy thế giới xung quanh toàn một màu xám xịt. Trẻ bỗng cảm thấy bi quan, thận trọng và nhiều lúc cảm thấy chính mình là người có lỗi.
“Nếu không phải nuôi mình, không phải đóng tiền học, mua quần áo mới cho mình, có phải bố mẹ sẽ không phải vất vả như thế”, “Mình đúng là gánh nặng của bố mẹ”,… – đó sẽ là những điều ám ảnh tâm hồn non nớt của trẻ. Chính vì vậy, để trẻ trưởng thành hồn nhiên và hạnh phúc, cha mẹ cần chú ý cảm xúc, đừng để cuộc sống bộn bề của người lớn ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.