Với 2 điểm 10 tròn môn Toán và tiếng Anh cùng 9,25 điểm Văn (tổng điểm 29,25), nữ sinh Vũ Ngọc Bích (sinh năm 2008, học sinh lớp 9A2 trường THCS Lê Anh Xuân) đã xuất sắc trở thành thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM năm nay. Với thành tích này, Ngọc Bích mong muốn được theo học lớp không chuyên của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
Chưa từng nghĩ sẽ trở thành thủ khoa
Vừa ngồi chia sẻ lại thành tích đạt được, cô bạn vừa thỏ thẻ bản thân không tin mình lại trở thành thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM. Ngay kể cả khi bản thân Ngọc Bích là một người học đều tất cả các môn thì thành tích này vẫn ngoài sức tưởng tượng của cô bạn, mọi thứ vừa xảy ra chẳng khác gì một giấc mơ cả.
“Buổi sáng có điểm thi, mình vừa mới ngủ dậy đã thấy bạn bè nhắn tin nhắn liên tục. Như một phản xạ, mình vội vàng gọi bố mẹ vào để xem điểm cùng. Khi biết điểm cao như vậy, mình cũng chẳng nghĩ gì ngoài việc bản thân sẽ ‘chắc suất’ trúng tuyển vào một trường THPT mà bản thân yêu thích. Tuy nhiên, một lúc sau thì mọi người có nhắn mình là thủ khoa. Lúc đó mình không tin đâu vì ngoài kia có biết cao người tài giỏi cơ mà”, Ngọc Bích kể lại.
Không chỉ có Ngọc Bích, mà bố mẹ của nữ sinh cũng chẳng thể ngờ được một con mình lại có thể trở thành người có điểm cao nhất kỳ thi vào 10 của TP.HCM. Họ liên tục nhắc Bích rằng hãy kiểm tra điểm số thật kỹ đi, không biết đâu lại mất công mừng hụt. Chỉ khi có thông tin chính thức được đăng lên mạng xã hội, cả gia đình mới vỡ òa trong cảm xúc, vui sướng vì thành tích của con đã đạt được.
“Khi có thông tin chính thức, mình vui mừng xen lẫn sự phấn khích, song song với đó mình cũng tự hào vì đã thể hiện được xuất sắc trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời này”, Ngọc Bích nói.
Bất ngờ với điểm số môn Văn
Thật ra sau khi thi xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Ngọc Bích đã có thể áng chừng được điểm môn Toán và tiếng Anh. Nhưng môn Văn thì dường như không thể vì nó còn dựa vào nhiều yếu tố khác để xác định được điểm chính xác. Đã thế, nữ sinh còn không học thêm Văn quá nhiều (1 buổi/tuần), trong khi đó Toán (3 buổi/tuần) và tiếng Anh là (2 buổi/ tuần).
“Hồi cấp 2 mình học tương đối đều, tất cả các môn, đặc biệt là tiếng Anh và Toán nên điểm số cao như vậy ở hai môn này mình không bất ngờ là bao. Tuy nhiên, điều khiến mình phấn khích nhất đó chính là môn Ngữ văn với điểm 9,25″, cô bạn nói.
Một trong những yếu tố khiến Bích đạt điểm cao môn Ngữ văn đó chính là việc nữ sinh biết cách “thả” cái tôi vào trong từng câu, từng chữ. Cô bạn chia sẻ: “Khi bạn có thể đưa được những nhận xét của bản thân về một vấn đề cần bóc tách trong đề thi, thì sẽ khiến người chấm ấn tượng. Bởi lẽ, kiến thức mọi người được dạy là như nhau, chỉ có quan điểm cá nhân là khác nhau. Mà đây mới là chủ chốt để đánh giá về khả năng cảm thụ văn học của người viết”.
Còn về hướng trình bày bài thi, Bích tự đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu giám khảo ngồi chấm một khi với bố cục lộn xộn, cùng chữ viết ngoằn ngoèo. Do đó, theo Bích, việc trình bày cũng rất quan trọng, nó chiếm một phần trong barem điểm. Ngoài ra, một điều đơn giản mà đa phần học sinh thường bỏ qua đó chính là việc suy ngẫm về đề trước khi bắt tay vào viết. Không cần quá nhiều thời gian, chỉ 2-3 phút thôi cũng giúp chúng ta vạch ra được những ý chính cần triển khai trong bài, từ đó phát triển ý tứ sẽ rõ ràng, rành mạch hơn mà không bị bỏ sót điểm.
Trong đề Văn thi vào 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM năm nay, nữ sinh ấn tượng nhất với câu 2 (3 điểm). Theo đó, đề yêu cầu từ đoạn trích trong bài thơ Từng Ngày Ba Mẹ Thở Theo Con của tác giả Lê Minh Quốc, rồi viết đoạn văn 500 chữ với nhan đề: Nêu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…
Nữ sinh đã “mổ xẻ” câu hỏi với 3 luận điểm chính: Đầu tiên, giao tiếp kết nối con người mà khi giữ trong lòng thì không ai hiểu tâm tư của mình từ đó sợi dây kết nối giữa người với người sẽ mất đi, dễ hời hợt, vô cảm với nhau; Thứ hai, thời gian là hữu hạn nên con người nên thổ lộ tâm tư tình cảm của mình trước khi không có cơ hội; Thứ ba, cuộc sống phát triển thì con người ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, khi chúng ta được giúp đỡ thì cũng phải biết giúp đỡ lại.
Bí quyết học gói gọn trong chữ “tự giác”
“Học chất lượng quan trọng hơn số lượng” – là quan điểm mà Bích hướng đến trong suốt quá trình ôn thi của mình. Cô bạn đưa ví dụ chứng minh: “Sau khi giải bài sai, mình sẽ làm đi làm lại bài đó để thẩm thấu được cách làm, cũng như để tránh được lỗi sai tương tự trong quá trình làm bài thi sau này. Ngược lại, khi mọi người làm quá nhiều nhiều bài tập khác nhau, nhưng không đọng lại bất kỳ kiến thức gì hết sẽ vừa phí hoài thời gian, vừa không thu được bất kỳ ích lợi gì”.
Hơn nữa, tinh thần tự học theo Bích là điều cực cần thiết. Sự tự giác đã theo cô bạn trong suốt quá trình dài học tập không chỉ trong giai đoạn ôn thi vào 10, mà từ hồi cấp 2. Chỉ khi bản thân siêng năng, kiên trì thì mới có thành quả được, chứ không có gì gọi là tự nhiên đạt điểm cao, rồi tự nhiên giỏi được.
Có đôi lúc vì quá lo lắng cho các kỳ thi, mà cô bạn ép bản thân vào khuôn khổ đến mức học xuyên đêm suốt sáng, nhưng tần suất như vậy không quá nhiều.
“Khoảng thời gian ôn thi vừa qua, đã có lúc mình thức học đến 3 giờ sáng lận bởi khi vào giai đoạn nước rút, mình cảm thấy kiến thức vẫn chưa đủ. Do đó, mình đã quyết định uống cafe để ngồi học. Khi đó, mình phải giấu bố mẹ xuống phòng khách để học, học xong rồi lăn ra đất ngủ luôn. Sáng ra bố mẹ phát hiện đã mắng mình một trận, vì gần thi rồi không biết giữ gìn sức khỏe. Mong các bạn khác đừng làm theo như vậy nhé!”, Bích chia sẻ lại kỷ niệm.
Thật sớm để nói về tương lai phía trước, nhưng đối với Ngọc Bích, cô bạn vẫn sẽ duy trì tinh thần tự học, cải thiện những cái mà mình đang có mà phát triển thêm những cái bản thân đang thiếu. Tự nhận là một người khá “tăng động”, nhiều năng lượng nên Ngọc Bích mong muốn sẽ học tập trong một môi trường tốt để phát triển kỹ năng mềm và khả năng tham gia hoạt động ngoại khóa của bản thân, đặc biệt là ca hát – một lĩnh vực mà Bích yêu thích.
Ảnh: NVCC