Từ đoạn video 7 phút của chủ tịch ACB Trần Hùng Huy gây ” sốt ” mạng…
Ba ngày sau đoạn video chủ tịch ACB Trần Hùng Huy hát, nhảy như ca sĩ trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB được lan truyền trên mạng xã hội, sức nóng và mối quan tâm đến vị chủ tịch này vẫn chưa hết nóng. Theo số liệu từ YouNet Media, chủ đề liên quan đến màn trình diễn của ông Trần Hùng Huy đã thu hút 17.341 lượt thảo luận (tính tại thời điểm 20 giờ ngày 6/6).
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa Trần Hùng Huy, sẽ có 21.400.000 kết quả trong vòng 0,44 giây. Sau nhiều ngày, các từ khóa “Chủ tịch ACB hát Cô Đơn Trên Sofa của Hồ Ngọc Hà”, “Clip chủ tịch Trần Hùng Huy nhảy”, “Chủ tịch Trần Hùng Huy hát trong tiệc sinh nhật công ty”… vẫn nổi bật trên nhiều hệ thống tìm kiếm.
Dưới góc nhìn truyền thông, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) đã có những phân tích vô cùng thú vị về sự viral (lan truyền) của đoạn video chủ tịch ACB Trần Hùng Huy, và cả cách làm nóng dư luận của các ông lớn ngành bán lẻ di động – nổi bật nhất trong cuộc chiến về giá rẻ gây xôn xao gần đây với những cái tên như Thế giới di động và Di động Việt.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen).
“Viral là một trạng thái đặc biệt của truyền thông, trong đó người nghe lại biến thành người kể, bằng cách lan truyền câu chuyện truyền thông đi tiếp. Vậy nên nguyên lý ở đây là, nếu câu chuyện không đủ đơn giản đến mức để người ta có thể lan truyền hay kể lại, thì nó vĩnh viễn không bao giờ đạt được trạng thái viral. Bất chấp nó có hay ho thú vị hay xúc động thế nào.
Quay trở lại phần trình diễn của chủ tịch Trần Hùng Huy, theo chuyên gia Long, đó là một tiết mục thoạt nhìn có thể tưởng là phức tạp, nhưng thực tế lại vô cùng đơn giản. Theo ông, mỗi người không cần phải là nhà văn hay một quay film thắng giải oscar để bà tám và phát tán câu chuyện này đi tiếp. Bất cứ ai giơ điện thoại lên đều có thể thành người kể chuyện.
Ngay cả khi chỉ ngồi nhà và “hóng”, thì bất cứ ai cũng kể được câu chuyện này vô cùng hoàn chỉnh với rất nhiều chi tiết như chủ tịch cởi áo hát dưới mưa, chủ tịch ACB đẹp như nam thần, tài giỏi, giàu có…
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, câu chuyện truyền thông là một khái niệm không thể tiếp nhận dựa trên cái nhìn… bình thường, và truyền thống. Không chỉ làm cho câu chuyện trở nên đơn giản và hấp dẫn mà còn cần biến nó thành một câu chuyện dài kỳ. Và quan trọng là câu chuyện đó có sức hút với số đông, chứ không hẳn chỉ tạo ra vô số cuộc thảo luận trên báo chí và mạng xã hội. Và rõ ràng, màn trình diễn của chủ tịch ACB Trần Hùng Huy có đủ các yếu tố để viral.
Màn trình diễn của chủ tịch ACB Trần Huy Hùng viral và nhờ thế, ai ai cũng biết ACB vừa có gala kỷ niệm 30 năm thành lập.
… Đến cuộc chiến về giá rẻ kéo dài cả tháng của ông lớn ngành bán lẻ di động
“Bản chất của việc làm truyền thông gồm 2 bước lớn. Thứ nhất, chúng ta phải có một câu chuyện đủ hay, và thứ 2, là phải có cách kể chuyện cũng hay không kém. Và đây chính là thứ mà Di Động Việt và CEO Nguyễn Ngọc Đạt còn thiếu, trong cuộc chiến về giá với Thế Giới Di Động”, ông Long phân tích trong bài viết với tựa đề “Khi nào chủ tịch Nguyễn Ngọc Đạt của DDV mới chịu cởi áo hát dưới mưa như chủ tịch Trần Hùng Huy của ACB” đăng trên trang Facebook cá nhân.
Cách đây tầm một tháng rưỡi, Thế Giới Di Động tung chiến dịch Giá rẻ quá nhằm xoá bỏ nhận thức của số đông rằng cứ nói tới TGDD là giá đắt. Chiến dịch được thực hiện rầm rộ cả trên online lẫn offline, với câu phát pháo của chủ tịch Nguyễn Đức Tài tuyên bố sẽ làm cho các chuỗi bán lẻ khác phải ôm đầu máu và rên xiết.
Ngay sau đó, FPT tung chương trình “rẻ hơn giá rẻ” để phản hồi, và Di Động Việt cũng không chịu ngồi im với chiến dịch “Rẻ hơn các loại rẻ” ngầm ám chỉ giá ở đại lý này mới là rẻ nhất.
Cuộc chiến giá rẻ giữa các đại gia bán lẻ mang lại mức giá tốt hiếm có cho nhiều dòng iPhone.
Để kiểm chứng điều này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long đã khảo sát thử cùng một sản phẩm iPhone 14 pro max 128GB màu đen tại các đại lý bán lẻ thì Di Động Việt rẻ hơn các nơi khác khoảng 400.000 đồng.
Vậy tại sao Di Động Việt không “gào thét” câu chuyện này trên truyền thông cho thật lớn? – ông Long chia sẻ quan điểm.
“Di Động Việt giải thích rằng họ đang muốn truyền tải thông điệp chính là Giá trị vượt trội. Và trong nhiều thứ tạo ra cái giá trị vượt trội đó thì có yếu tố quan trọng là giá rẻ. Cụ thể hơn, trong giai đoạn chiến tranh này, thì cái giá rẻ ấy đang là rẻ hơn bất cứ bên nào tham chiến. Tạm hiểu vũ khí nghênh chiến của hệ thống này đang là “Giá trị cao nhất và giá tiền rẻ nhất”, nhưng truyền thông thì loay hoay chưa tới. Dẫn tới mọi thứ đang mờ nhạt”.
Theo vị chuyên gia, Di Động Việt rõ ràng có thể hơn Thế giới di động ở giá trị mang tới cho khách hàng (ít nhất là mong muốn làm như vậy).
“Họ có mức giá cách biệt gần 400.000 đồng cho cùng một sản phẩm, nhưng thông điệp giá rẻ được bao bọc trong câu chuyện ‘Chuyển dịch triết lý kinh doanh’ chưa phải là một câu chuyện đủ hay để thu hút số đông.
Cụ thể là chưa hay bằng câu chuyện mà Thế giới di động đang tung hứng. TGDĐ đang thể hiện quyết tâm rất lớn khi tạo ra một câu chuyện truyền thông gây tiếng vang. Câu chuyện kể về lần đầu tiên một ông lớn, có thể coi như lớn nhất ngành bán lẻ chính thức gia nhập cuộc đua giá rẻ. Nó còn được thêm thắt nhiều tình tiết gay cấn như chủ tịch tuyên bố cho đối thủ than khóc và rên xiết; tung TVC trên online, triển khai ngày hội bán hàng dưới offline. Tất cả cộng hưởng thành một câu chuyện đầy kịch tính và đậm chất showbiz xanh đỏ tím vàng.
Đấy là ở vế thứ nhất về câu chuyện. Qua tới vế thứ hai, TGDĐ cũng đang kể câu chuyện này theo một cách rất hay. Đầu tiên, là họ la hét to hơn, ở vị thế chủ động hơn, và trên nhiều kênh hơn hẳn. Sau nữa, thông điệp họ đưa ra cũng rõ ràng và nhất quán, đó là giá rẻ.
Nó đủ hấp dẫn và quyến rũ tới mức những khách hàng đang đến gần sát cửa hàng của Di Động Việt có thể quay xe. Họ quay xe khi chưa biết rằng chỉ cố bước thêm một bước, có thể đã gặp một kho vàng. Chứ không phải quay xe sau khi chạm tay vào kho vàng nhưng thấy rằng nhu cầu của mình là kho đồng hay kho bạc”.
Cuộc chiến giá rẻ giữa nhiều hệ thống bán lẻ.
Ông Long đồng tình rằng mức giá của Di Động Việt đang rẻ nhất, mang tới cho khách hàng nhiều giá trị nhất. Nhưng nếu “la lên không đủ lớn, thì ai sẽ quan tâm?”
“Hiển nhiên mỗi thương hiệu có chiến lược kinh doanh, có chiến lược truyền thông và cách thức xây dựng rất khác nhau. Nhưng tựa đề bài viết đặt ra câu hỏi “Khi nào chủ tịch Nguyễn Ngọc Đạt của DDV mới chịu cởi áo hát dưới mưa như chủ tịch Trần Hùng Huy của ACB” không phải nói về hành động nào cụ thể. Tôi chỉ muốn nói rằng, Di Động Việt đang có lợi thế về giá trị, thì hãy dám thử một lần làm một ván bài truyền thông cho đủ lớn” – chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.