Chủ tịch tập đoàn EY lên tiếng: Nói gì mà netizen tiếp tục phẫn nộ?
Một vụ việc đang gây rúng động Ấn Độ khi cô gái Anna Sebastian Perayil (26 tuổi) qua đời sau 4 tháng làm việc tại công ty EY (tập đoàn Big 4 về kiểm toán hàng đầu thế giới).
Nguyên nhân cái chết của Anna đang được xác minh và làm rõ. Anna đã qua đời vào ngày 20/7 khi đang trên đường đi cấp cứu. Tuy nhiên, nguyên nhân được cho là do áp lực và khối lượng công việc căng thẳng diễn ra suốt vài tháng khi Anna làm việc ở tập đoàn EY.
Ngoài ra, một sự thật đau lòng khác khi Anna qua đời, không có bất kì ai trong tập đoàn EY đến viếng đám tang của cô.
Sau đó, Anita Augustine (mẹ của Anna) đã viết tâm thư dài 3 trang A4 gửi đến chủ tịch tập đoàn EY, cho biết con gái đã qua đời vì “công việc quá sức”. Bà nêu nhiều dấu hiệu làm việc độc hại của công ty như: Con gái thường xuyên về nhà trong tình trạng kiệt sức, bị giao việc vào ban đêm, quản lý không quan tâm và ngó lơ sức khoẻ của nhân viên…
Sau khi bức tâm thư của mẹ Anna được đăng tải, một làn sóng phản đối đã liên tục chỉ trích tập đoàn EY ở Ấn Độ khi xây dựng văn hoá làm việc căng thẳng.
Trước làn sóng chỉ trích này, ông Rajiv Memani (chủ tịch tập đoàn EY ở Ấn Độ) đã lên tiếng về sự việc trên trang cá nhân.
Ông cho biết đã nhận được tâm thư của mẹ Anna và cảm thấy vô cùng đau buồn trước những gì đã xảy ra.
“Tôi thực sự hối hận vì chúng tôi đã không có mặt tại đám tang của Anna. Điều này hoàn toàn xa lạ với văn hoá làm việc của chúng tôi. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, và sẽ không bao giờ xảy giờ nữa”, chủ tịch EY cho biết.
Ông nói thêm: “Tôi vô cùng đau buồn và là một người cha, tôi có thể tưởng tượng được nỗi đau của bà Augustine đang chịu đựng. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, mặc dù không gì có thể lấp đầy khoảng trống này trong gia đình họ. Đối với chúng tôi, việc tạo ra môi trường làm việc lành mạnh rất quan trọng và chúng tôi luôn coi trọng sức khoẻ của tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, lời lên tiếng muộn màng của vị chủ tịch EY không thể xoa dịu được dư luận.
Bởi trước đó, ông đã khiến cả cõi mạng bức xúc khi bày tỏ sự nghi ngờ về những cáo buộc cho rằng Anna qua đời vì làm việc quá sức.
“Cô ấy được phân công làm việc như mọi nhân viên khác. Chúng tôi không tin rằng áp lực công việc có thể cướp đi mạng sống của cô ấy”, chủ tịch EY trả lời phỏng vấn trên The Indian Express.
Thái độ dửng dưng đến đáng sợ của tập đoàn EY khi phát hiện nhân viên qua đời
Hiện tại, những dòng chia sẻ của chủ tịch EY vẫn nhận về nhiều phản ứng phẫn nộ trên MXH. Trong đó, nhiều người cho rằng phải có sự điều tra cụ thể về cái chết của Anna liệu có liên quan đến việc phải làm việc kiệt sức trong thời gian dài hay không.
Bên cạnh đó, nhiều người chỉ ra thái độ dửng dưng của tập đoàn EY khi biết nhân viên vừa qua đời: Không một ai đến viếng đám tang! Chỉ khi tâm thư của mẹ Anna bùng nổ trên MXH, thì chủ tịch tập đoàn mới biết và đưa ra lời xin lỗi. Điều này chứng tỏ khi cô qua đời, công ty còn không có động thái thông báo và chia sẻ nỗi đau mất mát này trong nội bộ nhân viên.
Những công ty Big 4 về kiểm toán (bao gồm: EY, Deloitte, KPMG, PwC) được biết đến là những nơi có thời gian làm việc kéo dài, thường xuyên tăng ca vào cuối tuần. Vì vậy, đối với netizen, cái chết của Anna chính là một lời cảnh tỉnh về văn hoá làm việc đang tồn tại ở nhiều công ty tại Ấn Độ, nơi những người trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.
Ấn Độ là một quốc gia đông dân nhất thế giới và đang phải vật lộn với việc cung cấp việc làm cho 1,4 tỷ dân, mặc dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ trong độ tuổi 15-24 là 17,9%.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, người Ấn Độ làm việc trung bình 46,7 giờ/tuần. Con số này đã đánh bại nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản (36,6), Hàn Quốc (38,6) và Trung Quốc (46,1).
Dưới đây là một số bình luận nổi bật bên dưới bài viết của Chủ tịch EY:
– “Nhiều báo cáo rằng nhân viên EY chỉ làm 8 giờ/ngày trong bảng chấm công. Thế nhưng, nhiều người vẫn luôn phải tăng ca quá thời gian này. Điều này có đúng không?”.
– “Vậy là chỉ sau khi có cái chết của nhân viên thì tập đoàn EY mới biết văn hoá công ty độc hại thế nào? Liệu có biết bao bạn trẻ khác từng trải qua cảm giác kinh hoàng như Anna?”.
– “Tôi đã từng làm việc cho EY ở Ấn Độ và đây là một trong những nơi làm việc độc hại nhất. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nếu bạn quan tâm đến phúc lợi của công ty thì sẽ nhận thức rõ được điều đó. Thế nhưng vị chủ tịch chỉ đưa ra tuyên bố chung chung, cảm thấy đau xót cho Anna và gia đình cô ấy, những người xứng đáng được quan tâm sớm hơn. Văn hoá làm việc độc hại trong công ty đang tạo nên cái chết từ từ của nhiều người, nhưng vị chủ tịch lại cho rằng không phải điều đó. Liệu chủ tịch EY có thực sự nhận ra vấn đề không?”.
– “Đây không phải vụ tự tử. Cô gái không hề có tiền sử bệnh tim hay bất kì vấn đề nào khác. Cô ấy đủ cẩn thận để đi khám bác sĩ vài tuần trước đó. Vì vậy rõ ràng đây là trường hợp của sự tắc trách và thiếu quan tâm sức khoẻ nhân viên, đến từ quản lý trực tiếp nói riêng và cả tập đoàn nói chung. Chúng ta là con người và cần sự nghỉ ngơi. Trở thành người giỏi nhất EY cũng không thể níu kéo mạng sống của Anna nữa rồi”.
Nguồn: NBC News, NDTV