Chuyên gia nói gì về tranh cãi “Ở Việt Nam, chứng chỉ IELTS đang ngày càng ‘méo mó'”?
“Khi học đến chuyên ngành, bất kể ngành gì ở nước ngoài, thì năng lực chuyên môn mới quyết định bạn có ra trường được hay không”.
- Loạt rapper “con nhà người ta” toàn học trường chuyên lớp chọn, có người sở hữu cả IELTS 8.0
- Bộ GD&ĐT thông báo khẩn sau lùm xùm đột ngột chỉnh quy định quy đổi điểm IELTS
- Học sinh bức xúc IELTS 8.0 vẫn không được miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT
“Ở Việt Nam, chứng chỉ IELTS đang ngày càng “méo mó” là quan điểm “gây bão” nhiều ngày nay trên mạng xã hội. Quan điểm này cho rằng: Chứng chỉ IELTS sinh ra vốn dĩ là để chứng minh khả năng của một sinh viên ngoại quốc khi tham gia học ở Anh hoặc Mỹ hay nhiều quốc gia khác. Vì lẽ đó, IELTS không sinh ra dành cho học sinh cấp 2 hay cấp 3.
Bên cạnh đó, nếu chỉ biết IELTS thôi mà không có kiến thức chuyên ngành, thì bạn cũng chẳng thể làm được gì, chẳng biết viết lách, nghiên cứu cái gì. Tiến sĩ ở nước ngoài cũng chỉ cần IELTS tới 6.5 cơ bản là đủ. Không hiểu sao ở Việt Nam đua nhau luyện tới 7, 8 chấm. Chứng chỉ IELTS cuối cùng chỉ để… khoe mà không đóng góp được gì cho đất nước.
Đồng thời, người viết cũng cho rằng, muốn phát triển thì phải ưu tiên khoa học công nghệ chứ không chỉ chạy theo chứng chỉ ngoại ngữ. Đây là nền tảng để xây dựng khoa học, đào tạo các kỹ sư, chuyên gia, nhà kinh tế cho đất nước và cho sự phát triển khoa học.
Bài viết nhận được rất nhiều sự chú ý, bình luận trái chiều.
Với quan điểm này, luồng ý kiến đồng tình cho rằng, xã hội đang “cuồng” tiếng Anh quá mức, nhất là chạy đua điểm số IELTS. Sự “hào nhoáng” của chứng chỉ này đã khiến không ít gia đình lên “chiến lược” cho con ôn luyện từ rất sớm, thậm chí cả khi con mới đang ở bậc tiểu học. Trong khi, ngôn ngữ sẽ là công cụ quan trọng để tiếp cận các kiến thức về Toán, Khoa học, Kỹ thuật, Văn hóa… Nó không nên là đích đến để rồi làm giảm đi động lực để phát triển các lĩnh vực khác.
Ở chiều ngược lại, một số người nhận định, biết bao nhân tài ngoài kia không chỉ giỏi chuyên môn, kỹ năng thành thục mà tiếng Anh cũng rất “xịn”. Tiếng Anh là công cụ giúp ta bước ra thế giới và tiếp cận với kho kiến thức trí tuệ của nhân loại. Các bạn trẻ bây giờ có nền tiếng Anh từ trước nên học và thi chứng chỉ tiếng Anh nhẹ nhàng hơn người thời trước nhiều, không đến nỗi vì học ngoại ngữ mà bỏ bê môn khác. Thậm chí còn nhiều người vì có thêm ngoại ngữ trong tay mà được tiếp cận một nền giáo dục khoa học hiện đại, tiên tiến hơn.
Việc ưu tiên xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ tại thời điểm này là một cú hích cần thiết trong ngắn hạn để nâng cao khả năng ngoại ngữ của người trẻ. Và thực sự đang có hiệu quả rất khả quan.
“Bản thân kỳ thi IELTS không có gì méo mó, méo mó nằm ở nhận thức”
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm cho rằng: Bản thân kỳ thi IELTS không có gì méo mó, méo mó nằm ở nhận thức của một số người về công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn hoá.
“Để hiểu rõ nguồn gốc của các kỳ thì chuẩn hóa ngôn ngữ, chúng ta cần phải hiểu rõ sự phân định về vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục. Ví dụ bức tranh ở Mỹ, năng lực ngôn ngữ được phân nhóm thành 2 dạng.
Nhóm thứ nhất là BICS (Basic interpersonal communication skills), dịch là kỹ năng giao tiếp cơ bản giữa các cá nhân. Nhóm kỹ năng này người bản xứ tự hình thành trong quá trình trưởng thành. Nhưng Mỹ là một quốc gia đa chủng tộc, nên còn có một lượng lớn các trẻ nhỏ nhập cư vào Mỹ mà không nói tiếng Anh.
Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng, trong môi trường trường học, các trẻ nhập cư đang trong độ tuổi vàng để thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên, thì sớm nhất là sau 6 tháng trẻ có thể bắt đầu thể hiện một số kỹ năng BICS, và sau 1 đến 2 năm thì trẻ có thể giao tiếp trôi chảy, hòa nhập bình thường với bạn bè, xã hội. Nôm na người Việt chúng ta quan sát là ‘nói như gió’.
Tuy vậy, dù rất yên tâm và tự hào do con cái nghe nói tốt, các giáo viên lại sớm phát hiện các bạn trẻ dù thành thạo BICS, cũng học tập khó khăn ở các môn khác trong trường phổ thông. Điều này dễ lý giải, kỹ năng giao tiếp là bản năng của loài người, nhưng dạng ngôn ngữ trong giáo dục lại khác rất nhiều: Chúng ta gọi đó là ngôn ngữ học thuật.
Nhóm năng lực ngôn ngữ thứ 2 ở Mỹ gọi là CALP (Cognitive Academic Language Proficiency), dịch là năng lực ngôn ngữ tư duy hàn lâm/học thuật. Không có năng lực CALP, học sinh rất khó học các môn ở cấp trung học, chưa cần nói đến cấp đại học. Điểm tôi xin nhấn mạnh là trong môi trường mà ở Việt Nam vẫn ví von là ‘tắm tiếng Anh’, thì BICS cần nhiều nhất vài năm, còn CALP có thể cần ít nhất đến 5 tới 10 năm để thụ đắc ‘đủ’ đáp ứng nhu cầu học tập.
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm
Vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục không phân chia cụ thể độ tuổi, và càng không ám chỉ sự ưu việt của nhóm kỹ năng hay năng lực nào trong tương quan với nhau. Điều cần nói, đó là các thang đo năng lực ngoại ngữ, như IELTS, có thiên hướng đo về năng lực CALP ở kỹ năng đọc viết, và BICS ở kỹ năng nghe nói.
Ở hệ quy chiếu như tôi trình bày, IELTS sẽ méo mó nếu áp dụng ôn luyện cho lứa tuổi tiểu học, và thậm chí là các lớp thấp của trung học. Người làm chính sách giáo dục, nếu đưa kỳ thi chuẩn hóa vào, cần làm rõ thang tham chiếu khoa học của mình là gì để tranh biện có cơ sở.
IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ, không liên quan đến các kỹ năng, năng lực khác. Đây là điều không phải bàn cãi. Nhưng nhìn một bức tranh rộng hơn, năng lực ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ thì cần phải đào tạo năng lực CALP thì học sinh mới có thể tiếp cận, trao đổi, giao lưu với nguồn tri thức Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa của thế giới.
Các thang đo năng lực ngoại ngữ, như IELTS, có thiên hướng đo về năng lực CALP ở kỹ năng đọc viết, và BICS ở kỹ năng nghe nói.
Chuyên gia Ngô Huy Tâm
Các nhà nghiên cứu đầu ngành, có thể không cần BICS ở cấp độ cao vì họ chỉ cần có năng lực CALP cao là có thể nghiên cứu. Nhưng nếu đào tạo trẻ nhỏ thì ta cần hướng đến giáo dục toàn diện, cả BICS và CALP đều quan trọng và đều giúp các em có nhiều cơ hội để thành công trong thế giới tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam thiếu một hệ thống các bài thi chuẩn hóa đầu vào. Trong bối cảnh này, IELTS, TOEFL là lựa chọn an toàn nhất cho người làm chính sách”.
“Các học sinh, sinh viên của tôi, tôi sẽ khuyên không cần đạt điểm IELTS tối đa”
Ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ lớp 1, chuyên gia Ngô Huy Tâm còn hướng dẫn thi MCAT (Bài kiểm tra đầu vào trường Y) cho học sinh/sinh viên để đăng ký học các trường Y tại Mỹ. Trong khi đa số các ngành khác sẽ học và thi SAT, ngành Y phải có bài thi riêng.
“Với kỳ thi MCAT, trình độ ngôn ngữ đo trên thang IELTS 9 chấm cũng không phải là lợi thế gì lớn, vì bài thi này bao gồm kiến thức Toán, Hoá, Lý, Sinh, Xã hội học, Tâm lý học, Logic, Kỹ năng phân tích ngôn ngữ sâu. Tương tự, ngành luật có kỳ thi LSAT.
Ở cấp độ trung học cơ sở, cũng có bài thi SSAT gồm Toán, Anh, Văn làm cơ sở xét tuyển. Tại sao Việt Nam không áp dụng? Có lẽ đơn giản là do chi phí cao, tiếp cận không rộng rãi, và về mặt chuyên môn, cả hệ thống giáo dục của chúng ta chưa sẵn sàng để có thể dạy và ôn thi diện rộng các kỳ thi chuẩn hóa phức tạp. Và như vậy, nếu phải chọn một kỳ thi chuẩn hoá, sẽ chỉ còn các bài thi về năng lực ngôn ngữ”.
Ý kiến cá nhân của chuyên gia Ngô Huy Tâm là điểm IELTS sẽ phản ánh năng lực cần thiết cho một bước tiếp theo, thì giá trị nó mang lại sẽ là những giá trị, đóng góp cho xã hội. Bản thân điểm IELTS cao chỉ có một giá trị duy nhất, nó nói với các nhà tuyển sinh và tuyển dụng rằng ngôn ngữ sẽ không phải là nguyên nhân lớn nếu bạn thất bại trên con đường học tập suốt đời.
“Vì là kỳ thi năng lực lẫn kỹ năng, IELTS có hạn sử dụng, do kỹ năng lẫn năng lực cần bồi dưỡng thường xuyên. Các học sinh, sinh viên của tôi, tôi sẽ khuyên không cần đạt điểm IELTS tối đa, chỉ cần đạt đủ yêu cầu của trường, công ty. Đơn giản vì khi học đến chuyên ngành, bất kể ngành gì ở nước ngoài, thì năng lực chuyên môn mới quyết định bạn có ra trường được hay không”, ông Tâm nói.